Nợ công Việt Nam dễ lung lay ngay cả với những “cú sốc nhẹ”

Nguyễn Thảo |

Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua) cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

Nợ công thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới

Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới WB thực hiện cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua.

Cụ thể, nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9% và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%.

Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.

Điều đáng lo khác theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB là nợ của chính quyền địa phương. Khoản này hiện chưa lớn (0,9%GDP năm 2015) nhưng theo bà “tình hình căng thẳng hơn cả Trung ương”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. “Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá”, báo cáo nêu rõ.

Theo báo cáo, đi cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi bởi lẽ nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước.

Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên đến 55,4% năm 2015. Nợ trong nước giúp giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển thị trường vốn trong nước nhưng cũng làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ.

Tuy nhiên, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn rất hạn chế như hiện nay.

Nhìn chung, kỳ hạn nợ trung bình của Việt Nam vẫn chưa thể bằng kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực.

Cẩn thận với “những cú sốc”

Hầu hết các chuyên gia nêu ý kiến về vấn đề nợ công đều cho rằng về nguyên tắc Chính phủ không có trách nhiệm trả nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nếu không có bảo lãnh cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế Chính phủ có thể vẫn phải can thiệp trong trường hợp tình trạng mất khả năng trả nợ. Điều này gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

“Công tác quản lý nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sốc đó trong trường hợp diễn ra”, đại diện WB khuyến cáo.

Theo đó, giải pháp được nêu ra là, việc thu thập thông tin cập nhật và đáng tin cậy về các nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn phải là bước đi quan trọng đầu tiên.

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi khi nguồn vốn vay có tính chất ưu đãi (ODA) sẽ dần giảm xuống và nợ thương mại tăng lên. Vấn đề được nêu lên là Chiến lược quản lý nợ trung hạn đã được Chính phủ thông qua nhưng gặp trở ngại do cơ cấu quản lý nợ bị phân tán.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính đã được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý nợ chính, nhưng trong thực tế, một số hoạt động vẫn do các đơn vị khác thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước cũng có vai trò trong hoạt động vay nợ ưu đãi ngoài nước.

Chưa kể, chính trong Bộ Tài chính, nợ nước ngoài thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại còn nợ trong nước do Kho bạc nhà nước và Vụ Ngân sách nhà nước quản lý.

“Hệ thống này được hình thành trong bối cảnh nợ nước ngoài chủ yếu có tính chất ưu đãi nhưng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nợ thương mại sẽ đặt ra những nhu cầu khác cho chức năng quản lý nợ”, nhóm chuyên gia khuyến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại