Những thứ phải sẵn sàng “đánh đổi” để trở thành một doanh nhân thành đạt

Kiều Châu |

Mặc dù trở thành một doanh nhân là một mục tiêu nghề nghiệp đáng để theo đuổi nhưng nó không dành cho những người thiếu bản lĩnh và trốn tránh khó khăn.

Doanh nhân - đó là một từ chứa đầy sự lạc quan và triển vọng đem đến sự giàu có và sự hưởng thụ. Rất nhiều người trẻ và thậm chí cả những người đã có nhiều năm kinh nghiệm đã hăm hở lao vào khởi nghiệp với bầu nhiệt huyết, hy vọng và năng lượng tràn trề với niềm tin rằng kinh doanh là một con đường rất an toàn, có thể làm chủ sự nghiệp của mình và đạt được thành công.

Bạn chỉ cần có ý tưởng, biến chúng thành sản phẩm hoặc dịch vụ và bán chúng cho khách hàng mục tiêu của bạn. Sau đó, đợi tiền chuyển về tài khoản công ty bạn.

Tuy nhiên, thực tế có dễ dàng như vậy?

Những chia sẻ dưới đây của Dillon Kivo, CEO và người sáng lập của MentionWorth trên chuyên trang khởi nghiệp Entrepreneur sẽ cho những người đang có ý định khởi nghiệp thấy được con đường khó khăn mà một doanh nhân sẽ phải đối mặt, thậm chí phải chấp nhận "đánh đổi" để đạt được thành công.

Mặc dù Dillon Kivo thừa nhận kinh doanh đáng là một sự nghiệp để theo đuổi, nhưng đó là một sự nghiệp rất khó khăn. Tất nhiên, những doanh nhân thành đạt là những người thông minh và chăm chỉ.

Trên thực tế, nếu bạn có thể quay ngược lại thời gian để quan sát cách họ khởi nghiệp, bạn sẽ có thể thấy được họ đã vấp ngã rất nhiều lần. Họ đã làm việc rất chăm chỉ và bền bỉ để có được vị trí như ngày hôm nay. Tất nhiên, trong thời đại Internet hiện nay, việc xây dựng một công ty khởi nghiệp sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều.

Chẳng hạn, với một vài cú nhấp chuột ngay trên giường ngủ, bạn có thể khởi động công việc kinh doanh trực tuyến của mình và bạn cũng có thể vận hành công việc khi đang di chuyển thông qua smartphone. Do đó, ra mắt một doanh nghiệp không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để xây dựng nó thành một đế chế thành công.

Nếu bạn đang quyết định sẽ trở thành một doanh nhân thì trước hết hãy sẵn sàng đối mặt với những thực tế có phần khắc nghiệt dưới đây:

Ý tưởng kinh doanh của bạn có thể chỉ là ảo tưởng.

Mơ ước của bạn là xây dựng một công ty tỷ đô không có nghĩa là, khi bạn biến ý tưởng của mình thành sản phẩm và bơm một số tiền lớn để tiếp thị thì công ty của bạn sẽ viết tiếp câu chuyện thành công trong lĩnh vực kinh doanh bạn đang theo đuổi. Bởi vì môi trường khởi nghiệp chứa đầy những điều không chắc chắn.

Không có gì đảm bảo rằng thị trường mục tiêu của bạn sẽ là yếu tố đảm bảo cho các sản phẩm của bạn cũng như bạn sẽ kiếm được lợi nhuận trong năm đầu kinh doanh. Và cũng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được thành công trong phân khúc thị trường mà bạn đang theo đuổi.

Do đó, nếu bạn càng sớm biết chấp nhận thực tế, bạn sẽ càng phát triển được phẩm chất kiên cường của một doanh nhân thành đạt. Hãy biết rằng thất bại là không thể tránh khỏi và các doanh nhân thành công từng thất bại rất nhiều lần nhưng họ ít bận tâm đến nó. Chính điều đó thúc đẩy niềm đam mê để họ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện ý tưởng của họ... cho đến khi họ đạt được thành công.

Vì vậy, hãy biến ước mơ thành ý tưởng có thể thực hiện được bởi "ý tưởng mà không thực hiện được thì chỉ là ảo tưởng mà thôi".

Kinh doanh là một công việc phải cặm cụi từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nghĩ rằng kinh doanh là một nghề dễ dàng?

Nếu bạn nghĩ chỉ cần dành thời gian cho ý tưởng kinh doanh của bạn lúc rảnh rỗi và mày mò xung quanh nó với niềm đam mê thì bạn đã sai rồi.

Sự thật là, việc xây dựng doanh nghiệp của riêng bạn phức tạp, tẻ nhạt và tiêu tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều công việc thường ngày của bạn.

Bạn nên biết rằng, các doanh nhân thành công thường thức dậy rất sớm mỗi ngày và xuất hiện dành rất nhiều thời gian mỗi ngày để suy nghĩ, sáng tạo và phát minh ra các sản phẩm phục vụ cho khách hàng của họ.

Bởi vì kinh doanh không hề dễ dàng. Họ - những người đứng đầu doanh nghiệp luôn phải đối mặt với áp lực, sự cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường. Họ phải xem sản phẩm có đạt được sự kỳ vọng của họ hay không, có chiếm được khách hàng từ đối thủ cạnh tranh hay không và phải làm sao để quảng bá thương hiệu của mình ra thế giới...

Và để làm được như vậy, họ phải dành rất nhiều thời gian để đạt được những mục tiêu nếu không muốn thất bại thảm hại trong lĩnh vực đang kinh doanh. Và nếu muốn tồn tại như một doanh nhân bạn sẽ phải làm được những điều tương tự họ.

Đó cũng là lý do tại sao bạn phải sẵn sàng chống lại "những ma cà rồng" về năng suất và thành công. Và bạn biết không? Chần chừ chính là kẻ thù lớn nhất của bạn.

"Mỗi doanh nhân có vô số kẻ thù: đối thủ cạnh tranh, không đủ tiền, không đủ ý chí,... Nhưng, kẻ thù lớn nhất của tất cả họ đó là sự chần chừ", Dillon Kivo cho hay.

Bạn có thể có một ý tưởng tuyệt vời. Bạn có thể là người sáng lập xuất sắc nhất trong ngành công nghiệp của bạn. Bạn cũng có một vài nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng đầu tư vào công ty khởi nghiệp của bạn.

"Tất cả những điều này rất quan trọng khi bạn đang xây dựng một doanh nghiệp khởi sự thành công, nhưng bạn phải có nguyên tắc và kỷ luật để thực hiện. Tin tôi đi, vấn đề không nằm ở những thứ đó, bởi vì bí mật để xây dựng công ty của bạn nằm ở năng suất của chính bạn", Dillon Kivo bật mí.

Đừng vì gặp một chút khó khăn mà bạn buông xuôi. Kinh doanh ai mà không gặp ít nhất một vài lần thất bại. Nhưng, hãy nhìn vào các doanh nhân thành công, họ biết cách đối phó với nó một cách quyết đoán.

Họ thường đặt ra mục tiêu và chia nhỏ các nhiệm vụ của họ trong ngày. Mỗi ngày họ sẽ quyết định ưu tiên làm việc gì để cuối cùng đạt được mục tiêu chung. Điều quan trọng là họ làm việc một cách tập trung, hoàn thành từng nhiệm vụ trước khi chuyển sang việc khác. Và họ luôn nhất quán.

Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, họ đều cố gắng để hoàn thành tốt công việc - công việc đạt chất lượng sẽ đưa họ đến gần hơn với mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của họ. Do đó, họ có thể thống trị mảng thị trường của họ.

Những thứ phải sẵn sàng “đánh đổi” để trở thành một doanh nhân thành đạt - Ảnh 1.

Huyền thoại Steve Jobs - người đã "dành cả thanh xuân" cho Apple.

Bạn có sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng?

Điều hành một doanh nghiệp không đơn giản là tranh thủ làm việc trong vài giờ vào cuối tuần, kiếm một vài đồng bạc lẻ và tận hưởng thời gian cuối ngày bên gia đình.

Để trở thành một người đứng đầu doanh nghiệp, bạn cần phải sẵn sàng hy sinh rất nhiều (trong đó có cuộc sống riêng) để hướng đến khách hàng của bạn. Nếu bạn đọc tiểu sử của Steve Jobs, bạn sẽ thấy rất rõ điều đó.

Đó một người đàn ông dành rất nhiều đam mê, tình yêu và sự ngưỡng mộ đối với một sản phẩm mà ông ta đặt tên theo loại trái cây yêu thích - Apple. Jobs yêu sản phẩm của mình rất nhiều, giống như một người mẹ yêu đứa con của mình. Và ông ấy đã hy sinh rất nhiều cho nó vì ông ấy nhận ra rằng đó là cách duy nhất ông ấy có thể "đặt một vết lõm vào vũ trụ".

Jobs đã dành cả cuộc đời của mình để xây dựng Apple. Ông sẽ rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng để có mặt sớm, trước bất kỳ ai khác, tại trụ sở của Apple ở California. Và ông sẽ ở lại văn phòng rất nhiều sau giờ làm việc, để suy nghĩ, tinh chỉnh và củng cố những ý tưởng của mình. Đó là lý do, hầu như ông không về nhà để ăn tối với vợ.

Nói tóm lại, ông đã hy sinh rất nhiều thời gian, sở thích và sức khỏe vì công ty. Nhưng, đổi lại, di sản của ông vẫn còn mãi cho đến ngày nay.

Cho dù bạn đang xây dựng một chiếc iPhone khác hay mới bắt đầu làm freelancer, hãy sẵn sàng chấp nhận đổ cả mồ hôi và máu cũng như cuộc sống riêng tư để đạt được mục tiêu.

"Là một nhà chuyên gia marketing trong thời đại công nghệ số và blogger, tôi nhận ra rằng để trở thành một chuyên gia, tôi cần phải viết mỗi ngày. Vì vậy, tôi hy sinh gần như hoàn toàn cuộc sống riêng của mình. Tôi tự nhốt mình trong phòng - vợ tôi ghét điều đó - và không làm gì ngoài việc viết.

Cũng vì vậy tôi có thể làm hài lòng những gì mà Stephen King gọi là "những cậu bé dưới tầng hầm. Đó là cách duy nhất để tôi làm chủ nghề, để tồn tại như một doanh nhân. Và đó là những gì bạn phải làm nếu bạn nghiêm túc về việc trở thành một doanh nhân thành đạt" Dillon Kivo cho biết.

Nếu bạn không sẵn sàng hy sinh cho khách hàng của mình, thì đừng bao gồm thêm từ khóa "thành công" vào kho từ vựng của bạn", Dillon Kivo chốt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại