Nikkei: Nền kinh tế Đông Nam Á chỉ toàn màu hồng

Băng Băng |

Báo cáo của HSBC dự đoán 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng trưởng cao vượt trội so với bình quân thế giới bất chấp du khách Trung Quốc chưa trở lại như kỳ vọng.

Nikkei: Nền kinh tế Đông Nam Á chỉ toàn màu hồng - Ảnh 1.

Theo tờ Nikkei Asian Review, đã 1 năm rưỡi trôi qua kể từ khi đà nâng lãi suất lan tràn trong các nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng Đông Nam Á lại tiếp tục giữ vững vị thế là điểm sáng của mình khi cả thế giới phải gồng mình chống lạm phát cùng suy giảm nhu cầu tiêu dùng.

Cụ thể, báo cáo của HSBC dự đoán 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 4,2% trong năm nay và 4,8% năm tới. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu 1,1% trong năm nay và 0,7% năm 2024.

Số liệu trên cho thấy kết quả đáng kinh ngạc của nền kinh tế Đông Nam Á trước tình hình du khách Trung Quốc, vốn là động lực tăng trưởng du lịch, kinh tế của nhiều thị trường, chưa trở lại như dự đoán. Ví dụ như tại Singapore và Thái Lan, lượng du khách hiện nay chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước đại dịch.

Nikkei: Nền kinh tế Đông Nam Á chỉ toàn màu hồng - Ảnh 2.

Du lịch Thái Lan chưa hồi phục lại được như kỳ vọng

Mặc dù ngành du lịch cần thời gian để phục hồi nhưng Đông Nam Á lại chống chọi được với tình hình khó khăn nhờ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuyển đổi công nghệ số khiến nền kinh tế khu vực giữ được vị thế của mình.

Hiện Đông Nam Á chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu và đã vượt qua Liên minh Châu Âu (EU) từ năm 2020 để trở thành đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc.

Hưởng lợi đôi bên

Theo Nikkei, nền kinh tế Đông Nam Á đang được hưởng lợi lớn từ xu thế tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Khu vực này đều nằm trong 2 hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chỉ riêng với hiệp định RCEP, việc cắt giảm thuế cũng như những quy định thân thiện hơn với doanh nghiệp của thỏa thuận thương mại này đã làm tăng sức hấp dẫn của thị trường Đông Nam Á, trở thành một địa điểm lý tưởng để đặt nhà máy sản xuất.

Một cuộc khảo sát gần đây của HSBC cho thấy các doanh nghiệp Châu Á Thái Bình Dương đang có kế hoạch đặt 24,4% chuỗi cung ứng của mình tại Đông Nam Á trong vòng 1-2 năm tới, tăng hơn so với tỷ lệ 21,4% vào năm 2020.

Tờ Nikkei nhận định khi ngày càng nhiều doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” thì chắc chắn Đông Nam Á sẽ giành thêm được thị phần. Đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đổ vào khu vực này khi Đông Nam Á trở thành trọng tâm của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi nâng cấp lên công nghệ xanh cũng sẽ góp phần tạo thêm các cơ hội cho Đông Nam Á. Khu vực này là một trong những thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất từ việc toàn cầu ấm lên cũng như mực nước biển dâng cao. Chịu tác động từ môi trường là vậy nhưng Đông Nam Á lại vẫn cần năng lượng và phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế.

Nikkei: Nền kinh tế Đông Nam Á chỉ toàn màu hồng - Ảnh 3.

Hầu hết năng lượng cung ứng tại Đông Nam Á đến từ nguyên liệu hóa thạch, bởi vậy việc những nền kinh tế như Indonesia hay Việt Nam công bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với nhóm Các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) sẽ là một bước tiến mới thúc đẩy mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.

Dưới mô hình tài trợ mới này, hàng chục tỷ USD tài chính sẽ được huy động để đầu tư cho ngành điện nhằm mục đích chuyển đổi năng lượng sạch, thân thiện với môi trường hơn, qua đó gián tiếp thúc đẩy kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng của nền kinh tế.

Chuyển đổi số

Theo Nikkei, yếu tố thứ 3 giúp nền kinh tế Đông Nam Á giữ được màu hồng là chuyển đổi kỹ thuật số.

Thị trường này có một nền kinh tế kỹ thuật số sôi động, trị giá gần 200 tỷ USD năm 2022 và dự kiến sẽ vượt 300 tỷ USD năm 2025. Với khoảng 460 triệu người dân có kết nối với Internet, ngày càng nhiều công ty đang cố gắng chuyển đổi mô hình kinh doanh, dịch chuyển sản xuất của mình để phục vụ cho thị trường đầy tiềm năng này.

Nếu chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại điện tử (TMĐT) chỉ là mảng “có cũng được, không có chả sao” trước đại dịch thì giờ đây tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Việc chuyển sang kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng qua các nền tảng trực tuyến đã giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn việc bán hàng, tiếp thị cũng như thu thập số liệu thị trường.

Điều này không chỉ cung cấp cơ sở phân tích thời gian thực mà còn góp phần giúp doanh nghiệp đưa ra được các dự báo chính xác.

Trong khi đó, Đông Nam Á lại là thị trường đang bùng nổ về thanh toán theo thời gian thực (Real Time Payment), bao gồm thanh toán trực tuyến. Lấy Thái Lan làm ví dụ, số liệu của ACI Worldwide cho thấy đây là thị trường lớn thứ 4 thế giới về số lượng thanh toán thời gian thực.

Đặc biệt hơn, khi hệ thống thanh toán thời gian thực này được kết nối trên toàn khu vực sau 2 thỏa thuận thương mại trên, tiềm năng của Đông Nam Á sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa do tốc độ giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng vọt.

Nikkei: Nền kinh tế Đông Nam Á chỉ toàn màu hồng - Ảnh 4.

Tất nhiên, dù nền kinh tế toàn màu hồng nhưng Đông Nam Á cũng phải đối mặt với những thách thức. Chi phí vốn tăng cao khiến sự giám sát từng đồng tiền đầu tư sẽ chặt chẽ hơn cho dù được dùng để dịch chuyển sản xuất, chuyển đổi kỹ thuật số đi chăng nữa.

Dẫu vậy, tờ Nikkei nhận định với lợi thế về nhân khẩu học, nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tận dụng được những cơ hội phát triển trong dài hạn này để tiếp tục duy trì vị thế của mình.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại