Những tác động kinh khủng của đại dịch Covid-19 làm thay đổi thế giới

Mai Trang |

Sau hơn 2 năm, tính tới nay, toàn cầu ghi nhận hơn 535 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 6,3 triệu ca tử vong do đại dịch. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động, ảnh hưởng lớn và thay đổi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, y tế, quốc phòng…

Chính trị

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hệ thống quản lý và chính trị của nhiều quốc gia. Điều này gây ra sự gián đoạn các hoạt động lập pháp, các cuộc bầu cử phải hoãn do lo ngại virus SARS-CoV-2 lây lan.

Covid-19 đã làm thay đổi tỷ lệ ủng hộ của chính phủ các nước. Trong khoảng thời gian đầu đại dịch, tỷ lệ ủng hộ của chính phủ Italy tăng 27 điểm phần trăm và tỷ lệ ủng hộ của chính phủ Đức và Pháp tăng 11 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ này thay đổi theo thời gian do cách mỗi quốc gia xử lý với đại dịch. Chẳng hạn, tỷ lệ ủng hộ của chính phủ Anh đã giảm từ 51% vào tháng 3/2020 xuống còn 41% vào tháng 7/2021, trong khi đó, tỷ lệ này ở Pháp tăng từ 27% lên 35% trong cùng khoảng thời gian.

Do đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, nhiều quốc gia đã phải hoãn cuộc bầu cử hoặc tổ chức trong khi các ứng cử viên không có nhiều hoạt động vận động cử tri hiệu quả.

Cuộc bầu cử Quốc hội tại Argentina năm 2021 trước đó đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 24/10/2021, nhưng bị hoãn đến ngày 14/11/2021 do đại dịch Covid-19. Năm 2021, chính phủ Italy thông báo hoãn cuộc bầu cử cấp địa phương cho tới sau mùa hè trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 tại nước này phức tạp. Năm 2020, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã hoãn cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vào tháng 9 sang năm 2021, nói rằng đây là điều cần thiết do dịch Covid-19 vẫn bùng phát mạnh.

Tháng 8/2020, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo cuộc bầu cử sẽ bị hoãn gần 4 tuần từ ngày 19/9 đến ngày 17/10. Do lo ngại dịch Covid-19 lây lan và các đảng phái chính trị không có khả năng vận động hợp lý, bà Ardern đã đồng ý lời kêu gọi từ các đảng đối lập và chính phủ để trì hoãn cuộc bầu cử.

Quốc phòng

Bên cạnh lĩnh vực chính trị, Covid-19 đã tác động đáng kể đến quốc phòng của mỗi quốc gia. Sự lây lan rộng rãi của đại dịch có thể hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quân đội. Nhiều cuộc tập trận và huấn luyện quân sự đã bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Tháng 2/2020, Hàn Quốc và Mỹ đã hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung dự kiến diễn ra vào tháng 3/2020. Lực lượng phòng vệ Israel đã thực hiện giãn cách xã hội bằng nhiều biện pháp như chia binh sĩ thành các ca tập luyện riêng biệt và giảm thiểu sự tiếp xúc giữa binh sĩ và dân thường. Ngoài ra, lực lượng Israel cũng yêu cầu các binh sĩ đeo khẩu trang, sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân và nước sát khuẩn trong quá trình tập luyện.

Vào thời gian đầu của đại dịch Covid-19, lực lượng vũ trang Na Uy đã hủy bỏ cuộc tập trận Phản ứng Lạnh dự kiến có sự tham gia của các thành niên NATO và đồng minh.

Trong làn sóng đại dịch đầu tiên ở Italy, các lực lượng vũ trang của nước này đã phối hợp với chính phủ để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ hậu cần trên khắp nước.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã phát động chiến dịch “Khả năng phục hồi hoạt động”, cho phép các lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân trong thời gian đại dịch bùng phát.

Tháng 3/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm triển khai binh sĩ trong vòng 60 ngày để giảm thiểu sự lây lan của virus. Ngoài ra, Mỹ đã hủy bỏ các cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn quân ở Philippines vào tháng 5/2020.

