Tối hôm đó, nhà Muhammad Kamran mất điện, trong khi nhiệt độ ngoài trời hơn 38 độ C. Bốn cô con gái nhỏ của anh nóng không ngủ được và cứ khóc. Tiếng khóc của bọn trẻ có thể khiến gia đình anh gặp nguy hiểm, vì vậy Kamran phải hết sức dỗ dành, vừa đọc sách, vừa quạt mát để con ngủ.
Kamran, từng là phiên dịch viên của quân đội Mỹ, đã phải bỏ trốn cùng gia đình từ quê hương Afghanistan sang Pakistan do mối đe dọa từ cả Taliban và dân làng. Gia đình anh hiện đang sống bất hợp pháp và chỉ sợ bị phát hiện, trục xuất về Afghanistan, nơi mà Kamran tin rằng sẽ phải đối mặt với cái chết.
Giấc mơ nhập cư Mỹ
Kamran trở thành phiên dịch cho quân đội Mỹ khi mới 18 tuổi vì anh muốn làm điều gì đó tốt cho Afghanistan. Sau hơn 10 năm sống và làm việc cho quân đội Mỹ, hiện giờ, anh là một trong hàng nghìn phiên dịch viên bị bỏ lại và đang gặp nguy hiểm vì phục vụ người Mỹ.
Luật thông qua vào năm 2008 được cho là sẽ tạo điều kiện cho các phiên dịch và thông dịch viên phục vụ quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan bằng cách cấp cho họ Thị thực nhập cư đặc biệt (SIV). Nhưng do lệnh cấm du lịch của Tổng thống Donald Trump và sự sụp đổ của chương trình SIV của Iraq, hàng nghìn phiên dịch viên quân sự đã bị bỏ rơi.
Vào tháng 9-2019, sự an toàn của họ lại một lần nữa bị đe dọa khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, đồng nghĩa với việc các phiên dịch sẽ đối mặt với rủi ro. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên cảnh giác khi tin là Taliban sẽ bảo vệ những người này” - Adam Bates, luật sư của Dự án Hỗ trợ người tị nạn quốc tế (IRAP), đại diện cho các cựu dịch giả quân sự Mỹ nói. Nhiều người cho rằng, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã chối bỏ lời hứa đối với các đồng minh thời chiến như Kamran.
Trong khi đó, tại Wilmington, Delaware (cách Pakistan khoảng 11.000 km), cựu phiên dịch viên người Afghanistan Sadiq M. đã ổn định với cuộc sống bên cậu con trai mới sinh. Anh đã làm việc cho quân đội Mỹ 7 năm và cũng tin rằng mình đang làm điều gì đó tốt cho đất nước. Nhưng sau đó, vợ và cha anh bị đe dọa vì những gì anh đang làm. Do đó anh đã nộp đơn xin SIV. Thông thường, quá trình này kéo dài khoảng 3 năm. Sadiq, vợ Maryam và 2 con gái đã đến Mỹ hơn 2 năm về trước. Họ đã có nhà, có xe, con cái được học hành đầy đủ và quan trọng nhất là cảm giác an toàn.
Câu chuyện của Sadiq và Kamran rõ ràng là có sự tương phản. Kamran, hiện 35 tuổi, trong 4 năm qua đã cố gắng xin visa Mỹ, nhưng các đơn của anh đều bị từ chối vì những “lo ngại về an ninh” không xác định. Dịch vụ Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cũng từ chối đơn đăng ký cho con gái anh, lúc đó mới 4 tuổi.
“Quay lưng với những người phiên dịch thực sự khiến quân đội của chúng ta gặp nguy hiểm. Bởi các đối tác đáng tin cậy ở các quốc gia chúng ta tham chiến đóng vai trò rất quan trọng trong sự sống còn và thành công của chúng ta. Tôi nghĩ, đây là trò chơi chính trị với chính an ninh quốc gia và với mạng sống của lính Mỹ”.
Hạ nghị sỹ Mỹ Seth Moulton
Mỗi ứng viên SIV đều phải chứng minh họ đã làm việc cho quân đội Mỹ ít nhất 2 năm, sau đó phải trải qua thủ tục đăng ký gồm 14 bước. Pháp luật yêu cầu những thị thực này được xử lý trong 9 tháng. Nhưng với quy trình của Bộ Ngoại giao Mỹ, thủ tục phải mất ít nhất 1,5 năm.
Khi được hỏi về sự tồn đọng và chậm trễ này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết: “Bộ Ngoại giao Mỹ tôn trọng những người đã chịu rủi ro lớn để hỗ trợ các nhân viên quân sự, dân sự của chúng tôi ở Afghanistan và Iraq. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của Chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề và tăng tốc xử lý đơn xin cấp thị thực SIV. Nhưng duy trì an ninh quốc gia vẫn là ưu tiên cao nhất”.
Chỉ biết chờ đợi và… chờ đợi
Theo dữ liệu được Quốc hội Mỹ công bố vào ngày 8-3-2019, có 1.649 người Afghanistan đã được cấp thị thực dạng SIV vào năm 2018, giảm 60% so với năm 2017. Trong khi đó, chương trình SIV của Iraq đã đóng vào năm 2014, sau đó IS bắt đầu đánh chiếm lãnh thổ Iraq. Hiện tại vẫn còn khoảng 200 ứng viên người Iraq chờ cấp thị thực SIV.
Barakat Ali Khalaf là một trường hợp điển hình như vậy. Khalaf, một ca sĩ nổi tiếng người Yazidi, làm phiên dịch ở Iraq trong khoảng 4 năm. Sau khi Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2010, Khalaf trở về quê nhà ở Sinjar. Anh đang làm cho một cửa hàng sách thì IS tấn công và buộc phải đưa gia đình di tản. Vợ anh hiện bị sỏi thận và một trong những cô con gái của anh bị liệt vì bại não. Sinjar đã bị IS phá hủy, gia đình Khalaf không còn nhà để trở về. Anh đã chờ được duyệt đơn xin cấp thị thực suốt 3 năm mà chưa thấy phản hồi.
Với một số người, câu trả lời “cần kiểm tra thêm” dường như là vô tận, khiến họ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Như Mike Ranger, một người Iraq theo Thiên chúa giáo đã nộp đơn xin SIV vào năm 2013, trước khi chương trình kết thúc và được chấp thuận vào năm 2016. Anh đã bán tất cả mọi thứ để gia đình chuẩn bị chuyển đến Mỹ. Nhưng chỉ 1 tuần sau, anh nhận được thông báo rằng hồ sơ của anh quay lại ở chế độ “đánh giá an ninh” và đến nay nó vẫn đang được xem xét.
Gia đình của những người đã phục vụ binh sỹ Mỹ ở vùng chiến sự cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực không kém. Wisam và Khalid al-Baidhani là 2 anh em cùng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ vào đầu những năm 2000. Một đêm, Khalid bị trúng đạn khi vừa rời căn cứ Mỹ khiến mắt và tai trái không còn nghe nhìn được nữa, sau đó anh hồi phục và tiếp tục trở lại làm việc. Trong khi đó, Wisam nhận được lời đe dọa là một viên đạn bọc trong tờ giấy có dòng chữ: “Đây sẽ viên đạn dành cho mày nếu còn tiếp tục làm việc cho Mỹ”. Chú của 2 người cũng là một thông dịch viên và đã bị giết. Thi thể ông sau đó bị ném vào thùng rác.
Wisam và Khalid đã đến Mỹ nhưng trước đó gia đình họ bị mắc kẹt ở Iraq suốt 10 năm. Năm 2016, gia đình họ được chấp thuận tái định cư. Nhưng đêm trước khi rời khỏi Iraq, thị thực của họ đã bị thu hồi và từ chối. Kể từ đó, Bộ An ninh Nội địa không có bất kỳ hành động bổ sung nào. Các thành viên của Quốc hội đã lên tiếng về vụ việc liên quan đến gia đình Baidhani vì họ cho rằng Mỹ không tôn trọng lời hứa đối với thông dịch viên quân sự.
Trở lại với gia đình Kamran, đã có lúc anh nghĩ đến việc ra hàng Taliban hoặc cảnh sát Pakistan để bảo vệ gia đình. Nhưng anh biết, họ sẽ vẫn phải đối mặt với rủi ro. Với những thông dịch viên này, họ từng là cầu nối giữa quân đội Mỹ và người dân bản địa. Nhưng hiện cuộc sống của họ bị đe dọa, phải đối mặt với tương lai vô vọng và mong ước duy nhất chỉ là gia đình được sống yên ổn.
Rủi ro cho lính Mỹ ở nước ngoài
Hệ lụy của câu chuyện này còn là những binh sỹ được điều động tới các điểm nóng ở nước ngoài. “Chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta lại cử quân đội tới đâu đó và nhờ người dân địa phương giúp đỡ, nhưng họ nhận ra những người từng giúp lính Mỹ trước đây đã bị quay lưng và làm ngơ” - Hạ nghị sỹ Steve Stivers bức xúc nói.
Dân biểu của đảng Dân chủ ở Massachusetts, ông Seth Moulton cũng có chia sẻ quan điểm này. Cả ông Moulton và Stivers đều là những cựu chiến binh từng phục vụ trong chiến tranh Iraq, nơi họ tận mắt chứng kiến công việc của những thông dịch viên đáng giá thế nào. Riêng Moulton đã cưu mang người phiên dịch Iraq của mình là Mohammed khi anh ta gặp khó khăn trong thời gian xin tị nạn ở Mỹ.
Ông Moulton nhấn mạnh, bất kể Mỹ điều quân đến đâu, họ đều cần đến đồng minh sống ở khu vực đó. “Quay lưng với những người phiên dịch thực sự khiến quân đội của chúng ta gặp nguy hiểm. Bởi các đối tác đáng tin cậy ở các quốc gia chúng ta tham chiến đóng vai trò rất quan trọng trong sự sống còn và thành công của chúng ta. Tôi nghĩ, đây là trò chơi chính trị với chính an ninh quốc gia và với mạng sống của lính Mỹ” - Hạ nghị sỹ Moulton nói.
Link gốc bài viết tại đây.