Nếu chỉ nhìn bề nổi, đất nước đang có một câu chuyện tăng trưởng thành công khi vượt qua cả Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong cả tháng 8 và tháng 9 và sản xuất tăng gần 13% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, bức tranh đằng sau cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. Tăng trưởng tín dụng đang tăng mạnh với tốc độ 20% so với cùng kỳ năm trước và cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 34% trong 9 tháng.
Trong một nền kinh tế được hỗ trợ bởi khoản tín dụng 220 tỷ USD, giới quan sát quá quen với việc tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh đến chóng mặt, đang rất lạc quan nhưng có thể chuyển sang bi quan bất cứ lúc nào. Điều này cũng có thể là vì kinh tế Việt Nam hoạt động theo chu kỳ khoảng 5 năm một lần (vào năm 2013, 2007, 2001 và 1997). Câu hỏi đặt ra là liệu lần này có khác?
Hiện đại hóa nền kinh tế
Tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến thị trường ngạc nhiên khi quyết định cắt giảm lãi suất chính thức lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Cả lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu đều được giảm 0,25 điểm phần trăm (xuống còn 6,25% và 4,25%).
Động thái này có thể đem lại rủi ro tín dụng cho một nền kinh tế còn đang vất vả giải quyết nợ nần từ lần sụp đổ trước. Ngoài ra, lạm phát cũng có thể tăng lên khi chỉ số giá tiêu dùng tăng từ 2,52% tháng 8 lên 3,4% tháng 9.
"Quy mô tăng trưởng tín dụng của Việt Nam hiện nay sẽ không bền vững trong dài hạn. Rủi ro đang tăng lên và chúng tôi ngày càng quan ngại về mức gia tăng nợ nhanh", nhà kinh tế học Gareth Leather tại công ty tư vấn Capital Economic nhận định.
Mặc dù vậy, chính phủ có thể tránh được kịch bản này với một số bước cải cách cơ cấu mạnh mẽ. Thay vì chỉ tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên củng cố lại các tổ chức tài chính. Từ đó, chính phủ có thể mạnh dạn tự do hóa nguồn vốn, tăng tính minh bạch, đưa nhà nước ra khỏi khu vực tư nhân và hạn chế hệ thống ngân hàng ngầm.
Những đợt cắt giảm lãi suất gần đây cũng làm giảm tính cấp thiết của nhu cầu hiện đại hóa nền kinh tế, bao gồm cả việc phát triển thị trường vốn. Doanh nghiệp Việt vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng càng khiến việc vay vốn trở nên dễ dàng, làm trầm trọng thêm rủi ro nợ xấu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)
Nhờ sự ra đời của công ty quản lý tài sản VAMC, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm từ 17% năm 2013 xuống còn khoảng 3% hiện nay. Mặc dù vậy, Moody's cảnh báo nền kinh tế đất nước không có đủ công cụ để tránh hậu quả của một "cơn sốt" tín dụng. Các ngân hàng của Việt Nam "sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới, và tình hình như vậy sẽ tiếp tục là gánh nặng tín dụng chính cho ngành này", công ty dịch vụ tài chính cho biết hồi tháng 5.
Nhà kinh tế học Jennifer Isern của ngân hàng Thế giới WB nhấn mạnh rằng điều quan trọng là "thắt chặt các hoạt động cho vay và giám sát khu vực tài chính để ngăn chặn nợ xấu tích lũy".
Vượt qua "bẫy thu nhập trung bình"
Với 21% dân số dưới 15 tuổi, chi phí lao động thấp, công nghệ khá phát triển và vị trí gần với Trung Quốc, các nhà phân tích tin chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu có. Câu hỏi là khi nào? Đất nước cũng đang đi theo mô hình xuất khẩu của Trung Quốc và chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước lớn và các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, chính phủ nên nuôi dưỡng năng lực của thế hệ doanh nhân trẻ và hiện đại hoá hệ thống thuế, tăng đầu tư cho giáo dục để tăng cường nguồn nhân lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng. Nếu không, đất nước có thể rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", ảnh hưởng đến tất cả các nước đang phát triển khi thu nhập chững lại ở mức 10.000 USD/đầu người hoặc ít hơn trên cơ sở sức mua tương đương (Việt Nam khoảng 6.000 USD).
Chính phủ cũng cần đẩy mạnh việc làm để tận dụng thế mạnh nhân khẩu học, theo nhà kinh tế học William Pesek, tác giả của cuốn sách "Nhật Bản hóa: Thế giới có thể học được gì từ những thập kỷ đã mất của Nhật Bản".
Ưu tiên hàng đầu: giảm vai trò của nhà nước để khu vực tư nhân có thể tạo việc làm mới ngay từ đầu. Điều này sẽ "nâng cấp" tầng lớp trung lưu, đẩy mạnh doanh thu thuế và tăng tính ổn định xã hội và tính linh động của nền kinh tế.
Ngoài ra, tăng trưởng nên được coi như cơ sở để đẩy nhanh các bước mở rộng thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam cũng cần làm việc với Nhật Bản và các nước khác để giữ lại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP.
Chỉ khi có cơ sở vững chắc thì Việt Nam mới hy vọng giữ được Intel, Samsung, Unilever và các công ty đa quốc gia khác tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế của mình.