Y tế

Chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe là những điều thay đổi nhiều nhất trong đại dịch Covid-19.

Các dịch vụ khám từ xa đã tăng vọt khi văn phòng bác sĩ hạn chế việc thăm khám trực tiếp do Covid-19. Khám từ xa không phải là một phương thức hoàn toàn mới ra đời vì Covid-19, nhưng đại dịch đã biến dịch vụ này từ một phương pháp ít người biết thành một cách mới để chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, những thay đổi về chính sách y tế trong thời kỳ đại dịch đã giúp phá bỏ một số rào cản đối với việc tiếp cận y tế từ xa.

Vaccine Covid-19 được coi là “phép màu” trong đối phó với đại dịch. Các nhà khoa học đã gây ấn tượng với thế giới khi nhanh chóng phát triển vaccine Covid-19 trong thời gian kỷ lục. Vaccine của Pfizer/BioNTech, sau đó là Moderna đã được phê duyệt cho người trưởng thành đủ điều kiện ở Mỹ chưa đầy một năm sau khi phát triển.

Theo dữ liệu của Our World in Data, tới nay, hơn 66% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và hơn 60% đã tiêm 2 mũi vaccine.

“Các loại vaccine ngừa Covid-19 đã có tác động rất lớn trong việc ngăn chặn tử vong và giúp các nền kinh tế trở lại bình thường. Ở các quốc gia có mức độ tiêm vaccine bao phủ cao, ngay cả khi có những đợt lây nhiễm mới, số ca tử vong vẫn ở mức thấp”, nhà khoa học Soumya Swaminathan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Sự phát triển và triển khai các vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng đã cứu sống ít nhất 750.000 người chỉ tính riêng ở Mỹ và châu Âu.

Một nghiên cứu từ WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu ở Solna, Thụy Điển, ước tính rằng 470.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ vaccine Covid-19 tại 33 quốc gia châu Âu, chỉ tính riêng khu vực đối tượng là những người từ 60 tuổi trở lên.

Một nghiên cứu khác của các nhà dịch tễ học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut (Mỹ) chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2021, hơn 279.000 người tại Mỹ đã được cứu sống nhờ tiêm vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, bất chấp sự thành công đáng kinh ngạc của vaccine Covid-19, thế giới vẫn chứng kiến sự bất bình đẳng vaccine một cách sâu sắc.

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid cho biết, dù đã có hơn 10 tỷ liều vaccine Covid-19 được tiêm cho người dân toàn cầu, một con số đủ để tiêm phòng cho tất cả dân số thế giới, nhưng 38% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Bên cạnh đó, còn 27 nước có tỷ lệ tiêm chủng chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.

Kinh tế

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng bao gồm cuộc suy thoái toàn cầu lớn thứ hai trong lịch sử gần đây.

Một số quốc gia vẫn ở trong hố sâu suy thoái, trong khi những nước khác lại vươn lên tốt hơn so với trước đại dịch. Nền kinh tế của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ vẫn vận hành khá tốt. Tuy nhiên, nhiều nước lớn ở châu Âu, bao gồm Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha, tình hình kinh tế lại mang màu u ám hơn.

Một số quốc gia ở Nam Âu, nơi phụ thuộc lớn vào du lịch, dễ bị tổn thương bởi các lệnh cấm du lịch và sụt giảm trong chi tiêu dịch vụ.

Các nước như Bỉ và Anh, nơi ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 ở mức cao, chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế.

Ở một số quốc gia, đặc biệt là những nơi không chịu tác động mạnh của Covid-19, thị trường lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hầu như không thay đổi nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Tây Ban Nha lại tăng 3% trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8/2020.

Một số quốc gia bù đắp cho thu nhập giảm của người dân bằng các gói hỗ trợ kinh tế. Tại Mỹ, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, các hộ gia đình vẫn nhận được hơn 2 triệu USD từ chính phủ dưới dạng trợ cấp thất nghiệp và gói kích thích kinh tế./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại