Nỗ lực vì một hành tinh không ô nhiễm trắng

Ban Thời sự |

Thế giới đang hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất, vì một hành tinh không có ô nhiễm trắng.

Tác hại nghiêm trọng

Theo Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa.

Ước tính khoảng 79% số này được thải ra bãi rác, bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.

Hơn 500 tỉ túi nhựa - tức 1 triệu túi mỗi phút - được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút nhưng sau đó lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, ước tính trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa thải ra môi trường.

Quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu từ năm 2019.

Nỗ lực vì một hành tinh không ô nhiễm trắng- Ảnh 1.

Đến năm 2050, ước tính trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa thải ra môi trường (Ảnh: National Geographic)

PGS. Phaedra Pezzullo (Đại học Colorado Boulder, Mỹ) cho biết: "Chúng ta sản xuất nhiều nhựa hơn hầu hết mọi người có thể tưởng tượng với hơn 400 triệu tấn nhựa. Trong 100 năm qua, con số đó tăng gần 19.000%. Nơi sản xuất nhựa dùng một lần, đặc biệt là khu vực sinh sống của người da đen, người da màu ở Mỹ, bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc sản xuất nhựa và điều đó có thể gây ra các vấn đề như bệnh hô hấp, rối loạn nội tiết, hen suyễn, ung thư hoặc một loạt vấn đề khác...".

PGS. TS. James Sternberg (Đại học Clemson, Mỹ) chia sẻ quan điểm: "Hộp đựng dùng một lần tồn tại rất lâu. Một điều nữa mà tôi chắc chắn nhiều người đã nghe nói đến là rác thải vi nhựa. Thực tế là khi nhựa phân hủy, nó có xu hướng bong ra thành những mảnh ngày càng nhỏ hơn mà thực sự có thể được động vật, con người ăn vào, thậm chí đôi khi, nó còn có thể được thực vật hấp thụ".

Chị Leane Tam (Thành viên Tổ chức Hòa bình Xanh Greenpeace) cho rằng: "Chúng ta không thể tiếp tục lạm dụng việc sử dụng nhựa gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chúng tôi muốn khuyến nghị các chính phủ nên dành nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy tái sử dụng thay vì phát triển đồ nhựa dùng một lần. Đây là cách giải quyết tận gốc rễ của vấn đề".

Chị Sonia Ugwunna (nhà hoạt động môi trường) đưa ra lời khuyên: "Chúng ta không cần phải đợi đến những ngày như Ngày Trái đất Thế giới để có ý thức hơn về môi trường của mình. Hành tinh này là tất cả những gì chúng ta có và nếu chúng ta không chung tay đảm bảo một tương lai bền vững thì sẽ không có ai khác làm điều đó".

Ai cũng cần hành động

Câu chuyện ứng phó rác thải nhựa đã không còn mới nhưng là một nhiệm vụ lớn, cần sự chung tay toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, để đạt được các mục tiêu giảm rác thải nhựa, bên cạnh các nỗ lực về nâng cao nhận thức người dân về tác hại từ nhựa, điều chỉnh chính sách về phát triển ngành công nghiệp thời trang nhanh, đầu tư vào vật liệu thay thế thì một trong các giải pháp quan trọng là loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần.

Một trong các bước giúp giảm thiểu loại rác thải này là cố gắng tránh mua hàng tạp hóa được đóng gói trong bao bì nhựa.

Một buổi đi chợ thường ngày của bà Judith Enck, thay vì đựng thực phẩm vào các túi nilon, túi nhựa thì lựa chọn của bà là các túi tái chế, thân thiện với môi trường.

Bà Judith Enck (Chủ tịch Nhóm vận động Beyond Plastics) nói: "Nhà chúng tôi ăn rất nhiều bơ đậu phộng nên tôi tìm đến lọ thủy tinh thay vì lọ nhựa. Chúng tôi mua một ít cam và cho vào túi tái sử dụng - túi đựng nông sản của tôi. Khi mua cá, tôi yêu cầu họ không cho cá vào túi nilon mà chỉ thường xuyên bọc cá bằng giấy".

Nỗ lực vì một hành tinh không ô nhiễm trắng- Ảnh 2.

Mỗi chúng ta hãy hành động ngay hôm nay vì một hành tinh không ô nhiễm trắng (Ảnh: Internet)

Nói không với những thực phẩm đóng hộp nhựa hoặc đóng gói trong túi nilon, thường được bà Enck gọi là "quan tài nhựa", bà Enck chọn những củ cà rốt, các loại rau không có bao bì. Bà cũng luôn mang theo những chiếc túi mua sắm có thể tái chế trong ô tô như một thói quen phổ biến khi New York cấm túi nhựa từ vài năm trước.

Bà Judith Enck nhấn mạnh: "Người tiêu dùng cần biết rằng hầu hết các loại nhựa đều không thể tái chế được. Chỉ 5 - 6% lượng nhựa có thể tái chế được ở Mỹ. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng tránh đồ nhựa bất cứ khi nào có thể".

Từ những hành động nhỏ, trong thói quen thường nhật, bà Judith Enck tin rằng điều này sẽ có ý nghĩa thiết thực cho những hành động lớn lao hơn.

"Ngay cả những bước nhỏ cũng tạo nên sự khác biệt vì các siêu thị lớn sẽ chú ý khi mọi người yêu cầu đóng gói bằng các túi nhựa ít hơn. Ngoài ra, con em chúng ta cũng sẽ quan tâm. Nếu chúng ta mua sắm và nói với chúng lý do chọn lọ thủy tinh thay cho chai lọ nhựa thì đó cũng là cơ hội tốt để giáo dục con cái", bà Judith Enck đưa ra lời khuyên.

Loại bỏ nhựa là một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng những thay đổi nhỏ do mỗi cá nhân chúng ta thực hiện mỗi ngày có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Trong một nỗ lực toàn cầu lớn hơn, theo dự kiến, phiên họp thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa sẽ được tổ chức tại thủ đô Ottawa, Canada nhằm thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại