Trong suốt 2 năm xung đột, quân đội Ukraine đã nỗ lực chiến đấu với lực lượng Nga để giành lại lãnh thổ. Tuy nhiên, nguồn vũ khí và thiết bị quân sự hạn chế, chiến thuật và địa hình bằng phẳng trên chiến trường đã khiến Kiev chưa đạt được mục tiêu trong cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái.
Trên những khu vực rộng lớn ở miền Nam Ukraine, không có nhiều nơi ẩn náu cho lực lượng tấn công. Trong khi đó, Nga đã có nhiều tháng để thiết lập hệ thống phòng thủ vững chắc.
Nga đã xây dựng tổ hợp gồm chiến hào, rãnh chống tăng, răng rồng, lô cốt súng và boong-ke tạo thành tuyến phòng thủ dài 800km nhằm bảo vệ lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Ukraine. Tuyến phòng thủ kiên cố của Nga đã ngăn chặn hiệu quả lực lượng Ukraine tiến công mạnh mẽ ở nhiều khu vực. Moscow cũng thường xuyên sử dụng máy bay không người lái giám sát để ngặn quân đội Ukraine tiến hành các cuộc đột kích bất ngờ.
Mặc dù vậy, theo Al Jazeera, sự kết hợp giữa vũ khí mới và cũ đã làm thay đổi động lực trên chiến trường hiện đại và cuộc xung đột ở Ukraine. Một số chiến thuật mới đang được thử nghiệm và các hệ thống vũ khí hiện đại đã được đưa vào sử dụng, trong khi các chiến thuật cũ, chẳng hạn như sử dụng xe tăng, vẫn được duy trì.
UAV “thống trị” chiến trường ở Ukraine
Máy bay không người lái (UAV) đã trở thành một vũ khí lợi hại đối với cả Nga và Ukraine trong cuộc xung đột.
Giai đoạn đầu của xung đột, Nga sử dụng UAV ít hơn so với Ukraine. Trong khi đó, Ukraine thường xuyên sử dụng các UAV loại nhỏ để thả lựu đạn vào các vị trí phòng thủ của Nga, khiến binh sĩ Moscow mắc kẹt trong chiến hào.
Ukraine sử dụng UAV để xác định lực lượng Nga, từ đó nhanh chóng điều chỉnh hỏa lực phù hợp, nhắm mục tiêu vào xe tăng Moscow đang băng qua những cánh đồng.
Vào giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, Nga đã bắt đầu sử dụng UAV để lật ngược tình thế trên chiến trường. Càng về sau, Nga càng có nhiều cải tiến về chiến thuật sử dụng UAV, hạn chế từng bước lợi thế của Ukraine. Nhiều nhà quan sát đánh giá rằng, kết quả của xung đột Nga – Ukraine có thể được quyết định bởi vũ khí này.
Cả Nga và Ukraine đều nhìn thấy tầm quan trọng không chỉ của UAV giám sát mà còn của UAV tầm xa, có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị nằm sâu phía sau phòng tuyến của đối phương.
Nga đã sử dụng hàng trăm máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất. Moscow tiến hành các cuộc tấn công bằng cách sử dụng UAV kết hợp với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để tấn công các kho tên lửa và làm suy giảm khả năng tự vệ của Kiev.
Trong khi đó, Ukraine đã tăng cường sản xuất UAV giá rẻ để gây thiệt hại cho Nga. Ukraine sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV), có ưu điểm giá thành rẻ, dễ sản xuất, có thể phá hủy các vũ khí hạng nặng đắt đỏ.
Ukraine có kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay không người lái có thể phá hủy mục tiêu cách xa tới 1.000 km, vũ khí có thể gây ra thách thức cho hàng phòng thủ của Nga.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết, số lượng UAV trong nước của Ukraine đã tăng lên 300.000 chiếc và con số này không bao gồm số UAV do phương Tây viện trợ.
Mục tiêu năm nay của Ukraine là sản xuất hơn một triệu máy bay không người lái, với ít nhất một nửa linh kiện được sản xuất trong nước, nhằm bù đắp nguồn viện trợ đang bị trì hoãn của Mỹ.
Đạn pháo
Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Kiev. Tuy nhiên, nguồn tài trợ hiện tại đã cạn kiệt và Quốc hội Mỹ chưa thông qua khoản hỗ trợ mới.
Trong khi đó, Nga đang phân bổ 6,5% tổng ngân sách để thay thế những tổn thất đáng kể trên chiến trường. Một ước tính do Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) công bố trong tháng 2 cho biết, Nga hiện có thể sản xuất 125 xe tăng mỗi tháng, đủ để thay thế những chiếc bị phá hủy trong các cuộc giao tranh gần đây.
Các quốc gia thành NATO được kỳ vọng sẽ bù đắp sự thiếu hụt đạn dược và vũ khí cho Ukraine khi Mỹ chưa thể ngay lập tức cung cấp viện trợ cho Kiev.
Ngoài UAV, thúc đẩy sản xuất đạn pháo hiện được Ukraine coi là ưu tiên quốc gia. Một ước tính cho thấy, Ukraine cần thêm 240.000 quả đạn pháo mỗi tháng để có thể chiến đấu với lực lượng Nga.
Do hầu hết các cuộc giao tranh đều được tiến hành ở tầm xa nên đạn pháo trở thành yếu tố then chốt cho cả Nga và Ukraine. Nga đang tăng cường sản xuất đạn pháo và hệ thống tên lửa phóng loạt. Ước tính, Nga sở hữu lượng đạn pháo gấp 5 lần Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Kiev chỉ có thể bắn tối đa 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày, tức chỉ gần bằng 1/2 công suất của Nga.
Một binh sĩ Ukraine cho biết, việc thiếu vũ khí và đạn dược ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tấn công của quân đội Ukraine. “Bây giờ chúng tôi không có đủ nhân lực và trang thiết bị để tiến hành nhiều cuộc tấn công. Vì vậy, mục tiêu chính hiện tại của chúng tôi là giữ vững những vị trí đang có”.
Bài học rút ra từ xung đột Nga - Ukraine
Cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài 2 năm đã cho thấy vai trò của một số loại vũ khí. Trước khi xung đột bùng phát, kho dữ trự tên lửa của các nước là rất thấp. Hầu hết các tên lửa tấn công mặt đất đều từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện tại, cả Nga và Ukraine đều cần tới hàng nghìn tên lửa để chiến đấu, vậy nên, tên lửa được sản xuất nhanh chóng với chi phí thấp và trở thành một yếu tố cần thiết trong bất kỳ kho vũ khí nào.
Những loại tên lửa như Storm Shadow, có tầm bắn hơn 250km, đã chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường, nhưng chúng có giá cao và mất nhiều thời gian sản xuất. Do vậy, cần có những lựa chọn thay thế giá rẻ hơn.
Trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nhiều quốc gia đã dần loại bỏ số lượng xe tăng trong kho vũ khí. Nhưng cuộc xung đột này cho thấy, xe tăng vẫn là một phần quan trọng trong hoạt động tấn công phối hợp. Xe tăng có công dụng to lớn trên chiến trường và vẫn là một vũ khí đáng gờm.
UAV đã chứng minh được vai trò trong xung đột Nga – Ukraine. Một binh sĩ Ukraine gần đây lưu ý rằng độ chính xác của các đơn vị pháo binh tăng 250% khi kết hợp với máy bay không người lái.
Theo Al Jazeera