Những thói quen tưởng tiết kiệm nhưng lại lãng phí của người trẻ

Tô Diệp |

Những kinh nghiệm đắt giá trong câu chuyện tiết kiệm tiền của người trẻ.

Nhiều người trẻ hiện đang khá vật lộn trong công cuộc tìm cách kiểm soát chi tiêu, sống tiết kiệm hơn. Đặc biệt với những người 25 tuổi, dù đã có vài năm sống tự lập, họ vẫn thường chi tiêu khá lãng phí. Thậm chí, một số người có những lần "rút ví" cho rằng nó rất tiết kiệm nhưng trên thực tế lại vô cùng lãng phí.

Sắm rất nhiều đồ dự trữ trong nhà

Những thói quen tưởng tiết kiệm nhưng lại lãng phí của người trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Ngọc Hà (Hà Nội) được bạn bè nhận xét là người thường xuyên "quay cuồng" với công việc. Do vậy, Ngọc Hà không thể dành nhiều thời gian để chăm sóc cho cuộc sống cá nhân bao gồm chuyện nhà cửa.

Mỗi khi đi mua sắm ở siêu thị, cô bạn thường sẽ mua đủ thực phẩm cho 2 tuần. "Nếu là đồ tươi sống, mình sẽ mua về rồi cấp đông để dùng dần. Mình cũng mua rất nhiều hoa quả và rau củ cho 2 tuần. Tuy nhiên, vì mua số lượng lớn sẽ được giảm giá nên mình thường mua nhiều hơn so với khẩu phần ăn. Hơn thế nữa, công việc quá bận, nhiều hôm mình không có thời gian ăn ở nhà, cuối cùng một nửa thực phẩm bị hư hỏng".

Ngoài ra, Ngọc Hà thích mua đồ theo combo, sắm những món đồ đang giảm giá hoặc được tặng hàng đính kèm. Tưởng chừng như vậy sẽ tiết kiệm hơn vì mua được nhiều sản phẩm với giá hời. Song, phần lớn các món đồ này sẽ bị lãng quên theo thời gian do không có nhu cầu dùng đến. Hoặc cho đến ngày cần chúng, Ngọc Hà không thể nhớ được đã để những món đồ đó ở đâu.

"Mình đang tập luyện thói quen không mua đồ quá nhiều. Thật sự điều này khá khó vì lúc nào mình cũng có cảm giác mua nhiều đồ sẽ được chiết khấu lớn, và những sản phẩm có hàng tặng kèm cũng khiến mình thấy vui vì 'tranh' được một món hời. Mình đã từng cho rằng đây là những khoản chi khôn ngoan, nhưng trên thực tế nó lại vô cùng lãng phí. Do vậy, mình đang cố gắng kiểm soát cảm xúc và mua sắm lí trí hơn".

Tự làm một số đồ dùng trong nhà

Những thói quen tưởng tiết kiệm nhưng lại lãng phí của người trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Uyển Nhi (TP Hồ Chí Minh) có sở thích dùng nến thơm. Đầu năm nay, do vừa mới nghỉ việc có nhiều thời gian rảnh rỗi, Uyển Nhi đã quyết định tự làm nến thơm. "Mình là một người rất nghiện mùi thơm, đặc biệt thích nến thơm vì nó giúp mình thư giãn. Hiện nay giá của 1 lọ nến thơm dao động 200-500 nghìn tuỳ kích cỡ cũng như nhãn hiệu, khá đắt khi mà mỗi tháng mình dùng hết trung bình khoảng 2 lọ. Do vậy, khi thấy nhiều người chia sẻ rằng mua nguyên liệu về tự làm nến thơm sẽ rẻ hơn rất nhiều, mình đã quyết định làm thử".

Lúc đó, Uyển Nhi mua khá nhiều nguyên liệu làm nến thơm cũng như đồ vật trang trí vì cô nghĩ rằng nếu thành công có thể đem tặng bạn bè. Bên cạnh đó, cô bạn cũng là một người ưa thích cái đẹp nên mong muốn lọ nến thơm mang dấu ấn cá nhân.

Tuy nhiên, là một người không quá cẩn thận cũng như thiếu kiên nhẫn, Uyển Nhi đã nhanh chóng bỏ cuộc vì việc tự làm nến thơm quá phức tạp. Điều đó cũng có nghĩa là toàn bộ số nguyên liệu và đồ trang trí Uyển Nhi đã mua trước đó coi như là hoàn toàn lãng phí. "Thật sự khi mình mua nguyên liệu về làm nến thơm, mình rất hào hứng vì nghĩ rằng bản thân sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Với khoảng 1 triệu, mình có thể làm 8-9 lọ nến thơm theo lời của người bán hàng, rẻ hơn rất nhiều so với đi mua nến thơm ở ngoài. Tuy nhiên, quả thực đối với những đồ dùng trong nhà, nếu không có chuyên môn thì đi mua ngoài sẽ hợp lý hơn. Vì mua nguyên vật liệu về rồi không dùng đến thật sự quá lãng phí".

Mua đồ công nghệ đã qua sử dụng

Những thói quen tưởng tiết kiệm nhưng lại lãng phí của người trẻ - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Khánh Linh (nhân viên văn phòng, Hà Nội) khi vừa mới ra trường đã mua 1 chiếc laptop cũ phục vụ cho công việc. "Chiếc laptop mình dùng thời đại học đã quá cũ rồi, chỉ cần mở khoảng 4-5 tab là có dấu hiệu bị đơ, phải tắt nguồn khởi động lại. Thời đó, mình thường sử dụng excel nên đã nhiều lần bị mất file vì không kịp lưu, quá bất tiện. Sau đó, ra trường đi làm công ty không cấp máy tính nên mình đã quyết định đổi laptop".

Tuy nhiên, thời điểm đó ngân sách còn hạn chế, xem một số review trên mạng cũng như nghe lời khuyên từ bạn bè, Khánh Linh đã quyết định mua một chiếc máy tính cũ. Với số tiền 11 triệu, nếu lựa chọn laptop mới, cô bạn chỉ có thể mua 1 chiếc máy có hệ điều hành khá thấp. Vì sợ không đáp ứng được khối lượng công việc, Khánh Linh mua 1 chiếc máy mới 85% có hệ điều hành cao hơn, tốc độ xử lý cao.

"Song, có lẽ bởi vì mình đã không kiểm tra laptop kỹ càng trước khi mua nên sau 9-10 tháng sử dụng, máy tính của mình bắt đầu có hiện tượng bị đơ. Mình đã phải chi một số tiền khá lớn để sửa chữa nó, nhưng cũng chỉ dùng thêm được 1 năm. Mình đã đổi laptop mới vào năm ngoái. Với số tiền 11 triệu ban đầu cùng khoản chi phí sửa chữa máy tính, mình đã có thể mua 1 chiếc tốt hơn. Do vậy, mình cảm thấy khá tiếc nuối với quyết định mua máy tính cũ".

Khánh Linh chia sẻ rằng thời điểm mua laptop cũ, cô đã nghĩ rằng đây là khoản chi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau này cô bạn nhận ra rằng khi mua đồ công nghệ thì cần cẩn thận hơn bởi vì điều này khá "may rủi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại