"Made in Triều Tiên"
Từ kem đánh răng vị cà rốt, mặt nạ than hoạt tính đến xe máy và pin mặt trời, khách du lịch đến Triều Tiên cho biết họ nhìn thấy ngày càng nhiều những sản phẩm nội địa trong các cửa hàng và siêu thị, thay thế hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh chính quyền Trump cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn nhằm ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, nước này đang theo đuổi "chiến lược kép": Phát triển song song cả quân sự và kinh tế.
Phần lớn hàng tiêu dùng ở Triều Tiên vẫn có nguồn gốc Trung Quốc. Nhưng dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un, nỗ lực dùng hàng nội địa để tránh dòng tiền tệ chảy ra nước ngoài và củng cố tư tưởng dân tộc tự lực cánh sinh ngày một rõ ràng.
Reuters ghi nhận, không có dữ liệu nào chứng minh khối lượng sản phẩm sản xuất trong nước. Dữ liệu xuất khẩu đến Triều Tiên từ các nước như Trung Quốc và Malaysia có thể không phản ánh chính xác tình hình thực tế.
Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối bình luận khi được hỏi có phải tổng lượng xuất khẩu sang Triều Tiên đang giảm do lưu lượng hàng nội địa tăng lên hay không.
Khách du lịch cho biết, do được cấp lãnh đạo thúc đẩy, các công ty Triều Tiên lớn như hãng hàng không Air Koryo và tập đoàn Naegohyang đã đa dạng hóa thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng như thuốc lá và quần áo thể thao.
Nước giải khát do Air Koryo sản xuất. Ảnh: Reuters
Nhóm phóng viên Reuters đến Bình Nhưỡng hồi tuần trước được phép đi đến một cửa hàng tạp hóa cùng nhân viên của chính phủ. Các kệ hàng đầy ắp đồ uống sản xuất nội địa, bánh bích quy và thực phẩm cơ bản khác. Nhiều khách du lịch còn thấy đồ hộp, cà phê, kem đánh răng, mỹ phẩm, xà phòng, xe đạp và nhiều loại hàng hóa khác được bày bán trong thành phố.
Bà Rhee Kyong Sook, nhân viên bán hàng cho biết: "Càng có nhiều nhà máy mới mở ra thì mẫu mã, bao bì và thành phần của hàng thực phẩm càng được cải thiện rất nhiều."
Ông Kim Chul Ung, khách đến mua hàng cho biết: "Tôi nếm được vị hoa quả thật trong đồ uống sản xuất tại Triều Tiên, không giống với đồ uống từ những nước khác."
Nhiều khách du lịch cho hay, các sản phẩm nội địa sử dụng công nghệ rất tinh vi, và mã QR hoặc mã vạch ma trận được in trên nhiều loại hàng hóa từ mỹ phẩm đến đồ uống có ga. Các tiểu thương cũng ngày một cạnh tranh, họ chào mời khách dùng thử hàng mẫu - vốn chưa từng tồn tại 5 năm trước.
"Khoảng năm 2013, lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu nhắc đến nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu," ông Andray Abrahamian thuộc Choson Exchange, một nhóm hoạt động đến từ Singapore dạy người Triều Tiên các kỹ năng kinh doanh, cho biết.
"Rõ ràng họ nhận biết được rằng khối lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là quá nhiều, không chỉ hàng cao cấp mà còn là hàng hóa bình dân như thực phẩm."
Phía trong một cửa hàng trong khu mua sắm mới khai trương tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
"Quê Hương Tôi"
Hãng hàng không Air Koryo hiện nay sản xuất cả thuốc lá, nước uống có ga, xe taxi và trạm đổ xăng.
"Naegohyang" (tức "Quê Hương Tôi") vốn là một nhà máy thuốc lá ở Bình Nhưỡng, nhưng gần đây đã mở rộng ra sản xuất cả bài, hàng điện tử và quần áo thể thao. Công ty này còn tài trợ cho cả một đội bóng nữ cùng tên.
Các công ty Triều Tiên không bình luận, và không công khai doanh thu hay lợi nhuận. Không thể tìm thông tin về các đối tác của các công ty này.
Chuyên gia thương mại và bán lẻ nhận xét, thị trường Triều Tiên rất tiềm năng do có một tầng lớp "donju" kiếm ra tiền từ một nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý hoàn toàn.
Một tiểu thương xuất khẩu hàng tiêu dùng từ Đông Nam Á đến Triều Tiên cho biết, "Người Triều Tiên ngày càng không thích dùng hàng Trung Quốc vì họ cho rằng nó kém chất lượng."
Người tiêu dùng Trung Quốc mới bị chấn động bởi một số scandal an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, trong đó có gạo bẩn và sữa bột nhiễm độc.
"Các bà mẹ Triều Tiên cũng không khác gì bà mẹ ở Trung Quốc hay Canada, họ muốn cho con dùng những sản phẩm tốt nhất," ông Michael Spavor thuộc Paektu Exchange, một tổ chức đưa đại diện đầu tư, khách du lịch và học giả vào Triều Tiên cho hay.
"Tôi từng thấy người dân vào một cửa hàng ở Triều Tiên, so sánh hai sản phẩm Trung Quốc và nội địa rồi chọn mua hàng nội địa," ông Spavor cho biết.
Bánh bích quy do Triều Tiên sản xuất lấp đầy các giá kệ. Ảnh: Reuters
Phụ thuộc vào Trung Quốc
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Trung Quốc, do phần lớn nguyên liệu thô để sản xuất hàng tiêu dùng vẫn cần được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc đi qua Trung Quốc.
Chính vì vậy, nhiều khả năng các công ty "Sản xuất tại Triều Tiên" nêu trên sẽ gánh chịu hậu quả nếu Triều Tiên hứng chịu lệnh trừng phạt kinh tế.
Giới ngoại giao cho biết trong tuần này Washington sẽ thương thuyết với Trung Quốc về phản hồi cứng rắn hơn từ phía Hội đồng Bảo an LHQ, như một số lệnh trừng phạt mới để đáp trả những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.