Những trang phục "chết người" nhưng từng thịnh hành ở thế kỷ 19

Mỹ Huyền |

Có một thời, châu Âu phải đảo điên vì những món đồ thời trang đáng sợ như váy asen, mũ thủy ngân hay quần áo dễ cháy.

Trong lúc ngồi ở nhà vào một buổi chiều năm 1861, bà Fanny, vợ nhà thơ Henry Wadsworth Longfellow, bỗng bốc cháy. Vết bỏng nghiêm trọng đến mức bà qua đời ngay ngày hôm sau. Theo cáo phó của bà, ngọn lửa bùng lên khi "một que diêm hoặc một mẩu giấy cháy rơi vào váy bà ấy".

Vào thời điểm đó, cái chết kiểu này không hiếm. Bởi vì nến, đèn dầu, lò sưởi được sử dụng phổ biến trong các ngôi nhà của người Âu Mỹ. Ngoài ra, váy của phụ nữ nới đai, rộng thùng thình, làm bằng vải bông và vải tuýt dễ cháy, không giống quần áo bằng len, bó sát cơ thể của đàn ông.

Không chỉ có váy, thời trang ở thời này tiềm ẩn nguy hiểm. Tất được nhuộm bằng thuốc chứa anilin gây viêm chân ở nam giới và khiến các công nhân dệt may bị loét, thậm chí là ung thư bàng quang. Đồ trang điểm chứa chì phá hủy dây thần kinh cổ tay phụ nữ, khiến họ không thể nâng tay lên được.

Những trang phục chết người nhưng từng thịnh hành ở thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Lược nhựa celluloid, thứ mà một số phụ nữ thường cài trên tóc, sẽ phát nổ nếu chúng quá nóng. Ở Pittsburgh, một tờ báo đưa tin một người đàn ông mất mạng vì lược nhựa trong khi "chải chuốt bộ râu xám dài". Còn ở Brooklyn, một nhà máy sản xuất lược phát nổ.

Thực tế, một số trang phục thời thượng nhất thời điểm đó được sản xuất với các hóa chất mà ngày nay chúng ta biết rằng quá độc hại. Vậy nên thường thì người chịu hậu quả là người sản xuất chứ không phải người mặc.

Bệnh từ thủy ngân

Nhiều người nghĩ rằng cụm từ "mad as a hatter" (tạm dịch: điên như một thợ làm mũ) đề cập đến những tác dụng phụ lên tinh thần và thể chất mà người thợ mũ phải chịu dựng do sử dụng thủy ngân trong công việc.

Dù các học giả còn tranh cãi nguồn gốc của cụm từ này, nhưng các thợ làm mũ thực sự góp phần làm tăng các vụ ngộ độc thủy ngân. Chứng bệnh này không phải trò đùa, ngộ độc thủy ngân khiến cơ thể suy nhược và gây tử vong.

Vào thế kỷ 18 và 19, rất nhiều mũ đàn ông có lớp lót làm bằng lông thỏ. Để làm cho lông dính với nhau tạo thành lớp lót, thợ làm mũ phải chải chúng với thủy ngân. Điều này cực kỳ độc hại, đặc biệt nếu hít phải, hơi thủy ngân sẽ đi thẳng đến hệ thần kinh trung ương.

Những trang phục chết người nhưng từng thịnh hành ở thế kỷ 19 - Ảnh 2.

Một trong những triệu chứng đầu tiên là chân tay run rẩy. Tiếp đó là những vấn đề về tâm lý. Khi các bác sĩ giám định đến gặp thợ làm mũ để ghi chép các triệu chứng, những người thợ mũ nghĩ họ đang bị giám sát và tỏ ra vô cùng giận dữ. Nhiều người còn có vấn đề tim mạch, rụng răng và chết sớm.

Mặc dù những tác động xấu đến sức khỏe được ghi nhận, nhiều người thợ xem đó như mối nguy hiểm mà họ phải chấp nhận khi làm công việc này. Bên cạnh đó, thủy ngân chỉ ảnh hưởng đến thợ sản xuất chứ không phải người đội, do các ông này được bảo vệ bởi lớp lót.

Các người thợ bắt đầu dùng thủ ngân trong làm mũ từ những năm 1730. Chiếc mũ ở trên được làm từ thế kỷ 19 nhưng các thí nghiệm cho thấy nó vẫn chứa thủy ngân.

Mũ thủy ngân chưa từng bị cấm ở Anh. Nó chỉ thực sự biến mất vào những năm 1960, khi đàn ông không còn ưa chuộng những chiếc mũ chóp cao nữa.

Váy nhuộm với asen

Asen hay thạch tín có mặt ở khắp nước Anh trong thời đại Victoria. Dù được coi là chất độc chuyên để giết người, nguyên tố dễ tìm, giá rẻ này được sử dụng để làm nến, rèm cửa và giấy dán tường.

Những trang phục chết người nhưng từng thịnh hành ở thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Vì dùng thuốc chứa asen sẽ cho màu xanh tươi sáng, nên asen cũng có mặt trong quần áo, găng tay, giày và vòng hoa giả mà phụ nữ hay sử dụng để trang trí tóc và quần áo của họ.

Những vòng hoa đặc biết này có thể khiến người phụ nữ đeo nó phát ban. Nhưng thời trang asen vẫn gây hại cho người tạo ra nó nhất.

Ví dụ, năm 1861, một cô gái làm vòng hoa giả tên là Matilda Scheurer, 19 tuổi, chuyên nhuộm hoa bằng bột asen xanh, đã phải nhận một cái chết thảm.

Cô co giật, nôn mửa, sùi bọt mép. Lòng trắng mắt, móng tay chuyển màu xanh. Người khám nghiệm tử thi tìm thấy asen trong dạ dày, gan và phổi của cô.

Bài viết về cái chết của Scheurer và thực trạng ở các nhà máy làm hoa giả đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng asen trong thời trang.

Tờ British Medical viết rằng người phụ mặc trang phục asen "mang trong váy lượng độc tố đủ để giết toàn bộ những người hâm mộ mà cô ta có thể gặp được trong vũ hội".

Những trang phục chết người nhưng từng thịnh hành ở thế kỷ 19 - Ảnh 4.

Đến nửa cuối thế kỷ 19, những tuyên bố giật gân kiểu này bắt đầu làm cho dư luận quay sang phản đối màu xanh chết người.

Mối lo ngại của công chúng đã đẩy asen ra khỏi thời trang. Scandinavia, Pháp, và Đức cấm thuốc nhuộm chứa asen, trong thì người Anh thì không. Sự ra đời của thuốc nhuộm tổng hợp khiến cho việc từ bỏ thuốc nhuộm asen dễ dàng hơn.

Dù trang phục asen đã thuộc về quá khứ, những kẻ giết người khác trong thời trang vẫn còn rất thịnh hành. Năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ cấm việc phun cát lên vải denim, bởi vì công nhân có nguy cơ ung thư phổi do hít phải cát.

Tuy nhiên, khi một phương pháp sản xuất nguy hiểm bị cấm ở một quốc gia nhưng nhu cầu thời trang cao thì phương pháp đó thường di chuyển ở một nơi khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại