Trận động đất xảy ra vào 8 giờ 18 phút 23 giây sáng 25/11 (giờ Hà Nội), kéo theo hàng loạt dư chấn sau đó. Thủ đô Hà Nội và hầu hết các tỉnh miền Bắc cảm nhận khá rõ rung chấn gây ra từ trận động đất này. Hai xã Đàm Thủy và Đình Phong của huyện Trùng Khánh là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Thực hiện khảo sát sau động đất, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, nhiều nhà dân bị nứt toác sau rung chấn. Từ trên sườn núi, đá lăn xuống làm hỏng 1 ô tô và nhiều nhà dân hư hại nhẹ. Riêng tại khu vực xã Đàm Thủy, suối bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn. Tại một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng.
Trận động đất 5,4 độ ở Cao Bằng là trận động đất mạnh nhất trong 20 năm qua trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều trận động đất gây rung chấn mạnh đã xảy ra như động đất có độ lớn 5,3 xảy ra tại Mộc Châu 27/7/2020 khiến các tỉnh miền Bắc cảm nhận rõ chấn động.
Động đất khiến hàng trăm nhà dân bị hư hại tại Mộc Châu năm 2020. Ảnh: Báo Sơn La.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tại huyện Mộc Châu ghi nhận hàng trăm nhà dân bị hư hại trong trận động đất này và hàng chục dư chấn xảy ra sau đó.
Cũng trong năm 2020 xảy ra một trận động đất có độ lớn 4,9 tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khiến điểm trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè bị sập trần thạch cao, làm 4 trẻ em bị thương nhẹ.
Tuy nhiên, so với chiều dài lịch sử, đây chỉ là những trận động đất trung bình. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trong lịch sử từ năm 114 đến năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận được 1.645 trận động đất mạnh có độ lớn từ 3 trở lên.
Nhiều trận động đất gây chấn động cấp 8 như trận động đất xảy ra vào năm 114 ở bắc Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), trận động đất năm 1635 tại khu vực Yên Định - Vĩnh Lộc - Nho Quan, trận động đất năm 1821 ở Nghệ An.
Ở Phan Thiết, vào các năm 1882, 1887 cũng ghi nhận các trận động đất gây chấn động cấp 7.
Riêng tại thủ đô Hà Nội, lịch sử ghi nhận trong các năm 1277, 1278 và 1285, từng xảy ra các trận động đất cấp 7, cấp 8.
Trận động đất ở Mường Tè có độ lớn 4.9 khiến 4 trẻ mầm non bị thương nhẹ.
Trong thế kỷ XX, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75 xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã, động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.
Trước đó vào năm 1923, một trận động đất với độ lớn 6,1 (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam không nằm trong vành đai động đất Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines. Tuy nhiên, trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều khu vực có đứt gãy hoạt động mạnh. Đáng quan tâm nhất là Tây Bắc. Nơi đây có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Ông Xuân Anh đề nghị người dân những vùng có nguy cơ động đất cao như khu vực Tây Bắc cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vật lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
Ông Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương, nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình.
“Động đất là vấn đề chưa thể dự báo, có những khu vực địa chất, đứt gãy ngủ yên rất lâu sau đó hoạt động mạnh trở lại. Vì vậy các địa phương cần tuân thủ yêu cầu về kháng chấn đã được cảnh báo để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra”, ông Xuân Anh nói.