Nikkei: Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng nhờ Samsung

Vũ Hán |

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II sáng sủa hơn nhiều phần lớn nhờ xuất khẩu phục hồi của Samsung Electronics, Nikkei nhận định.

Mới đây, tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu tăng trưởng cập nhật nhất của kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong quý II, nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức 6,2%, qua đó kéo mức tăng trưởng nửa đầu năm 2017 lên 5,73% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay sau thông tin này, tờ Nikkei Nhật Bản đã có bài báo đánh giá về con số 6,2% nền kinh tế đạt được trong quý II.

Theo tờ báo này thì sự phục hồi kinh tế của Việt Nam (quý I/2017 chỉ tăng trưởng 5,15%) đến từ cái tên quen thuộc: Samsung.

"Phần lớn sự phục hồi này là nhờ một công ty duy nhất: Samsung - Tập đoàn Hàn Quốc sản xuất điện thoại tại khắp các nhà máy khổng lồ đặt trên đất Việt Nam" - Tờ Nikkei viết.

Sự cố buộc phải thu hồi mẫu điện thoại Galaxy Note 7 trên diện rộng vào năm ngoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu quý I của Samsung Việt Nam. Tờ báo này nhắc lại rằng xuất khẩu của Samsung thường xuyên đóng góp một tỷ trọng lớn đến 20% kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế.

Vì thế, 'Samsung hắt xì thì nền kinh tế Việt Nam bị ốm'. Tờ Nikkei nhận định chính nguyên nhân trên đã góp phần làm kinh tế Việt Nam 'ì ạch' trong quý I/2017. Cho đến tháng 4/2017, mảng kinh doanh của Samsung hồi phục, mẫu điện thoại mới được tung ra thị trường nên kinh tế Việt Nam cũng được hưởng tác động tương ứng.

Tuy nhiên, Samsung không phải là doanh nghiệp duy nhất của Hàn Quốc đang thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Chính các công ty như LG Electronics hay tập đoàn Lotte cũng đang gia tăng sự hiện diện của mình và đứng đằng sau tăng trưởng của Việt Nam.

Kể từ năm 2014, Hàn Quốc đã dần trở thành nguồn vốn trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Dẫu biết rằng FDI là cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích vẫn lo ngại Việt Nam phải chăng đang quá phụ thuộc vào Hàn Quốc để duy trì sự thành công?

Ở cuối bài viết, tờ Nikkei cũng đã có những nhận định quan ngại về sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Theo đó toàn bộ ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn còn đang quá yếu để có thể cạnh tranh được với các nền kinh tế hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu đầu tư vào phát triển đường sắt, đường cao tốc có thể đem lại những e ngại với các nhà đầu tư tiềm năng khi đầu tư vào Việt nam, từ đó cũng tác động đến khả năng thăng hoa của nền kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại