Sức nóng hừng hực của World Cup cũng không làm giảm nhiệt quá nhiều sự trở lại của Vua cafe Việt, sau 5 năm ẩn cư thiền định "trên núi thiêng M’drak".
Hình ảnh và thông điệp khác lạ của ông Vũ, đã phát đi những thông điệp rất quan trọng, không chỉ với Trung Nguyên mà còn với thị trường cafe Việt Nam.
Đầu tiên sự xuất hiện ấy đã làm rõ một phần những đồn đoán về sức khỏe của ông. Nhìn tác phong đĩnh đạc, thần thái tươi cười, có thể nói: Sức khỏe thể chất không là phải vấn đề đối với Vua cafe Việt. Tuy nhiên tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Trung Nguyên, thì có sự đột biến lớn so với 5 năm trước.
Điều nổi bật không khó để nhận ra là nội hàm "vĩ đại" xuất hiện xuyên suốt trong hành xử của ông Vũ lẫn thông điệp của Trung Nguyên.
Muốn một tập đoàn trở nên vĩ đại, thì người đầu tiên cần vĩ đại, có lẽ là…ông chủ - nhân vật được thuộc cấp gọi bằng danh từ đặc biệt tôn kính "Người".
Người vĩ đại, có lẽ cũng cần xuất hiện một cách lạ lùng, khác biệt, giữa hai hàng nam nhân cúi thấp đầu, rồi vẫy tay như phong thái vị quân vương.
Sự tái xuất không giống bất cứ ông chủ tập đoàn nào trên thế giới, có vẻ là đề dẫn hợp lý để ông Vũ đề cập đến câu chuyện Trung Nguyên sẽ trở thành tập đoàn khác biệt, duy nhất, vĩ đại và thống ngự hoàn toàn thế giới, trong bài phát biểu vỏn vẹn 6 phút của mình.
Sự vĩ đại ấy được MC buổi lễ giới thiệu: Chủ tịch Vũ đã được đón nhận Mặc khải. Theo từ điển, Mặc Khải có nghĩa là mở ra một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. Đón nhận Mặc Khải là được Thượng đế (hoặc Chúa) trao truyền cho những hiểu biết vượt lên trên tầm lý trí của con người.
Chính ông Vũ, trong bài nói của mình, cũng khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải thông suốt cho mọi vấn đề trong thế giới này.
Có lẽ điều này hé lộ phần nào việc Vua cafe Việt tự xưng là "Qua" – từ khiến cư dân mạng dậy sóng. "Qua" là từ ngày xưa người Nam Bộ dùng để chỉ ngôi thứ nhất, xác định mình là bề trên.
Ông chủ vĩ đại thì tập đoàn phải vĩ đại. Hình ảnh tương lai của công ty, được ông Vũ dùng một từ rất tinh tế, đúng "phong cách quân vương" của ông: Trung Nguyên sẽ "thống ngự" thế giới (chứ không chỉ là "thống trị").
Nhưng sự "vĩ đại" của Trung Nguyên, với ông Vũ, không chỉ dừng ở chuyện kinh doanh, dù mục tiêu kinh doanh ấy vô cùng lớn đối với một doanh nhân Việt, đó là: "tầm nhìn 20 tỷ đô la cho cà phê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng".
Nó cũng không chỉ dừng lại ở chỗ biến Trung Nguyên thành một tập đoàn "khác biệt, đặc biệt, duy nhất so với mọi tập đoàn khác trên thế gian này".
Đó còn là tham vọng khổng lồ hơn nhiều: "Góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ; xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần". Đó là tham vọng "kiến tạo nên một dân tộc siêu Việt, hình mẫu".
Tham vọng ấy thể hiện rõ nét nhất điều mà ông Vũ khẳng định sau 5 năm thiền định: Đã có lời giải cho mọi vấn đề trên thế giới này.
Tham vọng "vĩ đại hóa Trung Nguyên" đã được cụ thể hóa từ những việc nhỏ và vừa. Đó là công cuộc tặng hàng triệu cuốn sách đổi đời cho sinh viên, được định danh: Hành trình lập chí vĩ đại – khởi nghiệp kiến quốc.
Đó là bước chuyển slogan từ cafe khơi nguồn sáng tạo, Cafe giàu có và Hạnh phúc, đến Cafe năng lượng, cà phê đổi đời.
Đó là hình ảnh của những vĩ nhân: Napoleon, Honore de Balzac…xoay quanh hộp café Trung Nguyên trong các lip giới thiệu. Đó là hình ảnh rất nhiều xe siêu sang, đẳng cấp xuất hiện bên cạnh hộp cafe sành điệu, trong những quảng cáo lớn và những thông điệp có nhiều chữ "tuyệt phẩm", "chí cả", "dẫn dắt", "trí huệ".
Trong số những cuốn sách mà Trung Nguyên hay tặng đối tác và sinh viên trong Hành trình lập chí vĩ đại, có tác phẩm "Từ tốt đến vĩ đại".
Trung Nguyên, với khát khao chinh phục và phụng sự, với dấu ấn đã ghi được trên thương trường và lòng người, chắc chắn là một công ty tốt. Nhưng con đường đến vĩ đại, trước hết với tầm nhìn 20 tỉ đô cho café Việt Nam, còn rất xa và đầy thử thách.
Cách đây 5 năm, Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo bão khi chê ông lớn thế giới Starbucks: "Những gì Starbucks đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê mà bán nước có mùi cà phê pha với đường".
Và ông chủ Trung Nguyên muốn tấn công đối thủ khổng lồ ấy không chỉ ở mảnh đất hình chữ S, mà ở ngay "hang ổ" của họ: Mỹ, Âu, Singapore...
Từ đó đến nay, khi ông lớn cafe "thống ngự toàn cầu" Starbucks đã bành trướng tới quán cafe thứ 35 ở Việt Nam, (trong tổng số 28.000 quán tại 77 quốc gia với 150.000 nhân viên), thì giấc mơ Mỹ của Trung Nguyên vẫn chưa thành hiện thực.
Không những thế, quán cafe Trung Nguyên tại Singapore đã đóng cửa và giấc mơ từ năm 2013 bị chững lại ít nhiều: "Năm 2013, Trung Nguyên xác định bước ra thị trường thế giới, mà trước hết, chúng tôi sẽ tham gia vào thị trường ASEAN và coi đây như là thị trường nội địa" - ông Vũ đã từng phát biểu.
Cuộc chiến phát ngôn, pháp lý về quyền điều hành và ly hôn của vợ chồng Vua cà phê, với nhiều lệnh phong tỏa tài sản, phân xử con dấu, cùng với sự vắng bóng 5 năm của "linh hồn Trung Nguyên", chắc chắn đã làm suy yếu một Trung Nguyên đang đà phát triển và hạn chế ít nhiều những tham vọng toàn cầu của đế chế này.
Trong khi đó, năm 2017, Starbucks đạt 22,4 tỷ USD doanh thu, gần 2,9 tỷ USD lợi nhuận ròng.
Từ 2013, Trung Nguyên đã đặt ra mục tiêu: Đến 2016 đạt doanh thu 1 tỷ USD. Thực sự thì sao? Đến 2016, Trung Nguyên có hơn 80 cửa hàng và doanh thu thực mới đạt 3.813 tỉ và lợi nhuận đạt 768 tỉ đồng.
Như vậy con đường đến tầm nhìn 20 tỉ đô còn phải bước qua rất nhiều chướng ngại vật khổng lồ.
Nhưng xin nhấn mạnh một điều: Tất cả những tuyên bố, nhận định nói trên, đều là chuyện cũ, chuyện trước khi ông Vũ thiền định trên núi, trước khi ông tuyên bố tìm ra mọi giải pháp cho thế giới này.
Lần tái xuất sau 5 năm, rất nhiều thứ có vẻ đã thay đổi.
Năm 2013, ông Vũ nhận định Starbucks là "người khổng lồ không có bản sắc", "cafe không phải là cafe", "sự tồn tại của Starbucks chỉ là vấn đề thời gian. Họ sẽ bị các thế lực khác thay thế" khi "đánh mất linh hồn là cafe".
Thời đó, có vẻ ông Vũ chưa hiểu rõ giá trị về người khổng lồ mà ông tự coi là đối thủ. Starbucks không chỉ bán café, họ bán cả không gian gây nghiện và các giá trị tinh thần khác.
Lần trở lại này, có vẻ như nhà sáng lập Trung Nguyên đã thấu hiểu hơn: Để trở thành khổng lồ như Starbucks, cafe không phải là tất cả.
Ông dạy thuộc cấp ở Trung Nguyên: "Ngoài những sản phẩm tuyệt hảo, tuyệt phẩm ra thì nó còn mang lại lợi ích từ mặt xã hội, từ mặt tinh thần, toàn diện".
Trong thông điệp đăng trên trang của Trung Nguyên một ngày sau khi tái xuất, ông Vũ nhấn mạnh một lần nữa: Trung Nguyên không bán café như một hoạt động kinh doanh đơn thuần.
"Với tôi, kinh doanh không phải là chuyện mua bán tầm thường; đó là sự thu phục nhân tâm. Khi có được lòng người, đúng với lòng trời, thì kinh tài mới thiện lành, bền vững" – ông viết.
Để làm được điều này, ông yêu cầu "các anh chị em phải làm cuộc cách mạng chính mình, cách mạng gần như toàn diện, đổi thay gần như mọi thứ chúng ta định vị, hoàn toàn không còn gì như anh chị em đang nghĩ, đang làm nữa".
Buổi tái xuất của ông Vũ, được đón nhận theo nhiều cách. Không chỉ người nước ngoài tham dự mà ngay cả người Việt, cũng cảm thấy rất kỳ lạ và đặt ra với nhau nhiều câu hỏi.
Nhiều ý kiến lo lắng cho tư tưởng, tham vọng của ông Vũ và Trung Nguyên. Nhưng quan sát kỹ, thì tư tưởng và tham vọng ấy, vẫn là bước tiếp nối, nhưng ở mức cao hơn rất nhiều, khát vọng trước đó.
Ngay từ khi chưa thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ quan tâm đến kinh doanh và cafe. Ông gặp gỡ nhiều trí thức, nhà khoa học, nhà văn hoá, đại biểu QH, quan chức. để bàn về vận mệnh quốc gia, chấn hưng đất nước.
Ông cũng viết sách và gửi kế sách đến nhiều người, nhiều nơi. Dù một số người khuyên ông nên tập trung hơn vào kinh doanh để phát dương niềm tự hào cafe Việt, nhưng nhiều người khác lại cổ vũ và trân trọng tâm huyết ấy.
Từ năm 2013, trả lời trên BBC ông Vũ đã nói: "Tôi muốn làm lãnh đạo cafe thế giới". Sau 5 năm, thông điệp ấy được lặp lại với một quyết tâm cao hơn.
Trên thế giới, không thiếu những doanh nhân coi trọng tâm linh hoặc đưa tâm linh vào triết lý kinh doanh. Họ có thể thành công hay thất bại, nhưng đa số đều hướng đến những điều lành thiện. Các thông điệp của ông Vũ và Trung Nguyên, từ trước tới nay, đều nhất quán với đường hướng này.
Thông điệp "vĩ đại" của ông Vũ khiến một số người hoang mang: "Chúng ta hãy chờ xem ông Vũ kết hợp thế nào giữa vai trò của một thủ lĩnh tâm linh với một doanh nhân trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt như cafe. Cá nhân tôi thấy vô cùng nan giải" – một chuyên gia trong lĩnh vực cafe nói.
Một số người khác lại cho rằng đó là một chiến lược cao siêu: Biến cafe thành Đạo. Suy tôn chủ tịch thành thủ lĩnh tâm linh, "giáo chủ". Biến nhân viên Trung Nguyên thành người hành đạo và muốn biến cả tỉ người trên thế giới thành tín đồ cafe Việt.
"Người ta có nhiều công thức để thành công. Cho dù ông Vũ tái xuất rất khác lạ, nhưng biết đâu sự khác lạ ấy sẽ thành công. Nếu chúng ta cứ làm mọi việc theo con mắt người thường, thì không thể trở thành vĩ đại"– một nữ doanh nhân vừa khởi nghiệp nhận xét.
Đồng quan điểm này, chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân kiến giải: "Khi Anh ấy im lặng tuyệt đối trong cơn bão, mình đã khẳng định đó không phải là "tẩu hoả nhập ma vì tu thiền 49 ngày" mà chỉ đơn giản là anh ấy đã đạt định, tịnh khẩu.
Giờ anh ấy xuất hiện với tư duy vĩ cuồng, như hầu hết mọi vĩ nhân đều thế. Anh ấy đi nhanh hơn chúng ta, nên đôi khi ta không hiểu nổi.
Lập chí kiến quốc. Đưa Cafe trở thành Đạo. Đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu. Chúc Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ thành công".
Đúng 10 năm trước, cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" do GS.TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS Phạm Hồng Tung chủ biên được xuất bản và gây bão khi xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ vào hàng vĩ nhân nước Việt.
Dư luận đã phản ứng dữ dội vì khi ấy, dù đã thành công vang dội, ông Vũ cũng khó chen chân vào ngôi đền đẳng cấp đó.
Nhưng biết đâu 10, 20, 30 năm nữa, mọi chuyện sẽ thay đổi nếu Trung Nguyên và ông Vũ hiện thực hoá giấc mơ "thống ngự toàn cầu"?
"Khát vọng vĩ đại tạo ra con người vĩ đại" – ông Vũ viết. Ông muốn những người Trung Nguyên phải thay đổi sâu sắc, thay đổi hoàn toàn để chinh phục giấc mơ vĩ đại. Những thay đổi lớn phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ.
Một ngày sau khi ông Vũ xuất hiện, trên facebook cá nhân, vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo viết một status ngắn về ngày của cha:
"Hôm qua, mọi người đều nhìn thấy anh đã xuống núi, đã xuất hiện và nói đôi điều với nhân viên, với đối tác, với khách hàng, với báo chí…trừ gia đình.
Hôm nay, các con nhờ mẹ gửi lời chúc tới ba nhân Ngày của Cha. Các con xem hình ba trên mạng rồi hỏi mẹ: Trong clip này, ba nói ba "đã có mọi giải pháp, mọi câu trả lời, mọi thứ sau 5 năm lên núi". Vậy ba có giải pháp, có câu trả lời gì cho gia đình ta không mẹ?
Mẹ khóc".
Tôi chắc chắn rằng nhiều triệu người Việt mong nhìn thấy một Trung Nguyên thống ngự toàn cầu và ông chủ của nó trở thành doanh nhân vĩ đại.
Nhưng chắc chắn cũng có không ít người chờ một Đặng Lê Nguyên Vũ giải thành công một bài toán nhỏ hơn nhiều chuyện xây một đế chế: mâu thuẫn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Việc tiến tới tầm nhìn 20 tỉ đô khó hơn rất rất rất rất nhiều việc ngồi xuống nói chuyện và hóa giải uẩn ức của một người đàn bà, xét về mặt pháp lý vẫn là vợ mình, thực tế vẫn là mẹ của 4 đứa con mình và đã từng là cộng sự thân tín nhất của mình – người cùng gầy dựng Trung Nguyên từ những ngày gian khó.
Khi tung ra sản phẩm mới, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã có tuyên ngôn lay động: "Dù có phải xới tung trái đất này lên cũng phải làm để tạo ra những tuyệt phẩm cà phê năng lượng ngon nhất thế giới".
Ông cũng muốn những người anh em Trung Nguyên hô lên khẩu hiệu "Đi cùng nhau – không gì là không thể".
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn ở đó, rất gần. Chắc chắn không phải xới tung trái đất mới có thể tìm thấy. Tại sao những con người trong cùng một gia đình lại không thể gặp nhau?
Đó không đơn thuần là cuộc gặp vợ chồng. Đó còn là cuộc gặp của niềm hy vọng của cafe Việt.
Những ai yêu quý Trung Nguyên và luôn hy vọng ở Trung Nguyên, muốn cái tên của đế chế cafe Việt này được xướng lên ở những nơi sang trọng nhất trên thế giới, bên những câu chuyện đầy năng lượng và đổi đời, chứ không phải trên phiên tòa tranh chấp mà cả hai bên đều thua thiệt.