Trước hết phải nói rằng, với tôi, sợ vợ, kính vợ là một đức tính tuyệt vời. Thật may là hầu hết đàn ông Việt Nam đều sợ vợ theo một cách nào đó.
Nhưng do những đặc trưng văn hoá, địa lý nên ở từng vùng, từng tỉnh lại hình thành những thói quen sợ vợ rất khác nhau.
Quang Thắng nói về chuyện sợ vợ.
Ở Bình Định, tiếng là ai đàn ông ai cũng giỏi võ, 18 môn binh khí như côn, đao, roi, kiếm... đều xuất sắc hơn người. Họ có khí chất riêng biệt của những người từ bé đến lớn luyện quyền cước, cung phu.
Nhưng đúng là ông trời thường không cho ai tất cả. Ở đây, đặc quyền giỏi võ không chỉ dành cho đàn ông. Vùng đất này có rất nhiều chị em biết xuống tấn, đi quyền, múa roi và xuất chiêu long trời lở đất.
Thời xưa, những đại cao thủ võ lâm như ông Diệp Vấn, người khai sinh ra môn phái võ Vịnh Xuân Quyền cũng vẫn phải sợ vợ, dù vợ Diệp Vấn không hề biết võ công.
Nếu ai đã từng xem những tác phẩm điện ảnh về vị võ sư này mới thấy, ông "yếu thế" so với vợ ra sao.
Khi ra ngoài giang hồ Diệp Vấn long tranh hổ đấu nhưng lúc về nhà chỉ cần nhìn thấy vợ nhíu mày, đôi mắt chực khóc hoặc giấc ngủ trằn trọc không tròn, lập tức đại sư không cãi vợ nửa câu.
Ông nể vợ đến nỗi, nếu vợ bảo không đấu với người này thì sẽ tuyệt đối không đấu. Mà nếu đã đấu nhất định không dám để vợ âu lo. Đó là bản lĩnh sợ vợ mà chỉ người luyện võ tối cao mới đạt tới.
Quay về Bình Định chúng ta cũng thấy, nhiều phụ nữ ở đây vừa là cao thủ quyền cước lại vừa xinh đẹp nhu mì. Đàn ông luyện võ đạt đến cảnh giới tối cao thường không thích tranh đấu hơn thua.
Hơn thua với những võ sĩ, với môn phái khác may ra còn có cơ hội phân cao thấp chứ hơn thua với vợ chắc chắn sẽ nhận thiệt thòi. Đàn ông đất võ Bình Định biết rõ điều này. Vì vậy họ hay nhường vợ vài chiêu để gia đình luôn luôn yên ấm.
Ở Bắc Ninh, đàn ông lại thể hiện đức tính sợ vợ một cách rất nghệ thuật và công khai chứ không hề sợ người tỉnh khác chê cười.
Hàng trăm năm trước, các nghệ sĩ, nghệ nhân tại Bắc Ninh đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về vấn đề sợ vợ. Cần phải làm gì để nhắc nhở lớp lớp hậu sinh phải biết nghe lời vợ, không để vợ phật ý, vợ bực mình.
Nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng một tác phẩm sợ vợ kinh điển đã ra đời ở làng tranh Đông Hồ, huyện Thuận Thành.
Đó là bức tranh Đánh ghen được vẽ rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ cảm nhận, màu sắc của tranh cũng rất hài hoà. Trong bức "Đánh ghen" 4 nhân vật chính gồm người vợ cầm theo chiếc kéo đang giơ lên, anh chồng và chị nhân tình rất hoảng hốt, một đứa trẻ ngơ ngác đứng xem.
Chỉ cần nhìn vào tác phẩm này, những người đàn ông chân chính đương nhiên sẽ hiểu, nếu không biết sợ vợ, không biết chăm sóc con cái, gia đình thì hậu quả ghê gớm có thể xảy ra.
Từ sau khi bức tranh nổi tiếng kể trên ra đời, đàn ông Bắc Ninh chỉ thích mời khách đến nhà chơi và hát những câu quan họ rất mượt mà, nếu khách về thì người Bắc Ninh lại nắm tay và hát, người ơi người ở đừng về.
Có thể nói, những gia đình tại Bắc Ninh từ mấy trăm năm nay luôn được vui vẻ, thuận hoà. Có được thành quả này, có thể khẳng định một phần nào đó do bức tranh "Đánh ghen" đã kịp thời xuất hiện và nhắc nhở đàn ông vùng đất Kinh Bắc.
Tại Hải Phòng, không nói thì ai cũng biết, đây là vùng đất bến cảng, vùng đất của những người đàn ông ăn sóng nói gió. Đàn ông Hải Phòng hào sảng, mạnh mẽ nhưng cũng nể vợ có đẳng cấp từ rất lâu rồi.
Hải Phòng có địa danh rất nổi tiếng đó là đảo Cát Bà. Đảo Cát Bà rộng tới 100km2, bao xung quanh đảo chính có hàng trăm đảo nhỏ.
Và một trong số đảo vệ tinh của đảo Cát Bà chính là hòn Cát Ông.
Theo truyền thuyết thì thời xa xưa đây là đảo do các bà cai quản, lo liệu việc hậu cần cho đàn ông yên tâm đánh giặc. Địa danh này vì thế được đặt tên thành đảo Các Bà, sau gọi chệch đi thành đảo Cát Bà.
Nhưng chuyện trong truyền thuyết thường hay huyễn hoặc, mơ hồ. Câu chuyện này cũng vậy, nếu đúng ra thì hòn đảo lớn nhất phải dành cho các ông tập trung quân mã, thuyền bè để thao luyện chứ không có lý do chỉ dành riêng cho các bà lo việc hậu cần.
Hậu cần trong chiến tranh dù là quan trọng cũng không thể sánh bằng chuyện quân cơ, đại sự. Vì vậy, nếu kiến giải một cách hợp lý thì chỉ có thể do hiểu rằng, thời xưa đàn ông Hải Phòng đã rất nể vợ, chiều vợ. Cả một hòn đảo đẹp nhất, to nhất, xanh nhất các ông cũng quyết dành cho các bà.
Ở đảo lớn các bà có thể tự trồng những cây mình thích, ăn những sản vật thật ngon và hơn nữa khi đàn ông ra biển, họ sẽ yên tâm vì các bà đang ở một nơi rất xinh đẹp, yên bình.
Chăm chút, lo lắng, yêu chiều phái nữ - các bà nhiều đến như vậy chỉ có thể là đàn ông Hải Phòng.
Ngày nay thì đảo Cát Bà rất nổi tiếng và giàu có. Hòn Cát Ông vẫn rất nhỏ bé, thâm trầm. Nhưng người Hải Phòng không mấy ai bận lòng về chuyện bà to, ông nhỏ. Họ coi đó là chuyện đương nhiên, như một lẽ tự hào. Thật đáng ngưỡng mộ vì sự hết lòng của những người đàn ông đất cảng.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, đàn ông những vùng đất này sợ vợ, nể vợ có đúng không?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Góc Sợ vợ là diễn đàn, là vùng đất tự do để những người đàn ông có thể trút bỏ nỗi niềm hay khoe thành tích sợ vợ của mình. Những câu chuyện sợ vợ kỳ thú nhất, đau khổ nhất hay hạnh phúc trào dâng sẽ được lựa chọn đăng tải cho cả thế giới ngưỡng mộ, tán dương.
Những bài viết này cũng là nguồn tư liệu hữu ích để đưa vào bộ hồ sơ trong đề án xin thành lập ngày Quốc tế Sợ vợ. Mọi tin bài Sợ vợ quý vị và các bạn có thể gửi về email Giaitri@soha.vn.
Các bài viết sẽ được được chúng tôi đăng tải vào sáng chủ nhật hàng tuần.
Xin chân thành cám ơn sự cộng tác quý báu của các bạn sợ vợ, những người đàn ông đáng yêu, chân chính nhất trên trái đất này!