Nissan Motor Co. sẽ có một năm 2025 tương đối "dễ dàng" trước khi đối mặt với một "bức tường" trái phiếu đáo hạn kỷ lục vào năm 2026, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về khả năng tạo ra dòng tiền của hãng xe này.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các công ty trong tập đoàn có khoảng 1,6 tỷ USD nợ đáo hạn vào năm 2025, giảm nhẹ so với năm 2024, nhưng con số này sẽ tăng vọt lên khoảng 5,6 tỷ USD vào năm 2026, mức cao nhất theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp từ năm 1996. Khoản nợ đáo hạn năm 2026 được phát hành bằng đồng yen, USD và euro.
Số nợ trái phiếu đáo hạn "khủng" trên diễn ra trong bối cảnh chi phí bảo hiểm vỡ nợ của hãng leo lên mức đỉnh được ghi nhận lần cuối vào tháng 3/2023 và chênh lệch lợi suất trái phiếu bằng yen và USD đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay.
Cổ phiếu của Nissan đã biến động mạnh trong những ngày gần đây, giảm mạnh sau khi hãng cắt giảm dự báo lợi nhuận và 9.000 việc làm, nhưng sau đó lại tăng vọt sau khi một trong những nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản mua cổ phần của hãng.
Trên thị trường tín dụng, đồn đoán nhà sản xuất ô tô này có thể bị nhiều hãng xếp hạng tín nhiệm hạ xuống mức không đáng đầu tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng làm tăng nguy cơ Mỹ tăng thuế đối với các nhà xuất khẩu.
Ông Shiro Nagai, người phát ngôn của Nissan, cho biết hãng có đủ thanh khoản trong mảng kinh doanh ô tô với hơn 1.300 tỷ yen (8,3 tỷ USD) tiền mặt ròng tính đến cuối tháng 9/2024. Nissan cũng đã cam kết các khoản tín dụng với các ngân hàng quốc tế lớn để "tiếp vốn" cho cả hoạt động kinh doanh, với hơn 1.900 tỷ yen sẵn có vào cuối tháng 9/2024.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Nissan được Moody’s xếp hạng Baa3 và Fitch Ratings xếp hạng BBB-, đều là mức đầu tư thấp nhất, trong khi S&P xếp hạng BB+, mức "rác" cao nhất (không đáng đầu tư). Tất cả các xếp hạng này đều có triển vọng ổn định, cho thấy rằng những thay đổi sẽ không xảy ra ngay lập tức.
Một mối lo ngại hiện nay là Nissan đã rơi vào tình trạng thâm hụt dòng tiền tự do trong giai đoạn từ tháng 4-9/2024. Khoản thâm hụt ước chừng hơn 440 tỷ yen trong giai đoạn 6 tháng là do lợi nhuận giảm và gánh nặng đầu tư tăng lên, và hãng vẫn sẽ cần phải phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo như xe điện và xe tự lái trong những năm tới.
Nissan cũng là hãng xe có tỷ lệ vay nợ so với thu nhập cao nhất trong số các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tỷ lệ nợ trên EBITDA của hãng là 8 trong quý trước. Con số này so với 4,9 của Toyota Motor Corp., 4,7 của Honda Motor Co. và mức trung bình 3,3 của các công ty trong Nikkei 225 Stock Average.
Dữ liệu của CMA cho thấy chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ của Nissan đã tăng lên khoảng 178 điểm cơ bản vào đầu tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 3/2023.
Thêm vào đó, tại Mỹ, một trong những thị trường lớn của Nissan, nhà sản xuất ô tô này đang đối mặt với những khó khăn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông muốn "chấn chỉnh" các nhà sản xuất ô tô ở Mexico bằng cách áp thuế hơn 200% đối với xe nhập khẩu từ Mexico. Mexico là cơ sở sản xuất và thị trường quan trọng của Nissan, và ông Trump cũng đã dọa tăng thuế đối với các quốc gia khác.
Phó giám đốc của S&P tại Tokyo, Yuta Misumi, cho biết chúng ta cần thận trọng hơn về triển vọng của toàn ngành công nghiệp ô tô và các công ty có hiệu suất kém có thể dễ bị ảnh hưởng hơn.