Bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, CEO Văn Đinh Hồng Vũ của Elsa - ứng dụng học tiếng Anh ra mắt tại Việt Nam vào năm 2016 - đã đạt những thành tựu nhất định với hơn 5 triệu người dùng và một phần ba trong số đó là người Việt Nam.
Sắp tới Vũ đang có dự định thành lập một số cơ sở tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, vốn nằm trong kế hoạch tiếp cận với cộng đồng học tiếng Anh ở châu Á.
Sự mở rộng quy mô nhanh chóng của Elsa đi theo xu hướng chung của các startup trong lĩnh vực giáo dục dựa theo nền tảng công nghệ. Cách thức giáo dục mới này góp phần thay đổi cách học theo hướng tích cực, thoả mãn những nhu cầu còn chưa đạt được của học viên.
Với công nghệ nhận diện giọng nói, Elsa chú tâm tới phát âm tiếng Anh và người dùng có thể lựa chọn những bài luyện phù hợp với khả năng của mình. Tính năng này được thiết kế để xác định những lỗi mà học viên có thể mắc phải khi nói tiếng Anh chứ không để hiểu nội dung xem người bản xứ nói những gì.
Trong buổi trao đổi với Nikkei Asian Review tại Singapore, Vũ cho hay hiện công ty đang lên kế hoạch thành lập các hội nhóm người bản địa, trước tiên là ở Nhật Bản, sau đó là Ấn Độ và Indonesia (bởi tính phổ biến của ứng dụng Elsa tại những thị trường này).
Cùng với các nhóm được lập ra, Elsa hướng đến việc hợp tác với các trường học và doanh nghiệp sẵn sàng đăng ký sử dụng app cho các học viên và nhân viên của họ.
"Ngay khi có đủ nhân lực tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ thành lập cơ sở tại đây trong vòng 2 tháng nữa hoặc hơn", Vũ khẳng định, "Chúng tôi cũng nhắm đến việc thuê nhân công tại Indonesia và Ấn Độ".
Ngoài ra, cô còn nhận định: "Không tính chung cả châu Á thì riêng khu vực Đông Nam Á cũng đã là một thị trường rộng lớn. Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào các thị trường này. Elsa sẽ hiệu chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với khu vực hoặc lĩnh vực cụ thể, ví dụ như là tiếng Anh giao tiếp trong ngành ngân hàng".
"Elsa sẽ tiếp tục tập trung phát triển mảng tiếng Anh nói, bởi một nghiên cứu của công ty chỉ ra rằng 90% học viên được khảo sát cho rằng họ cần được giúp đỡ trong kỹ năng này", cô cho biết.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, điển hình là giáo dục trực tuyến, đang có xu hướng gia tăng bởi sự thiếu hụt trong đội ngũ giáo viên và trường học ở các vùng nông thôn.
Ngoài ra sự tăng lên của tầng lớp trung lưu - những gia đình mà bố mẹ luôn muốn dành nhiều chi tiêu cho giáo dục của con cái - và sự thâm nhập của internet cũng như smartphone cũng góp phần vào xu hướng chung này.
Theo dữ liệu của Crunchbase, các công ty Trung Quốc đang đi đầu trong lĩnh vực này tại châu Á với mức gọi vốn 4.3 tỷ USD trong năm 2018, gấp đôi năm 2017. Công ty thuộc mảng giáo dục trực tuyến tại Việt Nam là Topica Edtech Group đã gọi vốn được 50 triệu USD trong đợt gọi vốn với Northstar Group (Singapore).
Peng T. Ong, quản lý đối tác của hãng đầu tư Monk’s Hill, nói rằng công ty của ông lạc quan về sự tăng trưởng không ngừng của lĩnh vực giáo dục trực tuyến tại Đông Nam Á, với "ngày một nhiều các nhà khởi nghiệp cách tân giáo dục thông qua nền tảng công nghệ".
"Cần cân nhắc cách tiếp cận để tạo ra thế hệ trẻ khao khát học tập hơn trong những thị trường mới nổi", ông nhận định, "Ở những thị trường như vậy, lợi ích của việc tiếp cận với giáo dục thường khó nhận thấy, nhất là với một đứa trẻ vùng quê, chúng ít được hưởng lợi từ những lợi ích lâu dài như ở các vùng phát triển".
Ngoài ra ông cũng cho rằng cơ sở hạ tầng là một thách thức khác trong việc tiếp cận các thị trường mới nổi của giáo dục trực tuyến.
"Hầu hết mạng lưới băng thông rộng ở các thị trường này đều còn kém phát triển, và điểm truy cập hiện đại nhất cũng chỉ là những chiếc smartphone đời cũ", ông nói, "Vì lợi ích của khách hàng, hệ thống các phần mềm ở thị trường này cần được thiết kế để có thể hoạt động trong tình trạng băng thông chậm, kết nối không liền mạch và sử dụng các loại máy tính yếu về cấu hình".