Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung”

Gia Bảo |

Nếu bạn đột ngột nghe thấy một tiếng nổ vang trời khi vừa chìm vào giấc ngủ giữa đêm khuya, rất có thể bạn đã gặp phải cơn ác mộng của hội chứng "đầu nổ tung".

Bạn biết không, trên thế giới có rất nhiều chứng bệnh cổ quái mà nhiều người chưa từng được nghe đến. Một trong số đó là chứng "Đầu nổ tung" - Exploding Head Syndrome (EHS).

Đây là một chứng rối loạn cận giấc ngủ và ảo giác thị mà khoảng 20% số người trên thế giới đang mắc phải. Hầu hết trong số họ sẽ nghe thấy những tiếng nổ cực lớn khi mới chợp mắt. Có điều, tiếng nổ này không có thực, mà nó chỉ diễn ra trong đầu họ thôi.

Hội chứng này không chỉ gây ám ảnh cho người mắc, mà còn làm đau đầu rất nhiều nhà khoa học nhằm tìm cho ra nguyên nhân. Nó cũng làm dấy lên giả thuyết: liệu những tiếng nổ đó có mối liên hệ với các hiện tượng siêu nhiên hay không?

"Những quả bom tưởng tượng"…

Niels Nielsen - một nạn nhân của hội chứng đã kể lại chi tiết cơn ác mộng ông chịu đựng bấy lâu nay trong giấc ngủ: "Tiếng ồn cứ dần dần chồng chất, rồi bỗng một tiếng nổ lớn chói tai vang lên kèm theo tiếng xì xì như của điện. Trước mắt tôi lóe sáng như có ai rọi đèn vào mặt vậy."

Có người mô tả nó như một quả bom phát nổ ngay bên tai, như tiếng chuông réo rắt hay tiếng súng đạn đầy sợ hãi. Kèm theo đó là sự co giật cơ bắp, cảm giác bị đột quỵ, hay những cơn đau đầu như búa tạ bổ xuống, nhưng chỉ trong chốc lát.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 1.

Triệu chứng này có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, nhưng cũng nhiều người mắc liên tục chỉ trong một đêm.

Trước đây, hội chứng được cho là chỉ xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, tiến sĩ Brian Sharpless đã thực hiện nghiên cứu trên 211 sinh viên ở ĐH Washington. Ông phát hiện ra 1/5 trong số họ cũng mắc phải hội chứng này.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 2.

Theo Sharpless, người khó ngủ hay căng thẳng thần kinh thường xuyên là nạn nhân của hội chứng.

Nguyên nhân chính nằm ở cơ chế "tắt điện" của não bộ

Ngoài chứng động kinh, sự bùng nổ hoạt động thần kinh trong não là giả thuyết hợp lý nhất về hội chứng này.

Thông thường khi ta ngủ, cơ thể "đóng cửa", ngưng hoạt động. Trong quá trình chuyển giao giữa thức và ngủ này, não cũng "tắt điện" từng chút một.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 3.

Tuy nhiên, với những ai mắc phải hội chứng này sẽ gặp trục trặc tại bộ phận của não có trách nhiệm giám sát cơ chế "đóng cửa".

Sóng não alpha gây buồn ngủ vì thế mà cũng bị kìm hãm, để rồi bất chợt gây nên bùng nổ hoạt động thần kinh ở những vùng xử lý âm thanh của não, dẫn đến những âm thanh kinh hoàng.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 4.

Những giả thuyết rùng rợn khác

Các triệu chứng của hội chứng "đầu nổ tung" thường gắn liền với hiện tượng bóng đè mà nhiều người trong chúng ta hay gặp.

Vào thời Trung Cổ, những người bị bóng đè cho rằng họ đã bị những con quỷ ngồi lên ngực.

Toàn thân bất động, họ chỉ có thể mở mắt và nghe thấy những tiếng la hét như "Tao sẽ giết mày"… hay nhìn thấy những hình ảnh ma quỷ ghê rợn.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 5.

Trên thực tế, ta có thể nhận ra được sự giống nhau giữa hội chứng đầu nổ tung và hiện tượng bóng đè trong quá trình chuyển đổi từ ngủ sang thức.

Khi bị bóng đè, não ta vẫn đang trong trạng thái mơ liên tục. Nghĩa là dù cho ta đã thức thì cơ thể vẫn chưa "mở cửa". Ta vừa thức, vừa mơ và cảm thấy mọi thứ diễn ra rất thật nhưng tất cả chỉ là ảo giác mà thôi.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng đến từ hội chứng “đầu nổ tung” - Ảnh 6.

Và khi đầu vừa bị "nổ tung", cơ thể thì bị đóng đè, những ác mộng siêu nhiên đáng sợ khó lý giải sẽ đến với chúng ta.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi những ác mộng này?

Hội chứng "đầu nổ tung" lâu ngày có thể dẫn đến mất ngủ, chứng tim đập nhanh, đánh trống ngực, rối loạn hoảng sợ và cả trầm cảm.

Cách tốt nhất để giải thoát khỏi hội chứng này đó là đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình ngủ của bạn, thu thập các thông tin về sóng não, nhịp tim, nhịp thở cũng như cử động của tay chân lúc ngủ để tìm ra hướng chữa trị hiệu quả nhất.

Ngoài ra, bạn phải tích cực giải quyết tình trạng thiếu ngủ của mình nếu có, đi bộ, đọc sách hay tập yoga để thư giãn, giảm stress. Quan trọng nhất là phải nói không với đồ uống có cồn.

Nguồn: BBC, Daily Mail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại