Ninja đặc biệt của Ieyasu Tokugawa

PGS Lê Thanh Bình |

“Việc xong rũ áo ra đi,/ Xóa nhòa thân thế, xá gì tiếng tăm”. (Lý Bạch, Hiệp khách hành).

Hattori Hanzo (1542 – 1596) còn gọi là Hattori Masanari hay Hattori Masashige là ninja "xuất quỷ nhập thần" nổi tiếng Nhật Bản.

Hattori Hanzo (1542 – 1596) còn gọi là Hattori Masanari hay Hattori Masashige là ninja "xuất quỷ nhập thần" nổi tiếng Nhật Bản.

Hai câu thơ trên rất hợp với Hattori Hanzo - samurai nước Nhật, người đáng lẽ có thể đi theo hướng phấn đấu trở thành võ sĩ thành danh xứ Phù Tang nhưng lại chọn con đường làm ninja với cuộc đời đậm chất huyền thoại: Quần áo đen, mặt nạ đen/Chủ giao sứ mệnh trong đêm thi hành/Ninja thủ đoạn bất phàm/Sống hòa bóng tối, mặc dân luận bàn.

Hậu thế tả ông: "Mắt nâu sáng - trung trinh sáng chói/Bắt chước nhanh, khéo - tướng khỉ đầu đàn/Lông mày xếch - gắn bó phận quân nhân".

Tuổi trẻ tài cao

Nhật Bản thời phong kiến cũng có 1 giai đoạn gọi là thời Chiến quốc - Sengoku (1493 - 1603). Đó là thời kỳ các daimyo (lãnh chúa vùng) tranh đoạt, thôn tính nhau để tập trung quyền lực về một mối, thống nhất đất nước bị cát cứ, chia rẽ, loạn lạc.

Đáng chú ý là các lãnh chúa như Oda Nobunaga (Chức Điền Tín Trường), Toyotomi Hidayushi (Phong Thần Tú Cát), Ieyasu Tokugawa (Đức Xuyên Gia Khang) - những người có vai trò quyết định đối với sự thống nhất Nhật Bản.

Oda thống nhất gần hết lãnh thổ Nhật Bản, rồi chẳng may bị thủ hạ ám sát vào năm 1582. Toyotomi tiếp tục sự nghiệp dở dang của Oda, thống nhất nước Nhật. Sau này, Toyotomi

Hidayushi mất, con trai và phe cánh bị thua dưới tay của Ieyasu Tokugawa và Ieyasu được Thiên hoàng gia phong chức Shogun tướng quân cầm đầu chính quyền Mạc phủ Tokugawa, đóng đô ở Edo (nay là Tokyo) mở ra thời kỳ Edo. Từ đó, gia tộc Ieyasu Tokugawa cha truyền con nối nắm thực quyền cai quản nước Nhật hơn 2 thế kỷ.

Tại sao nhân vật Ieyasu Tokugawa lại giành được quyền lực, dẹp tan các thế lực khác, thành công trong việc xây dựng nền tảng chế độ Mạc phủ? Chắc chắn ông là người kiệt hiệt, tài ba nhưng dưới trướng ông cũng không thiếu những thủ hạ xuất sắc, trung thành tuyệt đối, dũng cảm, nhiều công năng, đặc dị. Một trong số đó, phải kể đến Hattori Hanzo (1542 - 1596).

Hattori Hanzo (Phục Bộ Bán Tàng) còn có tên gọi Hattori Masashige (Phục Bộ Chính Thành), là con trai của Hattori Yasunaga, một samurai uy tín phục vụ từ rất sớm dưới trướng của nhà Ieyasu Tokugawa, khi nhà Tokugawa mới chỉ là một daimyo đang xây dựng lực lượng. Từ nhỏ, ông được đích thân cha dạy dỗ theo hướng phát triển thành samurai.

Mới 7 - 8 tuổi, Hanzo đã chăm chỉ luyện tập với cha. Khi cha ông bận rộn, ông cùng gia nhân lên núi cao vùng Iga quê hương để tự rèn tập. Chính nhờ lên núi nhiều năm, ông có duyên gặp gỡ 2 ẩn sĩ già, được họ dạy cho những tuyệt chiêu về đánh kiếm.

Ông còn gia nhập đội ngũ ninja phái Iga, nổi tiếng bởi nghệ thuật ninjutsu (Nhẫn thuật) - một hình thức võ thuật kết hợp với các kỹ năng tàng hình, gián điệp, phá hoại, hóa trang (Dịch dung) và giao tiếp, thu phục lòng người...

Năm 15 tuổi, được cha tiến cử, Hanzo đến ra mắt lãnh chúa Ieyasu và đã chứng tỏ năng lực chiến đấu của mình nên được thu nhận làm nội vệ cho Ieyasu Tokugawa. Một năm sau (1561), theo sử sách, gia tộc đối thủ Imagawa Ujizane bắt 2 con gái một người thiếp yêu của Ieyasu làm con tin giam trong lâu đài Kaminogo.

Năm 1562, Hanzo được lệnh cùng một đội quân của Tokugawa tấn công lâu đài Kaminogo. Hanzo đã sử dụng chiến thuật đánh du kích khi chiếm lâu đài Kaminogo.

Ông bàn với chỉ huy chia quân thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm có vài cao thủ làm hạt nhân để đánh lén kẻ thù vào đêm khuya. Họ dương Đông kích Tây, đánh lạc hướng địch, lợi dụng địa hình bóng cây, nhà kho, ao cảnh, thủy đình, len lỏi giữa các chòi canh để xâm nhập vào lâu đài.

Họ bất ngờ tấn công có thể từ trên cây cao, mái nhà, hòn non bộ giả sơn, gây sát thương chí mạng cho những tên lính gác đơn lẻ trong lâu đài và kết quả là nhóm ông đã giải thoát thành công các con tin.

Khi mọi người tề tựu trước mặt Ieyasu Tokugawa, vị lãnh chúa đã hết sức khen ngợi Hanzo và tán thưởng tài nghệ Nhẫn thuật của ông. Còn cô con gái thứ 2 của Ieyasu mới tuổi cập kê cảm động, khâm phục người hùng cứu mình nên thưa với cha rằng cô muốn được gả cho Hanzo.

Ieyasu thoáng chút ngạc nhiên rồi nhân dịp thử nhân tâm bằng cách quay sang hỏi riêng Hanzo: "Ngươi nghe thấy rồi đó, ý ngươi thế nào". Không ngờ, Hanzo bẩm: "Không phải tôi chê tiểu thư, nhưng vì thân phận tôi và cô ấy khác nhau, vả lại tôi có sứ mạng bảo vệ chúa công rất nguy hiểm, không thể chăm sóc tiểu thư suốt đời được. Lỡ tôi...". Ieyasu trầm ngâm, rồi vỗ vai Hanzo nói: Hiểu chuyện lắm.

Không chỉ dũng cảm, giỏi chinh chiến, Hanzo còn nhiều lần chứng tỏ lòng trung thành vô hạn đối với chúa công của mình. Khi trưởng nam của Ieyasu là Nobuyasu bị lãnh chúa quyền uy Oda Nobunaga nghi ngờ có âm mưu phản bội, khó bề thanh minh.

Để bảo toàn danh dự gia tộc mình, Ieyasu buộc phải ra lệnh cho con trai mình thực hiện nghi thức seppuku mổ bụng, nhưng Nobuyasu nỗ lực bất thành. Ieyasu ra lệnh cho Hattori Hanzo phải dùng kiếm giết Nobuyasu.

Hanzo đã từ chối mệnh lệnh, với lý do ông không thể giết một người chung dòng máu với Ieyasu Tokugawa vĩ đại, hơn nữa là tiểu chủ nhân của ông. Điều này khiến Ieyasu thêm cảm động, càng tin dùng Hanzo bội phần, coi như người thân.

Nhiều chiến tích bí ẩn

Năm 1582, sau cái chết của lãnh chúa mạnh nhất Oda, bộ tướng xuất sắc của ông ta là Toyotomy Hedayushi đang cầm một cánh quân chinh phạt vội quay về đánh kẻ phản bội Akechi và năm 1583 đã trở thành daimyo mạnh nhất Nhật Bản; còn Ieyasu cùng cánh quân của mình đang bị kẹt ở thành Osaka. Ieyasu quyết định rút quân về lãnh địa của mình ở tỉnh Mikawa rồi sẽ hợp quân với Toyotomi sau.

Hanzo đề nghị chủ nhân chuyển quân đi tắt qua vùng rừng núi tại quê hương Iga của mình cho an toàn, vì Hanzo đã phái thân tín về Iga liên hệ với các ronin (samurai vô chủ) và ninja địa phương chu đáo.

Về đến lãnh địa của mình nghỉ ngơi mấy ngày, Ieyasu nhanh chóng tập hợp binh mã hội quân với Toyotomy tiếp tục đánh dẹp các thế lực khác.

Lúc này, Ieyasu ngày càng tin dùng lực lượng ninja, Ieyasu giao cho Hanzo trực tiếp đứng ra tuyển chọn và chỉ huy một đơn vị đặc biệt gồm toàn ninja mà đa số họ đến từ tỉnh Iga, nơi xuất thân của gia đình Hattori.

Với đội quân toàn thân binh năng lực cao, Hattori Hanzo đã lập công lớn trong trận Mikatagahara và nhiều trận khác nên được giao cho đứng đầu đội ninja Iga với quân số dần tăng.

Năm 1590, nhờ lập nhiều công lao, Ieyasu được Toyotomy phân phong đến giữ Edo và Kanto. Ieyasu đã giao toàn bộ lực lượng ninja (lúc này lên tới 200 người) cho Hanzo thống lĩnh và đóng doanh trại phía Tây của lâu đài Edo (sau này trở thành lâu đài riêng của Mạc phủ dòng họ Tokugawa cho đến 1868).

Từ khi gia nhập quân đội nhà Tokugawa cho đến khi mất, Hanzo cùng đội ninja của mình đã lập nhiều chiến công hiển hách, để lại cho hậu thế nhiều câu chuyện màu sắc truyền kỳ.

Người ta cho rằng, khi giao tranh với đối thủ, Hanzo luôn giành được lợi thế, nhờ biết chuyển động lắt léo chữ chi, hay dùng thuật "cầm nã thủ" (bắt giữ tay chân địch rồi bẻ gãy); phóng dao nhọn điêu luyện trúng chỗ hiểm khoảng cách gần; có thể leo trèo, vượt tường dễ dàng; biết dự đoán chính xác tình huống.

Ngoài chiến trường, Hanzo tỏ rõ cả năng lực bố trí đội hình, tận dụng thời cơ để thọc sâu, đánh vào nơi hiểm yếu, có thể tiếp cận kẻ địch chủ chốt để dùng vũ khí đặc thù như nỏ nhỏ, ám khí, thuốc độc dạng bột... tiêu diệt nhanh.

Hanzo được hưởng một cuộc sống giàu có, sung túc vì Ieyasu đã thưởng cho viên tướng yêu của mình nhiều của cải, đất đai, lâu dài và cuối đời có thể coi ông sánh ngang với một daimyo tầm trung.

Những năm đầu 1590, Ieyasu thiết lập bản doanh ở Edo, tu sửa khang trang, kiên cố khu dinh thự và giao cho Hanzo quản lĩnh ninja bảo vệ phủ đệ gia tộc Tokugawa theo sở trường là bí mật và hành động chủ yếu trong bóng tối. Khi Hattori Hanzo qua đời vào năm 1596, những người kế tục không nối tiếp được sự nghiệp ông.

Phần lớn chi tiết cuộc đời, thành tựu, tài năng của Hattori Hanzo vẫn bị che khuất vì những bí mật do lối sống và phong cách ninja của ông. Nhiều nhiệm vụ đặc biệt được Tokugawa trực tiếp giao cho ông như ám sát, mở khóa, trộm cắp thông tin, gián điệp, đe dọa, ly gián đối phương… cho đến nay vẫn là ẩn số.

Ngày nay, hình tượng chiến binh Samurai hoạt động như ninja kiệt xuất và trung thành của Hanzo đã trở thành huyền thoại của Nhật Bản. Hình ảnh ông vẫn còn sống mãi và là niềm cảm hứng cho nhiều chủ đề khác nhau của văn hóa nghệ thuật Nhật như truyện, thơ ca, kịch nói, phim ảnh, hoạt hình animine, tranh manga...

Hài cốt của Hanzo hiện vẫn được lưu giữ tại nghĩa trang chùa Sainen-ji ở Yotsuya (Tokyo), những vũ khí yêu thích của ông cũng được bảo tồn gần đấy. Cung điện Hoàng gia ở Tokyo (trước đây là cung điện của Mạc phủ Tokugawa) có một cổng được đặt tên là cổng Hanzomon; còn đường tàu điện ngầm Hanzomon chạy từ ga Hanzomon (trung tâm Tokyo) tới các vùng ngoại ô phía Tây Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại