82 tuổi, tự chống nạng, lái xe đi thi
Thí sinh lớn tuổi nhất kỳ thi chống nạng rời điểm thi. Ảnh: Trọng Tài
Thí sinh lớn tuổi nhất trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay có lẽ là ông Nguyễn Huy Kỳ, sinh năm 1940 (82 tuổi). Ông dự thi tại điểm THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Sau khi hoàn thành 2 môn thi Lịch sử, Địa lý trong tổ hợp môn Khoa học xã hội, ông Kỳ rời phòng thi khá muộn bởi chân đi tập tễnh, phải chống nạng. Buộc chặt cây nạng phía sau xe, túi đựng đồ cá nhân phía trước ông cụ vui vẻ rời điểm thi, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với 4 môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý để xét tốt nghiệp. “Đề thi môn Toán khó, tôi làm hết nhưng không chắc đúng được nhiều. Riêng Lịch sử và Địa lý, có độ khó trung bình, tôi hoàn thành 100%”. Nếu đỗ tốt nghiệp, sắp tới tôi học tiếp lên Trung cấp Y học Cổ truyền để theo đuổi nghề gia truyền của gia đình”, ông nói.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông cho biết, năm 1958, ông tốt nghiệp THCS, không có điều kiện học lên lớp 10, rồi đi bộ đội bị thương, phải cắt cụt một chân. Chỗ chân bị cụt nay đã được lắp chân giả để đi lại tuy nhiên di chuyển ông vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của nạng. Để dự kỳ thi, ông thức dậy từ 4 giờ sáng, ôn lại bài vở, mặc chiếc áo sơ mi trắng chỉnh tề, ăn sáng rồi một mình lái xe 3 bánh đến điểm thi. “Lo bố tuổi già, thi cử lo lắng, con cái có ngỏ ý đưa đi thi nhưng tôi từ chối. Thường ngày, tôi vẫn đi được, thì đi thi vẫn sẽ tự đi”, ông Kỳ nói.
Trong suốt thời gian học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, ông luôn đi học đúng giờ, để không chỉ hoàn thành năm học mà còn mong muốn thu nhận kiến thức. Lắm lúc mắt kém, đọc chữ thầy cô viết bằng phấn trên bảng mờ nhoà cả đi nhưng ông vẫn không bỏ cuộc.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay ở địa phương có 2 thí sinh lớn tuổi đăng ký dự thi gồm: cụ ông sinh năm 1940 (82 tuổi) và cụ bà sinh năm 1969 (53 tuổi). “Hai thí sinh ở độ tuổi rất cao nhưng vẫn học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng xét tốt nghiệp là những tấm gương về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Vợ chồng, mẹ con dẫn nhau đi thi tốt nghiệp
Vợ chồng anh Rơ Châm Hin và chị Rơ Lan Hoá |
Vợ chồng anh Rơ Châm Hin và chị Rơ Lan Hoá (cùng 47 tuổi) tại điểm thi trường THCS Thị trấn Phú Hoà (huyện Chư Păh, Gia Lai) gây nhiều sự tò mò khi cả hai cùng dẫn nhau đi thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Chị Hoá chia sẻ, bản thân lớn tuổi nên việc ôn lại kiến thức để thi tốt nghiệp THPT rất khó khăn. Hơn nữa, chị vừa làm việc ở trường Mầm non Tuổi Hoa (thành phố Pleiku) vừa làm việc nhà nên thời gian đèn sách cũng bị hạn chế. Để ôn luyện, có khi hai vợ chồng trong bữa cơm cũng nhắc, hỏi bài nhau. “Công việc của tôi đòi hỏi phải có bằng cấp ba, còn chồng thì đi thi cho biết thêm kiến thức thôi. Bởi vậy cả hai vợ chồng cùng học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Chư Păh. Cả hai vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng vượt qua”, chị Hoá chia sẻ. Chị Hoá nhận định, đề Văn vừa sức với bản thân, tuy nhiên đề Toán chỉ mong “đủ điểm”.
Thí sinh Rơ Châm Thi cùng dẫn mẹ đi thi |
Cũng ở điểm thi này, thí sinh Rơ Châm Thi nhận được nhiều chú ý khi dẫn cả mẹ là Rơ Châm HMPer (44 tuổi, giáo viên trường Mẫu giáo 26/3, huyện Ia Grai) cùng đi thi. Cả hai mẹ con cùng đến điểm thi bằng chiếc xe máy đã cũ. “Tuổi cao, việc nhiều nhưng tôi cũng cố gắng ôn bài, vừa cùng con học bài vừa tăng kiến thức cho mình. Nhà mình nhiều con cháu, anh em nên mình muốn có bằng THPT để làm gương cho mọi người”, chị Thi chia sẻ.
Ðảm bảo 5 nguyên tắc
Hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn dẫn đầu Ðoàn kiểm tra số 3 đã kiểm tra công tác tổ chức thi tại Hội đồng thi tỉnh Bình Phước. Tại đây, Ðoàn kiểm tra đã trực tiếp đến 5 điểm thi tại thành phố Ðồng Xoài, huyện Ðồng Phú, huyện Phú Riềng để nắm thông tin thực tế. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD&ÐT Bình Phước cho biết, ngoài công tác chuẩn bị đội ngũ, cán bộ coi thi, cơ sở vật chất một cách chu đáo, UBND tỉnh Bình Phước hỗ trợ 300.000 đồng cho học sinh khó khăn (383 em). Số tiền này được chuyển đến tận tay các em trước khi tham dự kỳ thi. Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn đề nghị Ban chỉ đạo thi của tỉnh nhanh chóng khắc phục những điểm được đoàn công tác góp ý, để thực hiện công tác tổ chức thi tốt hơn không chỉ cho kỳ thi năm nay mà còn kỳ thi năm sau; cần đảm bảo 5 nguyên tắc Nghiêm túc- An toàn- Khách quan-Công bằng và Chất lượng. Trong đó 2 yếu tố an toàn- nghiêm túc là quan trọng nhất.
Dìu thí sinh gãy chân đi thi
Trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi trường THPT Yên Thế xuất hiện hình ảnh cảm động, khiến nhiều thí sinh và phụ huynh đưa con đi thi cảm thấy ấm lòng. Đó là cảnh hai bạn tình nguyện viên dìu một thí sinh đi tập tễnh, với một chân bị bó bột đến phòng thi.
Đó là em Hoàng Huy Hùng quê ở huyện Lạng Giang. Em Hùng đang học hệ THPT tại trường Cao đẳng Miền núi tỉnh Bắc Giang. Qua tìm hiểu, các tình nguyện viên được biết, em Hùng mới bị gãy chân từ 5 ngày trước. Nhà Hùng cách xa điểm thi tốt nghiệp THPT nên em ở trọ gần điểm thi.
Biết được hoàn cảnh của Hùng, đội tình nguyện tại điểm thi trường THPT Yên Thế quyết định cắt cử 3 tình nguyện viên phụ trách hỗ trợ đưa đón Hùng từ chỗ trọ đến điểm thi.
Nữ sinh M’nông 9 Năm chống nạng đến trường
Những ngày qua, hình ảnh nữ sinh với dáng người cao ốm, tay chống nạng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Lê Duẩn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) khiến nhiều người khâm phục. H’Thảo không may bị tàn tật khi gặp tai nạn vào năm học lớp 3.
Thí sinh H’Thảo |
Sau khi ra viện, H’Thảo được bố mẹ thay nhau đưa đến trường học xong lớp 3. Bắt đầu từ năm lớp 4, H’Thảo tập làm quen với chiếc nạng để tự đi học. Do bố mẹ bận đi làm rẫy, ngày ngày, em cuốc bộ gần 2 cây số đi học.
“Em thường đi sớm 1 tiếng trước khi vào giờ học. Chiều em lại một mình chống nạng về, hôm nào mệt quá em không ăn nổi cơm”, H’Thảo chia sẻ và cho biết nhiều lúc tủi thân, cô đơn vì không có bạn bè. Em từng có ý định nghỉ học nhưng được bố mẹ động viên. Cứ thế, suốt 9 năm học, H’Thảo tự mình chống nạng đến trường. Những ngày đi thi tốt nghiệp, em được các anh chị tình nguyện viên thay nhau đưa đón. H’Thảo cảm nhận được tình yêu thương đong đầy. “Các môn thi em đều làm được bài, hy vọng đậu tốt nghiệp. Em đã nộp hồ sơ xét học bạ vào Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng ngành Quản lý nhân lực. Em thấy ngành này khá phù hợp với sức khỏe bản thân. Ngoài ra, em cũng xét tuyển vào ngành Sư phạm âm nhạc tại một trường ở TPHCM”, H’Thảo tiết lộ bản thân đánh được đàn Piano. Những lúc tâm trạng, nữ sinh này lại “làm bạn” với chiếc đàn do một người quen tặng.