NI: Tàu sân bay Mỹ bị TQ không kích, gãy đôi và chìm trong 20 phút không còn là giả tưởng

Hải Võ |

Bài viết trên National Interest (Mỹ) năm 2015 được tạp chí này đăng lại hôm 9/3 mới đây, như một lời cảnh báo về sức mạnh ngày càng lộ rõ của Trung Quốc.

Mỹ hỗ trợ Nhật xây dựng lực lượng "thủy quân lục chiến"

Nhật Bản và Mỹ hôm 6/3 đã kết thúc cuộc tập trận chung thường niên Iron Fist (Cú đấm sắt), diễn ra từ 25/2 ở Bãi biển Đỏ thuộc Căn cứ thủy quân lục chiến Pendleton (bang California, Mỹ). Những binh sĩ Nhật tham gia tập trận sẽ được Thủy quân lục chiến Mỹ "bồi dưỡng" để trở thành nòng cốt của lực lượng đổ bộ, dự kiến được Tokyo thành lập trong vòng một năm tới, như một phiên bản "Lính thủy đánh bộ" Nhật.

Báo San Diego Union-Tribune mô tả, một hạm đội nhỏ do tàu đổ bộ USS Anchorage dẫn đầu, kết hợp với các chiến đấu cơ Mỹ-Nhật tấn công đảo San Clemente trong bối cảnh "giả tưởng bị quân địch xâm chiếm".

Mỹ-Nhật không tiết lộ "quân địch" đặt ra trong cuộc tập trận, nhưng các nhà phân tích quốc phòng nói với tờ Union-Tribune rằng đối thủ giả tưởng rõ ràng là Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở nhiều vùng biển của Tây Thái Bình Dương.

Nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm Thẩm định chiến lược và ngân sách (CSBA, Mỹ), tiến sĩ Toshi Yoshihara đánh giá cuộc tập trận Iron Fist bên cạnh mục đích nhằm vào các tranh chấp đảo, còn bộc lộ mối quan ngại của Tokyo về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên biển. Các chiến đấu cơ Trung Quốc trong năm 2016 đã mở ra "thường thái mới" bằng cách nhiều lần bay qua eo biển Miyako để tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Theo ông Yoshihara, trong quá khứ Bắc Kinh thường bất an trước việc Tokyo nắm quyền kiểm soát các chuỗi đảo nhờ sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ, nhưng tình hình hiện nay đã khác. Tây Thái Bình Dương không còn ngoài tầm tay với, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tự tin có thể vượt qua các "nút cổ chai" như eo Miyako hay Bashi.

NI: Tàu sân bay Mỹ bị TQ không kích, gãy đôi và chìm trong 20 phút không còn là giả tưởng - Ảnh 1.

Phương tiện đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ được các binh sĩ Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản (JGSDF) điều khiển trong cuộc tập trận Iron Fist 2017 ngày 25/2 (Ảnh: US Marine Corps Photo)

Cảnh báo kịch bản hải chiến Mỹ-Trung

Trong khi truyền thông Nhật hé lộ nhiều tín hiệu lạc quan sau tập trận Iron Fist 2017, tạp chí National Interest hôm 9/3 đã đăng lại một bài viết của họ từ năm 2015 của Harry J.Kazianis, Chủ nhiệm nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm lợi ích quốc gia (CFTNI, Mỹ), có tiêu đề "Vì sao một cuộc chiến giữa hải quân Mỹ-Trung sẽ trở thành màn 'ngửa bài' mang tính sử thi?"

Theo NI, bài viết được đăng lại theo yêu cầu của lượng lớn độc giả tạp chí này, như một lời cảnh báo rằng cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh hải quân Trung Quốc, đặc biệt là công nghệ tên lửa của lực lượng này, một trận hải chiến giữa Mỹ-Trung sẽ trở thành "đòn đánh hủy diệt với toàn bộ thế giới".

Bài viết giới thiệu kịch bản được đưa ra bởi James Kraska, giáo sư luật tại Đại học hải chiến Hoa Kỳ, người ừng đảm nhiệm vai trò cố vấn chính sách cho Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JCS).

Kraska viết: "Tàu sân bay Mỹ USS George Washington tuần tra theo lịch trình ở ngoài khơi Trung Quốc để gửi thông điệp về giải pháp của Mỹ. Trung Quốc đáp trả bằng thông điệp của riêng mình: Đánh chìm tàu Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ bị tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc xuyên thủng, trong khi tầng trên cùng bị oanh tạc tạo thành một lỗ hổng lớn, làm chiếc tàu gãy làm đôi và chìm trong vòng 20 phút. Ngay sau đó đạn dược trên tàu phát nổ, dầu máy bay chảy xuống biển..."

Học giả Trung Quốc: Mỹ-Nhật hướng tới hợp tác quân sự "toàn thời gian"

Học giả Lư Hạo, thuộc Sở nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), đánh giá trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/3 rằng nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã rất cố gắng để củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền hôm 20/1.

Theo ông Lư, trong bối cảnh cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang có nhiều bất ổn, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trong các cuộc tập trận với Nhật, Hàn vừa là động thái "chống lưng" đồng minh về chính trị và quân sự, đồng thời là tín hiệu đe dọa các đối thủ.

Riêng trong quan hệ đồng minh với Tokyo, Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Nhật phát huy khả năng đe dọa chiến lược của mình, trong khi Nhật Bản tìm kiếm mục tiêu tương tự là sự "bình thường hóa" trong lĩnh vực quân sự, theo đuổi sự đột phá trong chính sách an ninh.

"Hợp tác quân sự Mỹ-Nhật, đặc biệt là các cuộc tập trận chung, sẽ ngày càng đồng nhất, trở nên thường xuyên và hướng tới 'toàn thời gian'," học giả Lư Hạo nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại