Niềm tự hào của Hải quân Liên Xô một thời bị bỏ xó, mục nát ở Trung Quốc

Quang Hưng |

2 trong số 4 chiếc tàu sân bay lớp Kiev - niềm tự hào một thời của Hải quân Xô Viết đang yên nghỉ tại Trung Quốc và những con tàu hoành tráng này đang mục nát cùng thời gian.

Tàu sân bay Minsk được phát triển dưới thời Liên Xô cũ, đây là một chiến tàu chiến "con lai" được thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện con tàu khổng lồ này chỉ còn là một di tích mục nát, nằm trong một công viên giải trí đã bị đóng cửa ở Nam Thông, Trung Quốc.

Tàu sân bay Minsk là một phần của lớp Kiev, lớp tàu chiến này còn được gọi là "tàu tuần dương hạng nặng" thuộc Hải quân Liên Xô, chúng được trang bị tên lửa và máy bay chiến đấu, nhưng không được đánh giá cao bằng các tàu sân bay của Mỹ.

Niềm tự hào của Hải quân Liên Xô một thời bị bỏ xó, mục nát ở Trung Quốc- Ảnh 1.

Tàu sân bay Minsk được bán cho Trung Quốc và trưng bày tại công viên giải trí "Minsk World", hiện tại công viên này đã đóng cửa và bị bỏ hoang dọc theo Cầu Sutong trên sông Dương Tử. Ý nghĩa lịch sử của con tàu này đã bị lu mờ hoàn toàn bởi tình trạng đổ nát hiện tại.

Tàu sân bay Minsk cùng với những chiếc tàu khác cùng lớp Kiev, từng là niềm tự hào của Hải quân Liên Xô. Không giống như các tàu chiến sàn phẳng thông thường, con tàu này khá nặng nề và hoạt động như một căn cứ không quân nổi. Thiết kế đặc biệt khiến con tàu trông giống như "con lai" của tàu tuần dương với tàu sân bay hơn.

Trên thực tế, tàu sân bay Minsk được chế tạo để đáp ứng yêu cầu của Liên Xô về một bệ phóng tên lửa trên biển trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù chiếc tàu sân bay này có khả năng mang vũ khí, nhưng hiệu quả tổng thể của nó lại bị hạn chế rất nhiều.

Giới thiệu về lớp tàu sân bay Kiev

Được thiết kế để có thể cạnh tranh với các tàu sân bay do Mỹ sản xuất vào thời điểm đó, như lớp Kitty Hawk, các tàu sân bay lớp Kiev ban đầu được gọi là tàu tuần dương hạng nặng. Sàn bay chiếm khoảng hai phần ba chiều dài tổng thể của boong tàu, trong khi phần còn lại dành cho tên lửa đất đối không và đất đối đất.

Niềm tự hào của Hải quân Liên Xô một thời bị bỏ xó, mục nát ở Trung Quốc- Ảnh 2.

Tất cả các tàu trong lớp này đều được đóng tại Xưởng đóng tàu Nikolayev South có trụ sở tại Ukraine, cơ sở sản xuất tàu chiến mặt nước cỡ lớn chính của Quân đội Liên Xô.

Mỗi tàu được trang bị tám tên lửa chống hạm SS-N-12 "Sandbox" có thể mang đầu đạn nổ mạnh nặng tới 900 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 250 kiloton. Về máy bay, các lớp tàu Kiev có thể mang theo khoảng một chục máy bay phản lực Yak-38 Forger hoặc trực thăng Kamov Ka-25/27/29.

Tổng cộng, Liên Xô đã đóng bốn tàu sân bay lớp Kiev trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hai tàu đầu tiên trong lớp này mang tên Kiev và Minsk, đã được bán cho Trung Quốc và được sử dụng với vai trò như một bảo tàng nổi. Tàu Kiev thứ ba có tên là Novorossiysk đã bị loại bỏ. Tàu cuối cùng trong lớp này có tên là Đô đốc Gorshkov, được bán cho Ấn Độ và đang phục vụ trong Hải quân của quốc gia này với tên gọi INS Vikramaditya.

Nơi ở hiện tại của tàu sân bay Minsk

Tàu sân bay hiện đang được đặt dọc theo Cầu Sutong trên sông Dương Tử ở Nam Thông, Trung Quốc. Trước đây, con tàu được đặt trong một công viên giải trí khác của Trung Quốc ở Thâm Quyến. Khi công viên "Minsk World" mở cửa vào đầu những năm 2000, tàu sân bay Minsk được chuyển đến đây để trưng bày cùng với các máy bay chiến đấu Q-5 Fantan của Trung Quốc, máy bay phản lực cánh cụp MiG-27 và MiG-23 thời Liên Xô.

Niềm tự hào của Hải quân Liên Xô một thời bị bỏ xó, mục nát ở Trung Quốc- Ảnh 3.

Theo The War Zone, "Các vũ khí trơ hoặc mô hình của chúng, bao gồm tên lửa, bom và ngư lôi, cũng như các loại vũ khí quân sự khác của Liên Xô cũng được trưng bày. Các cuộc triển lãm về Quân đội Trung Quốc cũng được tiến hành tại đây. Ngoài ra, con tàu cũng được sử dụng như một sân khấu để trình diễn các tiết mục ca múa nhạc và các hoạt động văn hóa, giải trí khác".

Tuy nhiên, trong vòng sáu năm sau khi mở cửa, Minsk World đã phá sản và chính thức đóng cửa. Kể từ khi công viên giải trí kỳ lạ này đóng cửa, tàu tuần dương thời Liên Xô vẫn tiếp tục nằm ở đó và nó đang dần mục nát trong một đầm phá nhân tạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại