Những sự thật “khó đỡ”: Giá cà phê lên cao nhất thế giới - DN Việt lỗ kỷ lục, giá gạo càng tăng - lợi nhuận càng mỏng, xi măng “vỡ trận” dù đón sóng đầu tư công

Tri Túc |

Thời gian gần đây, thông tin Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG) đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân gây chú ý.

Những tưởng, việc chuyển hướng tập trung đẩy mạnh mảng lúa gạo của Lộc Trời và đón đầu cơ hội lớn xuất khẩu giai đoạn 2022-2023 sẽ giúp Công ty tăng trưởng mạnh. Song, quản lý dòng tiền không tốt, dư nợ cao, ứng tiền cho nông dân sản xuất… khiến tình hình tài chính của “ông lớn” lúa gạo An Giang kém sắc.

Năm 2023, trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp của Lộc Trời thu về vỏn vẹn 253 tỷ. Tương đương, biên lợi nhuận gộp lúa gạo của Tập đoàn chỉ 2%, thậm chí giảm so với con số 2,9% năm ngoái.

Biên lợi nhuận của ngành lúa gạo mỏng đã được đại diện Lộc Trời thừa nhận tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Lộc Trời phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao… “ăn mòn” lợi nhuận tạo ra.

Xuất khẩu gạo càng tăng, lãi DN càng mỏng

Không riêng Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng lúa gạo cũng khép lại năm 2023 không mấy sáng sủa. Dù doanh thu tăng nhờ xuất khẩu tốt, song lãi thu về cực mỏng, biên lãi gộp của hầu hết các bên đều giảm mạnh.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, đem về 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục trong hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo.

2023 cũng là năm nhiều nước gia tăng nhập gạo Việt. Nhu cầu lớn từ thị trường quốc tế khiến giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam liên tục lập đỉnh và cao nhất là 663 USD/tấn vào đầu tháng 12/2023, vượt qua các đối thủ để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Thực tế, doanh thu càng tăng thì lợi nhuận thu về càng mỏng, nguyên nhân chính yếu vẫn đến từ chi phí lãi vay cao, áp lực thu mua từ nông dân… Trong đó, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC ) biên lợi nhuận gộp dù ở mức cao với 31% song cũng đã giảm gần 4%.

Thậm chí, nhiều “ông lớn” báo lỗ. Đơn cử, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) dù doanh thu đạt 4.484 tỷ - tăng 18%, nhưng Công ty lại lỗ sau thuế hơn 19 tỷ - năm 2022 lãi đến 75 tỷ đồng. Biên lãi gộp TAR năm qua cũng thu hẹp từ 4,2% xuống 2,9%....

DN xi măng “vỡ trận” dù đón sóng đầu tư công

Cũng câu chuyện quản trị hàng tồn kho, vòng xoay dòng tiền không tốt đẩy tình hình kinh doanh vào thế khó, nhóm xi măng năm 2023 gần như “vỡ trận” dù được kỳ vọng hưởng lợi từ sóng đầu tư công.

Mới đây, HNX vừa công bố danh sách các doanh nghiệp sản xuất xi măng không được cấp margin cho cổ phiếu do thua lỗ năm 2023, với những tên tuổi lớn như: Xi măng Bỉm Sơn (BCC, lỗ ròng hơn 227 tỷ đồng), Vicem Bút Sơn (BTS, lỗ ròng hơn 96 tỷ đồng), Xi măng Hải Phòng (HCT, lần đầu lỗ tiền tỷ sau nhiều năm), Vicem Hoàng Mai (HOM, bất ngờ lỗ hơn 31 tỷ đồng sau nhiều năm lãi tốt)….

Ghi nhận, đầu năm 2023, đầu tư công được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp liên quan nói riêng, bao gồm xi măng. Tuy nhiên, sự tác động từ đầu tư công không phải ngay lập tức bởi tốc độ giải ngân vốn có độ trễ.

Đơn cử, Vicem Hoàng Mai đã công bố liên tiếp trúng các gói thầu cung cấp xi măng cho Sở Tài chính Nghệ An để thực hiện các dự án Nông thôn mới, song phần lớn doanh thu vẫn nằm ở “khoản phải thu”, tức chưa được thanh toán.

Bản thân lãnh đạo một số doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công cũng thừa nhận lĩnh vực này mang lại nguồn doanh thu chính giúp công ty vận hành, có tiền trả lương cho người lao động, song tỷ suất lợi nhuận thường ở mức thấp.

Hồi đầu năm, tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex từng cho biết sự biến động về giá nguyên vật liệu, tăng giá nhân công, thời gian quyết toán, thanh toán kéo dài… khiến biên lợi nhuận mảng đầu tư công không cao.

Hồi giữa năm, ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng cho biết các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ (nội địa lẫn xuất khẩu) của Vicem trong nửa đầu năm đều không đạt, dù các doanh nghiệp sản xuất đã sử dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ.

Nhìn chung, với ngành xi măng, động lực lâu dài và bền vững vẫn phải đến từ sự hồi phục của ngành bất động sản và thị trường xuất khẩu clinker.

Giá cà phê lên cao nhất thế giới - DN lỗ kỷ lục

Một nghịch cảnh tương tự với doanh nghiệp cà phê.

Quý đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nếu tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 1/2024, giá liên tục đẩy lên mức 82.000 đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và hiện nay đã lên 94.500 đồng/kg.

Hệ quả, giá cà phê Robusta của Việt Nam đã lên mức cao nhất thế giới, cao hơn cả Ấn Độ. Những tưởng giá tăng cao thì những nhà buôn cà phê Việt đang hưởng lợi lớn, tuy nhiên theo người trong cuộc, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Vì giá cao nên người trồng găm hàng không bán, thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ vì mua cao bán thấp.

Những sự thật “khó đỡ”: Giá cà phê lên cao nhất thế giới - DN Việt lỗ kỷ lục, giá gạo càng tăng - lợi nhuận càng mỏng, xi măng “vỡ trận” dù đón sóng đầu tư công- Ảnh 2.

Ảnh: Quý đầu năm, giá cà phê Việt Nam vọt lên mức cao nhất thế giới.

Tình thế này đẩy các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam đang khó khăn chưa từng có, thậm chí thua lỗ kỷ lục. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (huyện Hóc Môn, Tp.HCM) cho biết giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó. Khi, đầu vào lên 85.000-95.000 đồng/kg, nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng đã ký đều theo giá nguyên liệu quanh 50.000-60.000 đồng/kg.

Ông Luận cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp lại khó "trở tay" như năm nay. Hàng năm, cà phê không biến động mạnh như vậy nên việc thu mua nguyên liệu dễ dàng. Meet More cho biết không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6/2024.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng, CEO Napoli Coffee (hệ thống nhượng quyền với hơn 2.000 cửa hàng trên cả nước) cũng cho biết Công ty đang phải "gồng lỗ" khi giá nguyên liệu leo thang. Theo ông Hưng, hàng trong kho chỉ đáp ứng được 70% đơn hàng xuất khẩu đã ký. 30% đơn còn lại, công ty phải chịu phạt để hủy khi đối tác nhập không chịu điều chỉnh thêm 5-10%. Nếu càng xuất khẩu, doanh nghiệp càng lỗ…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại