Nợ hơn 400 nghìn tỷ, EVN vẫn thiếu hụt tiền đầu tư

Lương Bằng |

Báo cáo tài chính 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố cho thấy nhiều sự thật quanh con số nợ 400 nghìn tỷ mà EVN đang "gánh", cũng như đằng sau con số lợi nhuận 6.800 tỷ của EVN.

34 nghìn tỷ gửi không kỳ hạn

Khi đọc báo cáo tài chính 2018 vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố, nhiều ý kiến đã thắc mắc khoản tiền hơn 34 nghìn tỷ EVN gửi không kỳ hạn ở ngân hàng trong khi vẫn phải "gồng lưng đi vay, trả lãi".

Nhắc đến báo cáo tài chính của EVN, một ý kiến cho rằng: Do chi phí tài chính tăng vọt khoảng 30% so với năm 2017 lên 29.000 tỉ đồng (chiếm hơn 1 nửa lợi nhuận gộp về bán hàng) đã gặm mòn hết lợi nhuận. Trong đó, riêng tiền lãi vay đã trả gần 18.900 tỉ đồng.

Điều đáng nói, trong khi phải gồng lưng đi vay, trả lãi thì EVN đang gửi hơn 34.200 tỉ đồng tiền gửi không kì hạn tại các ngân hàng. Trên thị trường lãi suất không kì hạn đối với doanh nghiệp chỉ 0,2%/năm.

Với số tiền trên, EVN chỉ nhận được khoản lãi hơn 68 tỉ đồng - phần lợi nhuận quá ít ỏi so với khoản lãi vay phải trả như đã nói ở trên.

Nợ hơn 400 nghìn tỷ, EVN vẫn thiếu hụt tiền đầu tư - Ảnh 1.

EVN cần lượng vốn khổng lồ để đầu tư. Ảnh: Lương Bằng

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, một chuyên gia tài chính đã bình luận rằng: Chi phí tài chính có 3 loại. Thứ nhất là lãi vay, thứ hai là chênh lệch tỉ giá, thứ ba là dự phòng đầu tư tài chính.

Đây là chi phí bình thường của doanh nghiệp. Đi vay thì phải trả lãi. Lúc kí hợp đồng một tỉ giá khi thanh toán phải trả tỉ giá cao hơn thì phải hạch toán chi phí tài chính chứ không ghi tăng giá mua. Nếu công ty con bị lỗ thì phải lập dự phòng và hạch toán vào chi phí tài chính.

Việc có khoản gửi ngân hàng không kì hạn tại thời điểm báo cáo, vị chuyên gia này cho rằng: "Thông thường các khoản này tăng giảm liên tục để thanh toán các khoản phải trả. Chưa đủ cơ sở để nói là gửi không kì hạn.

Muốn phân tích thì phải có số liệu dòng tiền từng ngày, chứ báo cáo ở một thời điểm không nói lên là có hiệu quả hay không", vị chuyên gia phân tích kỹ.

Dẫn báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2018 của EVN, nhiều người đã đặt câu hỏi băn khoăn vì sao EVN phải đi vay mà vẫn có 42 nghìn tỷ gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Sau đó, EVN đã lên tiếng giải thích rằng: Số dư tiền gửi ngân hàng và quản lý dòng tiền của EVN tại thời điểm 30/6/2018 được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của tập đoàn, bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao", EVN cho biết, "Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất".

Nguy cơ thiếu hụt vốn đầu tư

Báo cáo tài chính của EVN cho thấy: Lợi nhuận trước thuế của EVN đạt 9.076 tỉ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của EVN còn lại 6.817 tỉ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017.

Nhiều ý kiến đánh giá đó là mức lãi "khủng". Nhưng EVN còn nhiều khoản chi phí chưa được phép phân bổ (ví dụ khoản chênh lệch tỷ giá), cho nên nếu tính đúng - tính đủ thì kết quả kinh doanh của EVN có thể bị lỗ.

Đơn cử khoản chênh lệch tỉ giá hối đoái còn thể hiện dư nợ 1,86 nghìn tỷ đồng trên báo cáo tài chính công ty mẹ EVN và 4,26 nghìn tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất.

"Nếu các khoản này phân bổ hết vào chi phí tài chính, thì công ty mẹ còn bị lỗ, kết quả hợp nhất cũng không còn lãi bao nhiêu", chuyên gia này khẳng định.

Trong khi đó, báo cáo tài chính cũng cho thấy, EVN đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn tiền đầu tư.

Vị chuyên gia tài chính phân tích, nền kinh tế đang đà tăng trưởng thì nhu cầu điện năng phải tăng với tốc độ ít nhất 10% /năm mới đáp ứng được, chưa kể khi mức sống tăng cao, thì nhu cầu điện tiêu dùng cũng tăng nhanh.

Trong khi đó vốn góp chủ sở hữu cuối năm 2018 của EVN ở mức 194 nghìn tỷ đồng, gần như không đổi, vay và nợ thuê tài chính dài hạn xấp xỉ 219 nghìn tỷ đồng còn thấp hơn so với năm trước. Số liệu vay và nợ dài hạn của báo cáo hợp nhất cũng chỉ xấp xỉ 360 nghìn tỷ đồng và giảm so với 2017.

Vốn chủ sở hữu không được đầu tư thêm, vay nợ giảm, trong khi đó giá trị tài sản cố định của cả tập đoàn vẫn ở mức xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng, với nguyên giá tăng 76 nghìn tỷ đồng.

Giả sử đầu tư cả cho phát điện, thì cũng chỉ tương đương bằng nhà máy thuỷ điện Sơn La. Trong khi đó xây dựng cơ bản dở dang cuối năm 2018 giảm còn 65 nghìn tỷ đồng so với 88 nghìn tỷ đồng cuối năm 2017.

Những phân tích trên cho thấy, bức tranh tài chính của EVN nếu giữ được các chỉ tiêu chi phí ở mức 2018, thì với mức tăng giá điện như vừa qua sẽ cải thiện phần nào hiệu quả hoạt động của năm 2019.

"Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, để EVN có thể tích luỹ vốn đáp ứng nhu cầu phát điện theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là khá khó khăn. Vay vốn giờ không dễ và cũng không dễ có các khoản cho vay lãi suất thấp", chuyên gia bình luận.

Cũng có ý kiến cho rằng EVN làm ăn "kém hiệu quả" khi tổng tài sản lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng, mà lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 6.800 tỉ đồng.

Tỷ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) chỉ rơi vào khoảng 4,8% là khá thấp so với mức từ 10-20% của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ROA với các ngành khác nhau sẽ rất khác nhau. Cho nên không thể lấy ROA của EVN so với các ngành khác được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại