Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do tập đoàn tư vấn Monitor lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận định hướng phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế "xanh và sạch", ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản...
Lợi thế tự nhiên ít mưa, nhiều nắng, gió lớn quanh năm cho phép Ninh Thuận phát triển các ngành kinh tế đặc thù, như nuôi trồng thủy hải sản nước mặn, nước lợ, chăn nuôi cừu, phát triển trang trại cây trồng ngắn ngày như nho, táo, măng tây...; phát triển các dự án điện sạch (điện gió)...
Riêng về ngành du lịch, Ninh Thuận mang trong mình nhiều tiềm năng, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, khám phá. với bờ biển dài 105km, khí hậu đặc thù không bị ảnh hưởng mưa bão, được ví với "Tây Á trong lòng Đông Nam Á".
Tự nhiên và lịch sử đem đến cho vùng đất này loạt thắng cảnh thiên nhiên và công trình nhân tạo nổi tiếng như bãi biển Ninh Chử - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, đồi cát Nam Cương, đồi cát Mũi Dinh, quần thể tháp Po Klong Garai...
Ngoài nghỉ dưỡng khai thác nguồn lực ven biển thông thường, các dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô địa hình trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp (thu hoạch nho, táo, làm muối, trồng tỏi...) có thể trở thành "món ăn đặc trưng" để Ninh Thuận tạo nên lợi thế riêng, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo các chuyên gia du lịch, tiềm năng du lịch của Ninh Thuận được đánh giá là "kho vàng trên cát" và có thể trở thành một trong những thiên đường nghỉ dưỡng ở Việt Nam, thay vì trở thành vùng trũng giữa ngã 3 khu vực phát triển nhất cả nước gồm Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận như hiện nay.
Lý giải về tình trạng "vùng trũng" của Ninh Thuận, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh Crytal Bay - cho rằng du lịch Ninh Thuận đang trong một "vòng luẩn quẩn", mà một cú huých đủ mạnh của một vài doanh nghiệp lớn mới có thể giúp phá vòng, khai thông thế bế tắc.
"Ninh Thuận thiếu phòng khách sạn, nên cũng ít khách. Du khách đến đây không nhiều, nên cũng không có nhà đầu tư nào mặn mà đổ vốn làm quy mô lớn. Trong khi đó, văn hóa, thiên nhiên và con người Ninh Thuận có thể mang lại những trải nghiệm đa dạng cho khách du lịch, nhưng lại đòi hỏi thời gian lưu trú dài ngày (4-5 ngày). Đó là cái vòng luẩn quẩn gắn với Ninh Thuận nhiều năm, trong khi các tỉnh lân cận đã từng bước gỡ được
Trước năm 2016, khi có nguồn khách lớn từ nước ngoài, Crystal Bay đã từng đưa khách đến Ninh Thuận, nhận được phản hồi rất tốt. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi buộc phải tạm thời dừng lại do lượng phòng tại Ninh Thuận chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lưu trú".
Theo thống kê, tăng trưởng khách quốc tế của Ninh Thuận năm 2017 chỉ đạt 24%, thấp hơn mức trung bình 29% của cả nước. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh này chỉ có khoảng 1.500 phòng khách sạn, trong đó, chưa tới 450 phòng có sao. Các cơ sở lưu trú của Ninh Thuận chủ yếu khai thác phân khúc 2-3 sao, rất thiếu phòng hạng 5-6 sao. Và đó sẽ là cơ hội, cũng như bài toán cần giải với các doanh nghiệp muốn đặt dấu chân đến Ninh Thuận.