Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, quý 4/2023, doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm cũng khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm sút.
Sau quý 2 và quý 3/2023 lãi trên 1.000 tỷ đồng thì quý 4/2023, Sabeco chỉ đạt lãi ròng là 947 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 30.706 và 4.255 tỷ đồng, giảm 13% và 23% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sabeco cho biết doanh thu thuần thấp hơn so với năm ngoái do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ kiểm soát nồng độ cồn. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn.
Trước đó, doanh thu Sabeco đã hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022, sau khi giảm rất mạnh năm 2020 và 2021 do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hồi cuối 2017, ThaiBev (tập đoàn nước giải khát lớn nhất Thái Lan, hàng đầu Đông Nam Á) từng chi 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD) để sở hữu 53,6% cổ phần Sabeco. Với giao dịch này, khi đó, Thaibev định giá Sabeco hơn 205.000 tỷ đồng.
Doanh thu ThaiBev giảm, dự báo thị giá giảm theo
Mới đây, tờ Business Times (Singapore) đã chạy tiêu đề "Doanh thu ThaiBev tăng 2,5%, lợi nhuận ròng giảm 10,9% trong năm 2023".
Tờ này dẫn báo cáo tài chính ThaiBev và nhấn mạnh "doanh số bán rượu mạnh và bia đều giảm".
Cụ thể, doanh thu bán hàng của ThaiBev tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 279,1 tỷ THB (10,6 tỷ USD) từ 272,4 tỷ THB (10,3 tỷ USD) nhờ hoạt động kinh tế tổng thể được cải thiện ở Thái Lan.
Trong năm tài chính 2023, lợi nhuận ròng giảm 10,9% xuống còn 30,7 tỷ THB (1,16 tỷ USD) từ mức 34,5 tỷ THB (1,31 tỷ USD) trong năm tài chính 2022.
EBITDA cũng giảm 5,7% xuống 50,8 tỷ THB (1,9 tỷ USD) từ 53,9 tỷ THB (2 tỷ USD).
So cùng kỳ năm trước, tổng doanh số bán rượu mạnh và bia giảm lần lượt là 2,1% và 6,6%. Trong khi đó, đồ uống không cồn tăng 7,1%.
Trong một bài viết khác, Business Times dẫn báo cáo của Ngân hàng RHB cho rằng giảm giá mục tiêu đối với ThaiBev trên sàn chứng khoán Singapore, xuống 0,76 SGD từ 0,82 SGD. Báo cáo này theo sau điều chỉnh ước tính thu nhập cho năm tài chính 2024 đến năm tài chính 2026.
Theo nhóm nghiên cứu của RHB, dự báo lợi nhuận ròng giảm từ 2% đến 5% trong kỳ, sau khi tính đến doanh thu và thu nhập thấp hơn dự kiến của tập đoàn trong quý đầu tiên kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Hôm 14/2, tập đoàn đồ uống này đã công bố doanh thu bán hàng giảm 5,9% trong quý 1 xuống còn 76,1 tỷ baht (2,8 tỷ USD). Điều này xảy ra khi doanh thu mảng bia của ThaiBev giảm 14% do sản lượng bán ra thấp hơn và tốc độ phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến ở Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao (Ebitda) đã tăng 1,9% lên 13,8 tỷ baht nhờ "quản lý chi phí hiệu quả", một bản cập nhật kinh doanh cho thấy.
RHB cho biết: "Mặc dù thu nhập quý 1 năm 2024 không đạt ước tính, chúng tôi dự đoán sự phục hồi tiêu dùng ở Thái Lan và Việt Nam sẽ diễn ra, mang lại tăng trưởng thu nhập trong nửa cuối năm".
Đơn vị này hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2024-2026 do doanh số bán hàng của ngành bia yếu, được bù đắp bằng tỷ suất lợi nhuận tốt hơn nhờ chi phí nguyên liệu thô và quản lý chi phí thuận lợi.
Tuy nhiên, RHB kỳ vọng thu nhập của ThaiBev sẽ tăng từ 3 đến 5% mỗi năm.
ThaiBev Holding được thành lập vào năm 2003 tại Thái Lan thông qua việc hợp nhất 58 công ty của một nhóm cổ đông chính có liên quan đến chủ tịch của ThaiBev, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, một trong những tỷ phú giàu nhất Thái Lan. ThaiBev chia hoạt động kinh doanh của tập đoàn thành 4 nhóm chính: Rượu, Bia, Nước uống không cồn và Thực phẩm.
Trong 4 mảng kinh doanh này, thì rượu và bia là hai mảng hoạt kinh doanh đầu tiên của nhóm cổ đông sáng lập nên ThaiBev và cũng đóng vai trò xương sống trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng.