Ở phía Tây tỉnh Tứ Xuyên, giữa miền Trung Trung Quốc và Khu tự trị Tây Tạng, tồn tại hàng trăm tháp đá rải rác ở các thung lũng, chân đồi của dãy Himalaya huyền bí.
Mặc dù hiện diện tại đây hàng thế kỷ, nhưng nguồn gốc và mục đích xây dựng những tháp này vẫn còn nhiều bí ẩn, ngay cả cư dân địa phương cũng không biết gì về lịch sử của chúng.
Công trình bí ẩn
Vào năm 1982, nhà thám hiểm người Pháp, Michel Peissel, đang đi du lịch ở Tây Tạng thì tình cờ phát hiện một loạt tháp đá cao nằm rải rác trong các thung lũng của dãy Himalaya dọc biên giới Trung Quốc.
Do bị tai nạn gãy cả hai chân nên Peissel không thể tiếp tục khám phá các công trình bí ẩn kể trên. Tuy nhiên, những năm sau này, ông đã làm một bộ phim tài liệu có giá trị về chúng.
Cho đến năm 1998, người đầu tiên đưa những tòa tháp bí ẩn ra thế giới là nhà thám hiểm người Pháp, Frederique Darragon, bạn của Peissel, khi bà đến Tây Tạng để nghiên cứu loài báo tuyết.
Thay vì tập trung vào loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng kể trên, bà lại bị mê hoặc bởi những cấu trúc cao khoảng 60m này và dành 5 năm tiếp theo để nghiên cứu chúng.
Các tòa tháp nằm rải rác ở khu vực Qiangtang, Gyalrong, Miniak và Kongpo có diện tích gần bằng bang Texas của Mỹ. Bà thống kê, lập bản đồ vị trí, chụp ảnh, thậm chí trèo lên các cấu trúc khi có thể để thu thập các mẩu gỗ từ những thanh dầm để phân tích. Trò chuyện với cư dân sống gần các tòa tháp, bà rất ngạc nhiên khi không người nào biết ai đã xây dựng chúng và với mục đích gì.
Bà tìm đến các tu viện Phật giáo địa phương để được giúp đỡ, nhưng các nhà sư không tìm thấy trong các văn bản cổ có đề cập đến những tháp đá này.
Mặc dù vậy, sau nhiều cố gắng, Darragon đã phát hiện vài tài liệu tham khảo đề cập đến các tòa tháp trong một số biên niên sử của Trung Quốc và trong nhật ký của những du khách châu Âu đến khu vực này vào thế kỷ 19.
Theo đó, một số học giả Trung Quốc vào cuối triều đại nhà Minh (1368 - 1644) đã viết về những tòa tháp ở các vương quốc không còn tồn tại. Nhà thám hiểm người Anh, Isabella Bird (1831 - 1904) đã đề cập đến chúng trong một quyển sách nhưng không đưa ra lời giải thích nào.
Triển vọng phục hồi
Nhà khoa học Frederique Darragon và những người dân Tây Tạng.
Các tòa tháp đá là bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của các nền văn hóa ở những vùng đất xa xôi này và chắc chắn chúng sẽ trở thành điểm đến du lịch. Chúng ta cần bảo vệ các di tích để người dân địa phương được lợi. Nhà khoa học FREDERIQUE DARRAGON
Việc thiếu hiểu biết của người dân địa phương về nguồn gốc của tháp đá có thể do lịch sử đa dạng và địa lý phức tạp của vùng này. Khu vực nơi các tòa tháp được tìm thấy từng bị chiếm đóng bởi các bộ lạc miền núi khác nhau, họ đã duy trì sự cô lập trong nhiều thế kỷ. Do tính chất đa dạng về nơi phát xuất, địa hình chia cắt nơi sinh sống nên họ có ngôn ngữ và phương ngữ rất khác biệt.
“Thậm chí từ thung lũng này sang thung lũng khác, người dân địa phương cũng không thể nói chuyện với nhau”, Darragon nói trong một bộ phim tài liệu có tựa đề “Những ngọn tháp bí mật của dãy Himalaya”, do bạn của bà, Michel Peissel, sản xuất. Bà tin rằng, kiến thức về các tòa tháp trước đây có thể đã được truyền miệng, nhưng giờ đã bị lãng quên do các phương ngữ thay đổi hoặc biến mất.
Những cấu trúc hoành tráng này được xây dựng bằng hỗn hợp đá, gạch, gỗ và có nhiều hình dạng khác nhau, bao gồm hình vuông, hình đa giác và hình ngôi sao tối đa 12 đỉnh.
Dù chứa rất ít vữa nhưng nhờ các tấm ván dầm bằng gỗ nằm xen kẽ giữa các phiến đá, những công trình kiên cố này có thể hấp thụ lực rung chuyển dữ dội đi kèm với động đất. Đặc biệt là cấu trúc hình ngôi sao giúp cấu trúc ít bị chấn động hơn.
Bằng cách xác định niên đại của gỗ trong các tòa tháp bằng kỹ thuật carbon phóng xạ, nhà thám hiểm Darragon xác định những tòa tháp này có tuổi đời từ 600 đến 1.000 năm. Mục đích của các tòa tháp không giống nhau từ thung lũng này sang thung lũng khác.
Ví dụ, ở Miniak, những tháp canh được xây dựng trên vùng đất nông nghiệp trù phú, nơi các tuyến đường thương mại gặp nhau. Chúng có chức năng cảnh báo về các cuộc tấn công. Khi nguy cấp, người ta đốt lửa vào đêm và hun khói vào ban ngày để báo động. Dễ nhận thấy là các tháp đều nằm trong tầm nhìn ở khoảng cách rất xa.
Tại Kongpo và Damba, các tòa tháp là biểu tượng của sự phồn thịnh và niềm kiêu hãnh. Theo một câu chuyện, các tòa tháp được xây dựng bởi những người dân giàu có nhờ buôn bán với người Trung Quốc, lúc đó do Mông Cổ cai trị.
Hiện nay, nhiều tòa tháp trong tình trạng bị bỏ bê và Darragon đang làm việc để đưa chúng vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Điều này sẽ giúp bảo vệ các cấu trúc cổ này và thu hút nguồn quỹ để khôi phục chúng.
Bà Darragon cũng tranh thủ sự giúp đỡ của Đại học Tứ Xuyên trong việc nghiên cứu sâu hơn các kiến trúc cổ trên. Cũng nhờ những nỗ lực của bà, năm 2006, các tháp đá được đưa vào danh sách theo dõi của Quỹ Tượng đài Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo tồn các di sản văn hóa và kiến trúc lịch sử trên Trái đất.
Theo Amusingplanet