Cá mập hổ là một trong những loài săn mồi nguy hiểm và hung dữ nhất dưới đáy đại dương. Chúng có thể trở thành nỗi ám ảnh của nhiều loài vật. Tuy nhiên, cá mập hổ cũng có những đặc điểm "khác thường" so với các loài cá mập khác.
Loạt bài trải nghiệm thực tế "Bơi cùng cá mập hổ" của Glenn Hodges và Brian Skerry, phóng viên của National Geographic, sẽ cho chúng ta thấy nét riêng biệt của loài cá mập hung tợn này.
BÀI 1: "Tôi đã mơ thấy cá mập bơi qua bồn cầu…"
BÀI 2: Bơi cùng cá mập hổ: Vuốt ve lần đầu và… hoảng loạn!
BÀI 3: Nỗi ám ảnh về siêu phẩm "Hàm cá mập" và kẻ thù lớn nhất của loài cá mập hổ
Cá mập hổ và rùa biển
Bên cạnh việc dân số Hawaii ngày càng tăng, một yếu tố khác "kích thích" loài cá mập hổ sinh sống gần hòn đảo này có thể là do sự gia tăng của rùa biển.
Theo đó, sau nhiều thập kỷ bị khai thác quá mực, rùa biển xanh đã nhận được chính sách bảo vệ của liên bang từ năm 1978. Vì vậy, số lượng của chúng đã tăng lên kể từ đó.
giờ, chúng sinh sống, phân bổ nhiều ở ngoài khơi bờ biển Hawaii, và dần trở thành món ăn quen thuộc của cá mập hổ.
Cá mập hổ và rùa biển đã có một khoảng thời gian dài chia sẻ lịch sử với nhau. Cùng nhau tồn tại từ thời đại khủng long, và hồ sơ hóa thạch cho thấy có thể chúng đã cùng tiến hóa song hành với nhau.
Với bộ hàm rộng và cực khỏe, cá mập hổ có thể dễ dàng nghiền nát những chiếc mai siêu cứng của các con rùa trưởng thành theo cách mà hầu hết các loài cá mập khác không thể.
Với bộ hàm và những chiếc răng của cá mập hổ được thiết kế để nghiền nát các vật siêu cứng như mai rùa.
Điều này có thể giải thích cho thói quen ăn tạp nổi tiếng của chúng. Lốp xe, biển số, lon sơn, gia súc, bom đạn chưa nổ, áo giáp - tất cả những thứ này đã từng được tìm thấy trong dạ dày của cá mập hổ, chứng tỏ chúng sẵn sàng cắn hoặc ăn bất cứ thứ gì.
Bởi vậy, nếu ngày càng nhiều rùa biển cùng chia sẻ mặt nước với con người, số lượng vụ tấn công người gia tăng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cá mập hổ và rùa biển còn mang ý nghĩa quan trọng hơn đối với sức khỏe của hệ sinh thái đại dương trên toàn cầu.
Cụ thể, ở một vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Úc gọi là Vịnh Cá Mập (Shark Bay), một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Mike Heithaus từ Đại học Quốc tế Florida, đã chỉ ra cách cá mập hổ ngăn chặn những con rùa biển và bò biển tận diệt nguồn cỏ biển, góp phần bảo vệ hệ sinh thái.
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành bơm nước qua miệng và mang của một con cá mập hổ trong khi bắt giữ nó để gắn thẻ theo dõi nhằm thu thập hình ảnh và các dữ liệu khác.
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra đó không đơn thuần là chuyện săn mồi. Sự hiện diện của cá mập hổ đã làm thay đổi thói quen của những con rùa biển và bò biển, hình thành nên một "nỗi sợ" buộc chúng phải thận trọng hơn mỗi khi ăn cỏ để tránh bị ăn thịt.
Điều này có nghĩa là việc bảo vệ những động vật như rùa biển mà không bảo vệ những loài săn chúng có thể dẫn tới sự suy thoái của hệ sinh thái biển.
Một con cá mập hổ đang bơi lội dưới đáy biển tại Tiger Beach, một điểm lặn nổi tiếng ở Bahamas.
Heithaus cho biết: "Nếu bạn nhìn vào những nơi mà quần thể cá mập đã giảm và những con rùa đang được bảo vệ - những nơi như Bermuda - có vẻ như hệ sinh thái cỏ biển ở những khu vực này đang bị tổn thương".
Còn lại gì sau bộ phim “Hàm cá mập”?
Tại Bahamas, nơi mà việc đánh bắt cá mập đã bị cấm dài hạn từ năm 1993, và được quy hoạch thành khu bảo tồn cá mập vào năm 2011, hệ sinh thái biển tương đối khỏe mạnh.
Tuy nhiên, ở phần tiếp giáp phía tây Đại Tây Dương, bao gồm vùng biển Bermuda, cá mập ít được bảo vệ hơn nên dường như hệ sinh thái đang phải gánh chịu những hậu quả.
Một con cá mập hổ con được các nhà khoa học ở Hawaii chụp ảnh. Con vật có những vết sọc khác nhau chạy dọc theo thân, đó là lý do chúng được gọi là cá mập hổ. Thông thường, các sọc này sẽ biến mất khi chúng trưởng thành.
Neil Hammerschlag, một nhà sinh thái biển tại Đại học Miami, người chuyên nghiên cứu cá mập hổ ở Tây Đại Tây Dương, cho biết những con rùa biển dường như không thay đổi hành vi của chúng để thích ứng với cá mập hổ theo cách mà đồng loại của chúng ở Vịnh Cá Mập đã làm, và đó có thể là do quần thể cá mập hổ ở Đại Tây Dương đã bị tổn hại đáng kể.
"Tôi đã làm việc ở Florida và Bahamas. Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn về kích thước và số lượng cá mập hổ ở 2 địa điểm này.
Trong khi cá mập hổ đang phát triển tốt ở Bahamas, thì chúng tôi hầu như không bao giờ bắt gặp chúng ở Florida, mặc dù 2 địa điểm này chỉ cách nhau chừng 80 km" - Hammerschlag cho biết.
Florida đã cấm việc giết hại cá mập hổ ở vùng biển của mình từ năm 2012, nhưng đó là tiểu bang duy nhất trên bờ biển phía Đông làm như vậy. Luật pháp liên bang cho phép ngư dân có thể săn bắt và giết hại cá mập hổ trong giới hạn nhất định, nhằm phục vụ cho mục đích thương mại và giải trí.
Chắc chắn bộ phim "Hàm Cá Mập" không phải là mối đe dọa duy nhất mà cá mập hổ phải đối mặt. Bởi vì ngoài tác nhân đó ra, còn có sự mở rộng của bờ biển, ô nhiễm đại dương, đánh bắt cá dài ngày, hay sự phổ biến của món súp vây cá mập, đang đe dọa loài "sát thủ ăn tạp" này.
Mặc dù vậy, ít nhất bộ phim đã góp phần tạo nên thái độ thù địch của con người đối với loài cá mập.
Sau bộ phim "Hàm Cá Mập", con người không chỉ ám ảnh về cá mập, mà còn trở nên vô tình, thậm chí nảy sinh lòng thù hận với loài vật này.
Trong những năm 1970 và 1980, các cuộc săn bắt cá mập bùng nổ như cỏ dại trên bờ biển phía đông của Hoa Kỳ, và tình trạng đó vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Hàng tá người vẫn đang ăn mừng với hình ảnh những con cá mập bị treo trên boong tàu.
Tôi đã tới tham dự một trong những lễ hội như vậy vào mùa hè năm ngoái, và ấn tượng với cảnh một người phụ nữ đi cùng đứa con nhỏ, chỉ vào một con cá mập mako với bộ hàm đẫm máu và nói (như thể nhắc nhở đứa con): "Oooh, đáng sợ chưa?".
Cá mập rất đáng sợ, đó là sự thật. Tuy nhiên, tôi đã dành vài ngày trên đảo Kauai với Mike Coots, một nhiếp ảnh gia đã bị mất một nửa chân phải do bị một con cá mập hổ tấn công trong khi lướt sóng vào năm 1997, khi anh mới 18 tuổi.
Đánh bắt cá mập đã bị cấm ở Bahamas từ năm 2011, nhưng tình trạng săn bắt vẫn còn hợp pháp ở hầu hết các vùng biển.
Mặc dù vậy, anh đã nhanh chóng trở lại với biển cả, mà hầu như không bao giờ bận tâm về lũ cá mập khi lướt sóng.
Anh tâm sự với tôi: "Hawaii là một nền văn hóa gắn liền với đại dương. Người dân ở đây đã gắn bó với biển cả từ khi họ còn quấn tã. Thế nên chẳng ai sợ cá mập cả".
Để kiểm chứng điều đó, tôi đã hỏi một vài đứa bé đang chơi trước sân nhà chúng xem chúng có sợ cá mập không, và nhận được câu trả lời là "Không", như thể đó là câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà chúng từng được hỏi. Chúng chỉ ở độ tuổi mà lần đầu tôi xem bộ phim "Hàm Cá Mập".
Hè năm ngoái, khi tôi đang lên kế hoạch cho chuyến lặn biển của mình tại Tiger Beach, những cơn ác mộng về cá mập tấn công đang nở rộ ở Bắc Carolina, và một con cá mập hổ nặng 360 kg đã bị bắt ở bờ biển Nam Carolina.
Kênh USA Today đã mô tả con cá mập này là "tàn ác", trong khi ca ngợi những ngư dân là "những tâm hồn dũng cảm".
Khi trở về nhà từ Hawaii, tôi đã xem lại câu chuyện. Nhìn bức ảnh con cá mập bị moi ruột và treo trên boong tàu, tôi bất chợt nghĩ đến Sophie, và bởi vậy những ngôn từ đó không thể thuyết phục được tôi một chút nào.
Sự thật là cá mập hổ rất khác trong suy nghĩ của chúng ta.
Ảnh: Brian Skerry/Nguồn: National Geographic