Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo về hệ thống tài chính của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) vừa phát hành.
Theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp, và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tập trung ở các NHTM yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số NHTM vẫn còn khá lớn.
Năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC, xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tải sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.
Trong năm, đã xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.
Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg đã đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu kể từ quý 4/2017. Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các TCTD đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, như:
Trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, Tạo cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá trị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các NH yếu kém và NH được mua 0 đồng chậm.
Cũng theo NFSC, năm 2017, dự phòng rủi ro ước tăng khoảng 24,7% so với cuối năm 2016. Dự phòng rủi ro cụ thể ước tăng 26,3%, dự phòng rủi ro chung ước tăng 22,1% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo ở mức 65,8%.
Bước sang năm 2018, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia dự kiến hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng; tình hình doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tiếp tục cải thiện; khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm dần được hoàn thiện.