Cửa hàng bánh Trung thu Bảo Phương (Hà Nội)
Với danh tiếng hơn 60 năm, hiệu bánh Trung thu Bảo Phương nằm tại con phố Thụy Khuê lúc nào cũng tấp nập và đông đúc người xếp hàng mua bánh.
Các loại bánh Trung thu tại đây thường bán đi luôn trong ngày, theo cặp đơn hoặc cặp đôi bánh nướng - bánh dẻo, có giá dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/chiếc tùy loại.
Chỉ cần tới gần ngày Trung thu, cửa hàng đã rất đông khách mua bánh. Thậm chí, có thời điểm khách phải xếp hàng chờ từ 15 - 20 phút mới có thể mua được bánh mang về.
Cửa hàng bánh Trung thu Như Lan (Sài Gòn)
Cửa hàng Như Lan đã có kinh nghiệm hơn 45 năm trong việc kinh doanh bánh Trung thu. Dường như Như Lan đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Sài Gòn suốt nhiều thập kỷ qua.
Để đáp ứng được xu hướng của người Việt như nhu cầu ăn ít ngọt, giảm béo, nên bánh Trung thu tại đây được làm thủ công theo công thức gia truyền.
Thêm nữa, bánh Trung thu Như Lan mang đậm vị. Vỏ bánh dạng hoa sen 3 tầng nên rất dễ nhận biết so với các thương hiệu khác.
Những chiếc bánh Trung thu tròn trịa, vàng ươm được khéo léo đưa các loại sản vật bổ dưỡng vào nhân bánh nhằm tiêu chí "tốt cho sức khỏe", mỗi chiếc bánh không chỉ độc đáo mà còn mang giá trị dinh dưỡng cao.
Bánh Trung thu Đông Phương (Hải Phòng)
Nếu Hà Nội có thương hiệu Bảo Phương thì bánh Đông Phương lại nổi tiếng tại Hải Phòng. Ngoài dịp Trung thu, mọi người còn hay đặt bánh nướng cho nhiều dịp lễ hay dùng nhiều trong đám hỏi, bởi thế hiệu bánh này vô cùng thân quen với người dân đất Cảng.
Vào mùa cao điểm Trung thu, không chỉ phục vụ cho khách tại thành phố, cửa hàng này nhận được không ít đơn đặt hàng từ các tỉnh.
Tại đây, giá bánh Trung thu dao động từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc (tùy trọng lượng).
Bánh kẹo Minh Trang (Nam Định)
Đi đầu trong nhóm hàng phục vụ Tết Trung thu tại Nam Định là sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo. Trong đó, cơ sở sản xuất bánh Trung thu Minh Trang với hương vị truyền thống đặc trưng cũng được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
Theo cơ sở bánh kẹo Minh Trang, hiện nay các vị bánh đã được gia tăng các nguyên liệu tự nhiên như hạnh nhân, hạt điều, hạt dưa, hạt bí, vừng… và giảm bớt các nguyên liệu từ thịt động vật như mỡ lợn, thịt lợn, gà, lạp xường.
Đồng thời, thương hiệu này cũng không tổ chức sản xuất sớm mà tập trung nhân công làm trong khoảng thời gian sát với dịp Tết Trung thu để giảm chi phí bảo quản sản phẩm, giữ được hương vị tươi ngon của sản phẩm truyền thống.
Bánh Trung thu Phúc Hưng (Huế)
Lâu nay, người dân Huế vẫn quen thuộc với hiệu Bánh Trung thu Phúc Hưng vì đây là cơ sở làm bánh lâu đời, chất lượng, đã khẳng định được thương hiệu riêng và có đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tùy vào kích cỡ và loại nhân nào mà giá cả của các loại bánh Trung thu truyền thống dao động từ 8.000 đồng cho đến 140.000 đồng/sản phẩm.
Đối với mặt hàng bánh Trung thu dạng phổ thông với khối lượng từ 100 - 200 gram thì có giá từ 15.000 đồng đến 35.000 đồng/sản phẩm.
Phúc Hưng cũng là một trong số ít cơ sở bánh Trung thu truyền thống Huế thường xuyên cập nhật thị hiếu của khách hàng nên đến nay vẫn còn duy trì được một lượng lớn khách hàng thân thiết.
Ưu điểm của các sản phẩm bánh Trung thu cổ truyền:
- Những cửa tiệm bánh Trung thu cổ truyền thường là cha truyền con nối hoặc phải có tuổi đời lên tới vài chục năm.
- Những tiệm bánh này thường không mạnh về mảng làm truyền thông, hình ảnh do vậy danh tiếng của nhà bánh hầu như được xây dựng lâu năm bởi chính chất lượng của sản phẩm.
- Bánh có sự nóng hổi, “thật tay”, không chất bảo quản và tên tuổi được kiểm chứng từ người tiêu dùng ở địa phương. Do qua thời gian các nhà bánh đã tích luỹ được kinh nghiệm lâu đời nên bánh có hương vị riêng biệt, khó lẫn.
- Cho đến hiện nay, hầu hết các nhà làm bánh Trung thu vẫn đang chọn cách chú trọng bán các loại bánh nướng, dẻo truyền thống và ít đa dạng hoá sang các loại nhân ngọt hiện đại nên với những người thích hương vị xưa sẽ là lựa chọn hợp lý nhất.