Những 'tử huyệt' trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn

H.THÀNH |

Dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn dài 98,3km, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, kết nối cao tốc La Sơn-Túy Loan dài 77,5km đã khai thác trước đó, tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175km nối liền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế với TP Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương và liên vùng.

Trừ một số đoạn cho phép vượt xe có quy mô 4 làn xe, cung đường còn lại trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn là 2 làn xe với tốc độ tối đa 80km/giờ, không có dải phân cách cứng; đường lên xuống đồi dốc nhiều, cua tay áo cũng có,... gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đa phần tai nạn do 2 xe đối đầu

Những 'tử huyệt' trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn- Ảnh 1.

Đường hẹp, trời sương mù, phương tiện vượt nhau trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn dễ gây tai nạn

Đa phần các vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Cam Lộ -La Sơn thời gian qua là do đối đầu giữa 2 xe ngược chiều. Song, bất cập lớn nhất dẫn đến tai nạn là mặt đường quá hẹp, không có con lươn hoặc dải phân cách cứng ở giữa-hiện trạng đã được báo chí nhiều lần phản ánh, kể từ lúc đưa tuyến đường này vào hoạt động.

Anh Võ Trường Giang, lái xe dịch vụ ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chuyên chạy xe trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn chia sẻ, tuyến đường này mỗi chiều đi chỉ có 1 làn duy nhất, có vạch liền và biển cấm vượt, tầm 5km sẽ có 1 điểm cho vượt bằng vạch đứt hoặc mở rộng làn có phân cách cứng dài 1km để vượt, nhưng vẫn cắm biển hạn chế 80km/h.

Do đường nhỏ có nhiều dốc dài nên xe to thường đi rất chậm. Các xe nhỏ phải nối đuôi nhau bò theo, rất ức chế. Lúc đến đoạn cho vượt mặc dù đủ 2 làn có dải phân cách cứng, làn khẩn cấp, song vẫn cắm biển hạn chế và chiều dài cho phép vượt chỉ được 1km.

Nút cổ chai “chết người”

Trên cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn, cứ khoảng 5-8km lại có một đoạn 4 làn đường để phương tiện cùng chiều vượt lên. Nhưng các điểm cho phép vượt chỉ dài từ 1,5-2km rồi lại nhập hai làn thành một làn như “nút cổ chai” gây nguy hiểm cho những lái xe chưa quen đường. Đây cũng chính là vị trí ô tô 7 chỗ 36A-485.67 gặp nạn làm 3 người chết vào ngày 18/2. Ngoài sóng điện thoại chập chờn, không trạm xăng, không trạm dừng nghỉ..., những cung đường cấm vượt kéo dài, tuyến đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn còn thiếu camera giám sát nên một số tài xế “nôn nóng” đá đèn, bóp còi inh ỏi rồi nhấn ga tăng tốc đột ngột để giành đường, tạo ra những tình huống nguy cơ tai nạn.

TS TRẦN HỮU HÙNG

Tài xế Lê Công Quang ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ cho biết, anh mới chạy xe trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, nhưng thấy tuyến đường hẹp, chỉ có 1 làn chạy và 1 làn khẩn cấp. Song làn khẩn cấp cũng hẹp vừa đủ 1 xe, nếu đỗ xe ở làn khẩn cấp bật đèn cảnh báo cũng rất nguy hiểm.

Toàn tuyến đường phần lớn là vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn có 2 làn đường riêng biệt để mục đích cho các xe vượt nhau, các xe nối đuôi nhau chạy nếu có tai nạn hoặc sự cố 1 trong 2 làn thì chắc chắn sẽ kẹt xe.

Nói về đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn phần lớn chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách cứng, đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, do ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu, xây dựng quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế nên khi đưa vào sử dụng chưa đạt chuẩn.

Theo chuyên gia giao thông, TS. Trần Hữu Hùng, với hiện trạng tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan, lái xe nếu không giữ làn tốt, vào cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, toàn tuyến gần như không có đèn cao áp chiếu sáng hai bên.

Mật độ phương tiện né tránh 3 trạm thu phí (Bắc Hải Vân, Phú Bài, Nam Đông Hà) trên chiều dài 180km Quốc lộ 1 nối Quảng Trị với Đà Nẵng, để lưu thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan tăng nhanh trong 3 năm qua.

Cùng với hạ tầng không đảm bảo tiêu chí cao tốc, gần 200km đường từ Quảng Trị đến Đà Nẵng không có camera giám sát tốc độ, truyền dữ liệu về trung tâm. Dù chỉ được phép lưu thông với tốc độ dưới 80km/h và dưới 60km/h, song hầu hết người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ giới hạn này mà cho xe di chuyển với tốc độ rất cao, lấn làn, vượt ẩu. Đó là nguyên nhân chủ yếu để xảy ra dồn dập các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan trong thời gian qua.

Tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị nhiều lần

Những 'tử huyệt' trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn- Ảnh 2.

Những 'tử huyệt' trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn- Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Km 48+200 cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa phận xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế, ngày 18/2

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, trên diễn đàn Quốc hội và những lần làm việc với lãnh đạo Trung ương và Bộ GTVT, tỉnh Quảng Trị kiến nghị nhiều lần về việc cấp thiết phải mở rộng thêm 2 làn trên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

“Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc được. Nguyên do những tuyến cao tốc khác trên cả nước đã và đang đầu tư đều 4 làn đường, trong khi cao tốc Cam Lộ-La Sơn lại thắt nút cổ chai, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ nên rất dễ gây ra tai nạn.

Ngoài việc đầu tư thêm 2 làn đường, tuyến cao tốc này cần tăng cường các biển báo; nâng cấp, gia cố hệ thống đường gom; bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như lắp đặt thêm camera giám sát và xử lý nghiêm các tài xế vượt ẩu, chạy quá tốc độ… Đồng thời, khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư tuyến cao tốc này cho hoàn thiện và đồng bộ trong thời gian sớm nhất”, ông Đồng nói.

Bao giờ mở rộng 4 làn?

Nói về đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn phần lớn chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách cứng, đại diện Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh thông tin, do ngân sách khó khăn, nguồn lực xã hội hóa hạn chế nên đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn được phân kỳ đầu tư. Giai đoạn đầu, xây dựng quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế nên khi đưa vào sử dụng chưa đạt chuẩn.

Theo đại diện BQL DA đường HCM, dự kiến, 2 đến 3 tuần nữa, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Bộ GTVT về hồ sơ mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn lên 4 làn xe (2 chiều đi, 2 chiều về) có giải phân cách cứng.

Khi đó, không chỉ khắc phục được những bất cập từ trước đến nay, nhất là các xe vượt nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với việc có 2 làn xe mà còn đảm bảo đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông đã và đang xây dựng.

CHƯA RÕ QUẢN LÝ CAO TỐC THEO PHƯƠNG ÁN NÀO?

Trong năm 2023, khi các phương tiện đã lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra hiện trường, báo cáo, đánh giá phương án tổ chức giao thông ở đoạn cao tốc này. Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra nhận thấy một số phương tiện, đặc biệt là xe tải nặng không đáp ứng được tốc độ tối thiểu 60km/h. Vì vậy, đoàn kiểm tra từng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét trong thời gian khai thác cao tốc phân kỳ, cần điều chỉnh giảm tốc độ tối thiểu cho tuyến đường. Hiện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chỉ cho phép vượt xe tại đoạn 4 làn xe đủ điều kiện vượt, và khoảng cách giữa các điểm vượt xe khoảng 10km.

Chiều 20/2, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, đoạn cao tốc này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đưa vào hoạt động được hơn 1 năm. Trong thời gian từ khi đi vào hoạt động đến tháng 12/2023, thực hiện phương án tổ chức giao thông tạm thời. Như vậy đã hết thời gian tổ chức giao thông trên cao tốc theo phương án tạm thời, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được thông báo về phương án tổ chức giao thông như thế nào. “Chúng tôi có nghe nói đang nghiên cứu phương án tổ chức giao thông theo đường cấp 3 đồng bằng, nhưng sẽ cấm phương tiện xe thô sơ. Với phương án nào cũng cần thống nhất sớm, để địa phương tổ chức tuyên truyền với người dân nắm rõ để đảm bảo an toàn giao thông”, vị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại