Nỗ lực tạo ra nâng cấp 'đột phá' trên tăng thiết giáp ư, Nga có thể cần kiến thức từ... Apple và Tesla?

Hoài Giang |

Trong lúc chúng ta vẫn đang nghĩ xem sẽ dùng kính Apple Vision Pro và robot Tesla Optimus Prime II như thế nào thì chúng rất thích hợp cho 1 lĩnh vực to lớn đó chính là quốc phòng.

"Prometheus"?

Trong Thần thoại Hy Lạp, Prometheus (Prô mê tê) là một vị thần khổng lồ (Titan) người đã lấy ngọn lửa từ thần Helios và trao nó cho nhân loại.

"Prometheus" của người Nga thì hơi khác, đây là một dự án nhằm sản xuất ra các phần cứng và phần mềm có thể chuyển tất cả các khí tài quân sự trên bộ (đặc biệt là tăng thiết giáp) thành các UGV (phương tiện không người lái mặt đất).

Vào ngày 6/2 vừa qua, VNII "Signal" (viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Rostec của Nga) đã ra tuyên bố về việc họ hoàn tất quá trình phát triển và bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu của "Prometheus" trên cơ sở Xe chiến đấu bộ binh (IFV) BMP-3.

Trong bối cảnh các phương tiện không người lái đang được các bên tham chiến ở Ukraine sử dụng tích cực, không khó để nhận ra rằng dự án đang được phía Nga chú trọng.

Và mặc dù vào cuối tháng 12/2023, đã có những tin đồn rằng chiếc UGV BMP-3 sẽ được "thử lửa" ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng có thể nói rằng nó sẽ được thử nghiệm ở những nơi "yên tĩnh" hơn.

"Dạy người khiếm thị lái xe"?

Trong bài viết liên quan được Topwar.ru đăng tải ít ngày trước, chuyên gia Nga Mikhail Tokmakova lưu ý về những kỳ vọng và thách thức với "Prometheus" như sau:

"Theo Giám đốc khối công nghệ quốc phòng của Rostec ông Bekhan Ozdoev, các khí tài được trang bị tổ hợp này sẽ có thể tự động di chuyển dọc theo tuyến đường được chỉ định trước, tránh chướng ngại vật và thậm chí tự quyết lộ trình tối ưu giữa hai điểm.

Nếu "Prometheus" thực sự có thể làm những điều như ông Ozdoev nói thì sẽ không quá lời khi nói về một bước đột phá công nghệ thực sự có thể tạo ra các thay đổi quan trọng trong Lục quân Nga và đặc biệt là lực lượng tăng - thiết giáp.

Nói đến những khó khăn chung liên quan tới các phương tiện không người lái - hay ngắn gọn là robot thì cần lưu ý 1 công thức là "môi trường mà thiết bị sẽ di chuyển càng đồng nhất thì việc điều khiển từ xa hoặc tự động hóa càng dễ dàng".

Điều này đúng ngay cả trong các trò chơi (game) trên máy tính. Ở một số game, việc tìm đường được tổ chức tốt hơn, và ở những game khác thì tện hơn khiến các bot (nhân vật ảo do máy tính tạo ra và điều khiển) tụ thành từng "đống", chạy "xuyên" tường...

Chúng ta không thể tùy chỉnh thế giới thực như trong game, và đây là lý do tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV/Drone) và AUV (phương tiện không người lái dưới nước) ra đời trước khi UGV thực sự phát triển.

Lý do là vì ở trên không hay trên biển vẫn có những ảnh hưởng của gió, của thời tiết... nhưng ít nhất vẫn không tồn tại có các chướng ngại vật vững chắc như những thứ mà UGV phải đối mặt.

Trong lĩnh vực dân sự, chỉ gần đây - khi có đầy đủ các tiến bộ về tia laser, camera, chip và hệ thống nhận dạng hình ảnh thì các nhà sản xuất mới hiện thực hóa các giải pháp xe tự lái.

Và để so sánh thì so với nhu cầu đi lại trong đô thị, thì các khí tài quân sự hoạt động trong những khu vực khó khăn và nguy hiểm cần tới các robot hơn nhiều vì có quá nhiều thứ có thể ảnh hưởng đến tâm lý người lái tăng - thiết giáp.

Người lái thường phải vật lộn với một khí tài nặng nhiều tấn nhưng vẫn phải làm đó một cách nhanh chóng và chính xác, phản ứng phải cực nhanh trước các mối đe dọa (ví dụ như khi đang đi qua bãi mìn hoặc khu vực Drone đối phương hoạt động).

Tuy nhiên tầm nhìn của người lái từ bên trong khí tài thường bị hạn chế,

Nhờ máy nạp đạn tự động, các kíp tăng - thiết giáp và pháo binh đã có thể bớt đi ít nhất là 1 người tiếp đạn, những tháp pháo tự động có thể nhập kíp trưởng với xạ thủ. Tuy nhiên cho tới nay người lái kiêm thợ máy luôn là phần không thể thiếu trong kíp lái.

Nếu người lái được thay thế bằng robot, kết hợp với khả năng điều khiển bằng giọng nói, tăng thiết giáp tương lai có thể chỉ cần duy nhất 1 người điều khiển - thứ chắc chắn sẽ giảm thiểu thương vong.

Nhưng vẫn có một vấn đề là ngay cả với những UGV được điều khiển từ xa như Uran-9, độ phân giải thấp của camera so với tầm nhìn của con người cũng sẽ dẫn đến sai lệch - cụ thể người điều khiển khí tài không thể cảm nhận được kích thước của chính khí tài.

Vậy liệu có cách gì khiến "Prometheus" thực sự giải quyết được thách thức này?"

Các "tia sáng" có thể đến từ... Apple và Tesla?

Để trả lời câu hỏi của bà Mikhail Tokmakova, chúng ta cần lưu ý tới 2 sự kiện công nghệ quan trọng gần đây.

Đầu tiên là tính tới thời điểm hiện tại, kính VR/AR Vision Pro của Apple đã bán được hàng trăm nghìn bản - dù chỉ trong nước Mỹ. Và tiếp theo là những tin tức về robot Optimus Prime II do Tesla phát triển và được Tỷ phú Elon Musk liên tục đăng tải gần đây.

Vision Pro được nhiều chuyên gia cho rằng đánh dấu một bước đột phá đáng kể trong lĩnh vực điện toán.

Và trong lúc mọi người vẫn đang nghĩ tới việc ứng dụng nó trong công việc hay giải trí, vẫn còn một lĩnh vực có tiềm năng to lớn khác đó chính là ngành công nghiệp robot.

Việc thương mại hóa thành công các thiết bị điện toán không gian như Vision Pro cùng sự linh hoạt của robot Optimus Prime II đã khiến triển vọng con người điều khiển robot từ xa thay thế họ trở nên gần hơn đáng kể.

Có thể suy đoán rằng trong tương lai gần, các robot như Optimus Prime II được trang bị panoramic camera (camera toàn cảnh) cùng các cảm biến khác có thể mang lại trải nghiệm chân thực cho người dùng Vision Pro ở xa.

Điều này có nghĩa là bất kể người dùng ở đâu, họ đều có thể điều khiển "kẻ thế mạng" đi lại làm việc, giải trí... chỉ bằng cách đeo Apple Vision Pro, những gì sẽ diễn ra y như tình tiết trong bộ phim Surrogate (2009).

Câu trả lời cho vị chuyên gia Nga có thể sẽ rõ ràng hơn nếu thay "kẻ thế mạng" trong giả định trên bằng một khí tài đã được cài đặt "Prometheus".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại