Những tỉnh nào cách ly người từ TPHCM về quê ăn Tết?

NGUYỄN DŨNG |

Tính đến ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp) đã có hơn chục tỉnh, thành ra thông báo cách ly người từ TPHCM và một số địa phương có dịch về quê dịp Tết Nguyên đán. Hình thức cách lý bao gồm cách ly tập trung và cách ly tại nhà tùy vào địa phương và đối tượng.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM và nhất là khi số ca bệnh ngày càng tăng nhanh, trong đó 80% số ca nhiễm được phát hiện không có triệu chứng và nhiều trường hợp F2 bị nhiễm bệnh, nhiều tỉnh, thành yêu cầu người về từ vùng có dịch tại TPHCM phải cách ly tập trung. Riêng Đắk Nông yêu cầu tất cả người về từ TPHCM phải tự cách ly 14 ngày tại nhà.

Tại TT- Huế, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh này đã phát đi Thông báo số 11 về biện pháp giám sát công dân từ vùng dịch đến tỉnh TT-Huế. Theo đó, mọi công dân đến TT-Huế (bao gồm cả người Huế về địa phương) bắt buộc phải khai báo y tế. Thực hiện cách ly 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân đã đi qua/đến từ tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương tới TT-Huế.

Đối với công dân đã đi qua/đến TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương: thực hiện cách ly tập trung 21 ngày và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân tại các xã, phường, thị trấn có điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố, cập nhật đến tỉnh TT-Huế.

Người dân đến từ vùng dịch của 3 địa phương trên sẽ được tổ chức cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung T3 (đóng xã Phú Thượng, huyện Phú Vang).

Tại tỉnh Quảng Trị,  Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh này yêu cầu các địa phương tạm thời áp dụng biện pháp cách ly tại nhà để quản lý, giám sát y tế và lấy mẫu xét nghiệm với tất cả người đến hoặc về từ quận, huyện, thị xã có dịch ở TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Tại Quảng Ngãi, Sở Y tế tỉnh này yêu cầu cách ly tập trung F1 hoặc người trong vùng phong tỏa, cách ly 14 ngày kể từ ngày rời khỏi địa phương, xét nghiệm theo quy định.

Những tỉnh nào cách ly người từ TPHCM về quê ăn Tết? - Ảnh 1.

Nhiều địa phương cách ly người từ TPHCM về quê an Tết

Các địa phương cách ly tại nhà trường hợp F2 hoặc người đến từ các xã/phường/huyện có ca bệnh lây lan cộng đồng. Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ khi rời khỏi địa phương/địa điểm, giám sát, xét nghiệm theo quy định.

Ngoài ra, những người ở 12 tỉnh: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, TPHCM, Điện Biên, Hà Giang cần khai báo, tự theo dõi tại nơi lưu trú 14 ngày tính từ ngày rời khỏi tỉnh, thành phố có công bố ca bệnh.

Tương tự, Quảng Nam yêu cầu người dân ở TPHCM, Bình Dương và các nơi có dịch về quê ăn Tết sẽ thực hiện khai báo y tế và cách ly đối với một số trường hợp. Cụ thể, đối với người ở những xã, phường có người dương tính sẽ cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Nếu những quận, huyện có người dương tính nhưng không phải xã, phường đó thì cách ly tại nhà 14 ngày. Những người không ở nơi có quận, huyện có người dương tính thì tự theo dõi sức khỏe.

Tại Đắk Nông, UBND tỉnh này đã ban hành văn bản yêu cầu cách ly tại nhà đối với tất cả các trường hợp người dân trở về/đến từ TP.HCM, thời gian cách ly tối đa 14 ngày. Các trường hợp khác liên quan đến các ổ dịch phải thực hiện cách ly y tế đúng theo quy định. Theo lý giải của địa phương này là “Nhiều trường hợp tại TPHCM chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm và nhiều quận, huyện của TPHCM có ca bệnh. Do đó, tỉnh Đắk Nông thống nhất đối với các trường hợp về từ TPHCM phải cách ly tại nhà không quá 14 ngày để quản lý, giám sát. Tỉnh cho biết biện pháp này là nâng lên một cấp so với quy định nhưng Chính phủ cho phép tùy theo tình hình thực tế địa phương”.

Địa phương lập danh sách, đi từng nhà kiểm tra

Để đảm bảo phòng dịch COVID-19 tối đa, nhiều địa phương còn phân cấp cán bộ xuống đến cấp tổ dân phố, khóm lập danh sách, thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở.

Cụ thể, tại An Giang, đối với sinh viên đang học ở TPHCM và người lao động làm việc ngoài tỉnh, khi về quê An Giang ăn Tết phải thực hiện khai báo y tế. Trưởng ấp và cộng tác viên y tế khóm, ấp phải nắm rõ những trường hợp này để kịp thời xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (quê ở Thoại Sơn, An Giang) cho biết, chị và mẹ hiện đang làm việc ở TPHCM và sẽ về quê ăn Tết trong dịp này. “Mẹ tôi về quê từ ngày 25 Tết, ngày nào cũng có người của địa phương đến nhà hỏi han và đề nghị cách ly tại nhà 14 ngày. Riêng tôi dự kiến ngày 30 Tết mới về nhưng nghe mẹ kể thế nên cũng rất phân vân Tết về quê mà không được đi đâu thì cũng rất buồn”, chị Thảo nói.

Tương tự, tại Hậu Giang, Cà Mau cũng yêu cầu sinh viên và người lao động làm việc ngoài tỉnh phải khai báo y tế đầy đủ về lịch trình di chuyển. Hai địa phương này còn huy động hàng ngàn cộng tác viên tại các khóm, ấp sẽ đến từng hộ dân để ghi nhận đầy đủ số người đi học, đi làm xa vừa về quê.

Tại Bình Thuận, cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nắm số lượng học sinh, sinh viên và người lao động về quê ăn Tết, buộc khai báo y tế.

Người Hà Nội từng đến vùng dịch phải cách ly tại nhà

Tối ngày 9/2, UBND TP Hà Nội cũng đã ra thông báo nhằm tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo đó, Thành phố yêu cầu người từng có mặt ở vùng dịch, các điểm liên quan tới ca bệnh hoặc đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID- 19, phải cách ly tại nhà và khai báo y tế. Các trường hợp trên phải liên hệ với các cơ sở y tế nơi cư trú để được lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại