Người ta vẫn thường tranh cãi nhau việc làm thêm nào là "chân chính", việc nào đáng, việc nào nên làm, việc nào không. Từ những quan điểm cho rằng sinh viên chỉ nên làm những công việc đầu óc, làm cho startup... đến quan điểm nói những việc làm thêm chân tay như chạy xe ôm, bán hàng, bưng bê... là hết sức vô bổ, phí công sức, thời gian mà chẳng mang đến ích lợi gì.
Tuy nhiên, là những người trong cuộc, chính các sinh viên hiểu rằng: Sinh viên thì ai chẳng phải làm thêm, không việc này việc khác, mỗi việc đều có những giá trị riêng.
Bỏ qua những tranh cãi đi làm gì qua một bên, hôm nay chúng ta sẽ nói đến một khía cạnh mới, đó là những nỗi niềm ít ai thấu của sinh viên khi đi làm thêm.
Đi làm thêm đồng nghĩa với khổ, với cực, bị bóc lột, bị chèn ép; nhưng không đi làm thì không có tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần cho bố mẹ. Làm những nghề liên quan đến dịch vụ, phục vụ, tiếp xúc với nhiều khách hàng càng mệt mỏi, hay dính "phốt", thậm chí bị xua đuổi như đuổi tà vậy.
Chắc hẳn tất cả chúng ta sáng sớm đều ít nhất một lần nhận được cuộc gọi: Em chào anh/ chị, em là ABC, em đến từ công ty XYZ, anh/ chị có nhu cầu mua đất không ạ, bên em có lô đất mới; anh/ chị có nhu cầu mua chung cư giá rẻ không ạ, bên em có chính sách ưu đãi; anh/ chị có nhu cầu mua bảo hiểm không, bên em cam kết an toàn, uy tín...
Những lần như thế bạn sẽ cáu gắt, gắt gỏng, xua đuổi, tắt máy ngay lập tức đúng không? Và bạn có biết ai là những người phải đón nhận cảm giác khó chịu đó từ bạn không, chính là nhân viên Telesales, mà đa phần trong số đó là sinh viên.
Nhân viên Telesales là những cá nhân hoặc một bộ phận trong doanh nghiệp, họ làm nhiệm vụ tiếp xúc với khách hàng và bán hàng qua điện thoại. Khác với nhân viên sales, nhân viên Telesales tìm kiếm khách hàng và tư vấn, chốt đơn hàng với họ thông qua một phương tiện giao tiếp phổ biến là điện thoại.
Người ta bảo Telesales là cái nghề lương thấp, mỗi tháng có mấy triệu nhưng là nghề can đảm nhất vì biết bị chửi vẫn phải gọi, vẫn phải mời chào hàng. Khách chỉ chửi qua điện thoại thôi nhưng nghe giọng là biết họ bực bội, khó chịu lắm.
Những công việc tiếp xúc với nhiều người dạy chúng ta rất nhiều điều bổ ích mà trường học không đề cập đến. Ngoài lương ra thì tiền phần trăm từ sản phẩm bán được khá lớn. Không ít trường hợp những người giàu có nhờ nghề Telesales.
Ai làm nghề Telesales ắt sẽ biết cảm giác có những ngày thực sự thấy tồi tệ, bức bối vì những lời từ chối của khách hàng: “Anh không cần", "Sao em gọi lắm thế", "Em dừng ngay việc làm phiền người khác lại được không". Hay thậm tệ hơn là "Beep beep beep beep beep beep!"
Nhân viên Telesales sẽ được phát cho kịch bản sẵn, ngồi tập và nói chuyện như một cái máy. Và cũng chính vì thế ngày nào họ cũng được nghe khách chửi mắng liên tục như một điệp khúc vậy.
Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Làm Telesales có tâm nên công việc riết thành ám ảnh. Câu nói "Em cảm ơn, em chào anh/ chị ạ" dần dần trở thành một thói quen khó bỏ trong cuộc sống.
Có nhiều người mới vào nghề nghe khách chửi không có ý thức, mới sáng thứ 2 người ta còn họp hành, làm việc đã đi reo réo gọi mời chào... liền tắt máy và khóc huhu như con nít. Hiếm lắm mới gặp người tử tế và đồng ý mua hàng, sử dụng dịch vụ hoặc cung cấp thông tin.
Có những câu chửi đi vào huyền thoại mà ai làm Telesales cũng nghe như: "Ai cho chúng mày số điện thoại của tao. Sao chúng mày lỳ vậy. Sao chúng mày đông như quân Nguyên, hết đứa này đến đứa khác gọi tao làm phiền thế hả?"
Không thể phủ nhận Telesales là một nghề hot, được rất nhiều sinh viên chọn lựa để làm thêm nhưng để làm đúng thì rất ít người hiểu được. Ngoài tiền, nó mang lại sự kiên nhẫn, dám đứng ra bảo vệ ý kiến của bản thân, biết cách lắng nghe, thuyết phục người khác... và rất nhiều kỹ năng mềm nữa.
Nếu một buổi sáng đẹp trời, nhận được cuộc gọi mời chào mua hàng, sử dụng dịch vụ bảo hiểm, nhà đất... hãy nhẹ nhàng nói câu từ chối, đừng gắt gỏng nhé, vì phía đầu dây bên kia biết đâu là một cô cậu sinh viên mới vào nghề, đang kiếm từng đồng từ Telesales để trả tiền trọ, tiền ăn mà bị bạn doạ cho chết khiếp như thế thì họ sẽ chẳng dám làm việc nữa.