Sẽ chẳng quá lời nếu ai đó đưa ra nhận định DJ Tommy – tên thật Mai Thế Tùng, hiện đang là một trong những DJ gạo cội hàng đầu Việt Nam. Tên tuổi của anh đã được định vị quá rõ trong suốt 18 năm làm nghề với vô số show diễn lớn nhỏ trên khắp cả nước.
Sự nổi tiếng, tiền tài, danh vọng… cho đến thời điểm này, đối với DJ Tommy có lẽ đã gần đạt tới mức độ viên mãn trong mắt nhiều người. Nhưng cũng giống như bao người thành công khác, chinh phục đỉnh cao chưa khi nào là điều dễ dàng…
Cho đi và trả giá
Vào nghề từ khi nền âm nhạc điện tử nước nhà còn manh mún, thô sơ, ngay từ những bước đi đầu tiên trên chặng đường nghề, Mai Thế Tùng đã gặp nhiều trở ngại.
Nhưng ở thời điểm đó, với sức cháy của tuổi trẻ và niềm đam mê âm nhạc, DJ Tommy luôn biết cố gắng nỗ lực để vượt qua từng chướng ngại vật.
"Thời ấy, mọi thứ ở Việt Nam còn sơ khai lắm, trang thiết bị vừa cũ vừa hiếm, người am hiểu để có thể học hỏi cũng không nhiều. Hầu hết những kỹ năng, kiến thức mà tôi có được đến từ sự mầy mò và tự khám phá…"
Mai Thế Tùng - nghệ danh DJ Tommy
Chọc đúng nghề của một người DJ, Thế Tùng bắt đầu lan man về những câu chuyện liên quan đến công việc. Chỉ tiếc rằng, những chia sẻ của Tommy về nghề DJ có phần "cao siêu" đối với người viết – một kẻ ngoại đạo, giống như anh bầy ra một mê trận.
Nhưng có những chia sẻ từ anh giúp tôi biết rằng, Tommy cũng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được ngày hôm nay.
"Làm công việc này thực sự cũng khắc nghiệt lắm, không đơn thuần chỉ là đứng trên sân khấu ấn mấy cái nút, vài thao tác vặn chỉnh với nhún nhảy là xong được. Bạn cũng phải đánh đổi và cho đi rất nhiều thời gian, sức khoẻ.
Vì thời gian làm việc chủ yếu là buổi tối cho tới đêm muộn, do đó, thói quen sinh hoạt của bạn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, vợ con.
Đến ngày nghỉ lễ, điều đơn giản nhất đó là được nghỉ ngơi cùng, vui chơi cùng con nhỏ cũng trở thành điều xa xỉ vì còn phải đi diễn, phục vụ khán giả nữa.
Và không chỉ đơn thuần là thay đổi thói quen sinh hoạt, đôi tai của bạn sau một thời gian dài bị "tra tấn" với cường độ âm thanh lớn và liên tục cũng sẽ gặp vấn đề. Hơn nữa, việc phải uống nhiều rượu bia cũng làm bào mòn sức khoẻ ghê gớm.
Bạn sẽ thường xuyên đối mặt với những giai đoạn khủng hoảng, căng thẳng trong công việc, điều này cũng khiến cho người DJ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress do thức đêm nhiều.
Thêm nữa là ánh mắt không mấy thiện cảm của người xung quanh khi họ nhìn vào công việc mình vì phải làm việc trong môi trường nhiều nhạy cảm, cám dỗ…"
Từng đó mới là một góc trong mảng tối rộng lớn của nghề DJ mà Thế Tùng có thể chia sẻ nhưng cũng đủ khiến cho tôi cảm thấy ngao ngán cái công việc tưởng chừng an nhàn này.
Những gì nhận được
Lúc này, trí tò mò đã kích thích tôi đưa ra một câu hỏi với Tommy: "Thế có khi nào anh nghĩ tới việc từ bỏ công việc này hay không?" Những gì tôi nhận được đó là cái lắc đầu và một nụ cười, cùng câu nói: "Không bỏ được và cũng không nỡ bỏ".
Câu chuyện tiếp theo của anh, giúp cho tôi hiểu thêm một điều những gì anh nhận lại nó hoàn toàn xứng đáng với những gì đã cho đi, giống như câu chuyện nhân-quả vậy.
"Ôn nghèo kể khổ vậy thôi, thực chất mình còn yêu công việc này lắm. Hạnh phúc là gì? Đó là được làm điều mình thích và rõ ràng là tôi đang hạnh phúc với những gì mình đang có.
Được biểu diễn ở những sân khấu lớn tại nhiều nơi trong và ngoài nước (Đức, Anh, Ba Lan, Thuỵ Điển, Nga…), được gặp gỡ và kết nối với nhiều người bạn, đó rõ ràng là một điều tuyệt vời mà công việc này mang lại cho tôi.
Được cảm nhận niềm vui của khán giả từ chính những sản phẩm mình làm ra, đó đương nhiên là một niềm hạnh phúc mà bất kỳ người làm nghệ thuật nào cũng mong muốn.
Công việc này cũng dạy cho bạn nhiều kỹ năng sống khác trong việc giao tiếp, "đọc vị" khán giả cũng như các mối quan hệ, mang lại cho mình nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Ngoài ra, nếu bạn là mẫu người thích trở thành trung tâm của mọi sự chú ý và thu nhập tốt, DJ là một nghề không tồi để bạn có thể lựa chọn. Một điều nữa giúp tôi thêm yêu công việc này đó chính là nhờ nó mà tôi được gặp gỡ, yêu và cưới người vợ của tôi – Vũ Thảo Hà.
Và dù sao đi nữa, bắt đầu vào nghề bằng niềm đam mê, sở thích, dần dần nó trở thành công việc, thành nghề và sau cùng là cái nghiệp sẽ theo mình mãi. Tôi chưa biết khi nào mình mới dừng công việc này, nhưng chắc chắn là sẽ còn lâu nữa".
Tre già rồi thì măng phải mọc
Ở phần kết của câu chuyện, Mai Thế Tùng cũng chia sẻ nhiều điều về những kế hoạch tương lai. Anh hiểu rằng, sau 18 năm làm nghề, mình đã trở thành một thứ gì đó có phần "cũ", thời điểm anh phải nhường lại sân khấu cho lớp trẻ cũng ngày một gần hơn.
"Sau 18 năm làm nghề, tôi cũng dần cảm nhận được rằng, thời điểm mình phải nhường lại sân khấu cho thế hệ DJ trẻ cũng gần hơn. Mình không thể cố bám trụ mãi ở đây được, cũng phải tạo điều kiện cho những người khác nữa.
Vì các bạn trẻ yêu thích công việc này bây giờ cũng giống như mình ngày trước và nếu không được trao cơ hội thì làm sao mình có được ngày hôm nay. Và đây cũng là quy luật ở xã hội, tre già rồi thì măng phải mọc.
Bây giờ cũng có nhiều bạn trẻ sở hữu khả năng thẩm âm tốt và có niềm đam mê với công việc DJ. Cái họ cần đó là cơ hội và một người hướng dẫn để có thể phát triển một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Cũng bởi lẽ đó, tôi cũng đang dần chuyển hướng công việc của mình sang hướng đào tạo. Giống như trong bóng đá vậy, khi bạn đã cũ và đã già, bạn có thể chuyển sang nghề làm huấn luyện viên. Tất nhiên, thành công đến đâu còn tuỳ thuộc vào năng lực của mỗi người…"