NI: Mỹ đừng mong Trung Quốc xử lý hộ vấn đề Triều Tiên

Anh Tuấn |

Trên tạp chí National Interest, một chuyên gia người Mỹ đã đưa ra những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên như Mỹ mong muốn và những hậu quả khôn lường của nó.

Vài năm trước, tại một diễn đàn về quan hệ Mỹ - Trung, một học giả Trung Quốc đã đưa ra nhận định về Triều Tiên rằng: “Trung Quốc không muốn tình trạng hiện nay xảy ra, khi Triều Tiên đang muốn có vũ khí hạt nhân, loại vũ khí mạnh nhất trên thế giới, và dùng nó để đe dọa các đối tác thương mại lớn của chúng tôi ở châu Á cũng như Mỹ. Nhưng tình hình hoàn toàn còn có thể tệ hơn thế rất nhiều”.

Ông nói thêm: “Tôi có thể thấy một thế giới đang phải vật lộn vì Triều Tiên. Tôi thấy chiến tranh, chết chóc và các cường quốc trên thế giới đối đầu với nhau vì Triều Tiên và đó là điều mà không ai mong muốn. Việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là không tốt, nhưng họ có thể gây ra nhiều vấn đề khác còn trầm trọng hơn nhiều và Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên phải gánh chịu hậu quả”.

Phát biểu của học giả Trung Quốc này lại càng đúng trong bối cảnh chính quyền Trump đang gây sức ép với Trung Quốc để họ “giải quyết” vấn đề Triều Tiên.

Theo chuyên gia Harry J. Kazianis, giả dụ nếu Trung Quốc gây sức ép đối với Triều Tiên bằng cách cắt giảm 25% kim ngạch xuất khẩu dầu sang Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ hoặc ít nhất chấp nhận đàm phán về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Trong lúc tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngày càng trầm trọng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ cảm thấy tuyệt vọng. Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới và cùng lúc đó phóng tên lửa đạn đạo ra giữa Thái Bình Dương, cách quần đảo Hawaii không xa để đe dọa Mỹ.

Ông Kazianis nói thêm, nếu Trung Quốc tiếp tục gây sức ép thêm nữa, tức là không chỉ cắt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên mà còn giảm xuất khẩu lương thực, một hiện tượng mới sẽ xảy ra.

Từ lâu Triều Tiên đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, động thái trên của Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn nổ ra ở các thành phố lớn của Triều Tiên. Người dân cũng có thể sẽ nổi loạn và tấn công một căn cứ gần biên giới Trung Quốc để lấy lượng thực.

Đáp lại, chính quyền Kim có thể sẽ điều động quân đội để trấn áp cuộc nổi loạn, và họ sẽ dùng mọi loại vũ khí mà họ đang có. Thế nhưng, các tướng lĩnh trong chính phủ Triều Tiên cũng sẽ cảm thấy bất an khi thực hiện mệnh lệnh, khi đây là cơ hội để tiến hành đảo chính.

Thay vì tấn công phe nổi loạn, một số tướng lĩnh hoàn toàn có thể cử vài binh lính đặc nhiệm đến boong ke đặc biệt mà ông Kim đang ẩn náu để ám sát ông.

Chuyên gia Kazianis cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un đã nhận biết nguy cơ một cuộc đảo chính nhằm lật đổ mình sẽ xảy ra và nhanh chóng ẩn náu tại một khu vực biệt lập. Ông sẽ xuất hiện trên truyền hình và phát biểu trước toàn quốc rằng có những kẻ phản bội trong hàng ngũ của mình.

Vào thời điểm này, chính quyền Triều Tiên đã chia làm hai phe: phe trung thành với Kim và phe nổi dậy. Điều này sẽ đánh dấu một cuộc nội chiến quy mô lớn, với việc cả hai bên đều sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, hàng triệu người sẽ phải chết và nó sẽ ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và cả Nhật Bản.

Ông Kazianis kết luận, mặc dù đây “là những khả năng có thể xảy ra mà nhiều chuyên gia và sĩ quan Trung Quốc đưa ra trong nhiều năm qua”, song nó “mới chỉ là một phần trong số rất nhiều biến cố có thể xảy ra nếu chính quyền Triều Tiên bị đẩy vào đường cùng”. Chính vì lý do này, các chính quyền Mỹ trước đây không muốn gây hấn với Triều Tiên. “Triều Tiên giống như một chiếc hộp Pandora, anh không biết mình sẽ phải nhận lãnh hậu quả nào nếu mở nó ra”, ông Kazianis nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại