Những sứ mệnh ngoài không gian

Nguyễn Minh |

Sau nhiều năm xoay quanh sao Hỏa, con người đang quay trở lại Mặt trăng, sự kiện ghi dấu bằng các dự án ngoài không gian.

Bên cạnh đó là những sứ mệnh thám hiểm vũ trụ quan trọng khác như đi bộ ngoài không gian, khám phá các điểm đến mới trong Hệ Mặt trời.

Trở lại Mặt trăng

Bước sang năm 2023, Mặt trăng sẽ là điểm đến của các dự án ngoài không gian từ khắp nơi trên thế giới. Ngày 11/12/2022, tàu đổ bộ Hakuto-R, do công ty iSpace, Nhật Bản, phát triển, đã mang theo robot tự hành Rashid của UAE lên đường tới Mặt trăng bằng hệ thống phóng của công ty tư nhân SpaceX.

Dự kiến nếu thành công đáp xuống Mặt trăng vào tháng 3 năm sau, Hakuto-R sẽ là tàu đổ bộ tư nhân đầu tiên hoàn thành sứ mệnh lên Mặt trăng trong năm 2023.

Ngoài ra, hai tàu đổ bộ tư nhân của Mỹ gồm tàu Peregrine do tập đoàn công nghệ Astrobotic phát triển và tàu Nova-C của Intuitive Machines, cũng sẽ được phóng lên Mặt trăng vào cùng thời điểm.

Cả hai dự án trên đều được Cơ quan Vũ trụ và Hàng không quốc gia Mỹ (NASA) hậu thuẫn để nghiên cứu môi trường trên Mặt trăng. Đây là một phần của chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại nhằm thúc đẩy lợi ích thương mại trên Mặt trăng.

Chưa dừng lại ở đó, Intuitive Machines đã lên kế hoạch cho lần hạ cánh thứ 2 lên Mặt trăng vào năm 2023. Cùng với đó, Ấn Độ, Nhật Bản sẽ đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng với hy vọng khám phá vệ tinh này trong năm 2023. Nếu Ấn Độ thành công, đây sẽ là lần thứ 2 nước này đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng sau lần đầu tiên vào năm 2019.

Còn Nga được cho là cũng sẽ đưa tàu đổ bộ Luna-25 lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất vào năm sau. “Mặt trăng đang được chú ý nhiều hơn trong nhiều năm qua”, ông Jon Cowart, chuyên gia tại NASA bày tỏ.

Những sứ mệnh ngoài không gian - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ trở lại Mặt trăng vào năm 2023.

Du hành không gian riêng tư

Kể từ tháng 5/2020, tàu vũ trụ Crew Dragon, do công ty tư nhân SpaceX phát triển, đã đưa các phi hành gia lên vũ trụ. Nhưng dự án “Polaris Dawn”, dự kiến triển khai vào tháng 3/2023, sẽ là bước tiến mới trong sự hợp tác giữa công ty tư nhân và các cơ quan vũ trụ hàng không quốc gia.

Theo dự án, phi hành đoàn dự kiến sẽ đi sâu vào không gian hơn bất kỳ sứ mệnh nào trước đó của tàu vũ trụ Crew Dragon.

Chuyến bay “Polaris Dawn” đưa 4 phi hành gia thương mại, trong đó có tỷ phú Jared Isaacman, sẽ nhắm mục tiêu tới quỹ đạo Trái đất tối đa 1.2000 km, cao hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào chở người kể từ các sứ mệnh Apollo. Trong chuyến bay thương mại đầu tiên dành cho con người nêu trên, phi hành đoàn sẽ mặc quần áo phi hành gia và phiêu lưu bên ngoài tàu vũ trụ.

Nhiệm vụ này có thể giúp NASA quyết định liệu một sứ mệnh phi hành đoàn trong tương lai có thể được sử dụng để phục vụ Kính viễn vọng Không gian Hubble hay không, một khả năng mà cơ quan này đang nghiên cứu với SpaceX.

Hai chuyến bay không gian tư nhân khác là Axiom-2 và Axiom-3, cũng sử dụng tàu vũ trụ Crew Dragon, cũng dự kiến bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 2023.

Bên cạnh đó, giới khoa học hồi hộp chờ đợi sự trở lại của công ty Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos. Công ty này đã ngừng hoạt động sau một vụ phóng tên lửa không thành công vào tháng 9/2022.

Tuy nhiên, tất cả sự kiện trên có thể bị lu mờ bởi nỗ lực bay lên quỹ đạo đầu tiên của tên lửa Starship. Đây là tên lửa khổng lồ, có thể tái sử dụng do SpaceX phát triển. Dự kiến, tên lửa sẽ phóng vào năm 2023.

Nếu thành công, Starship sẽ vượt qua Hệ thống Phóng Không gian của NASA và trở thành tên lửa lớn nhất lên quỹ đạo. Điều đó có thể thay đổi hành trình khám phá không gian của con người. Như vậy, năm 2023 chắc chắn là một năm quan trọng đối với Starship.

Những chuyến bay thương mại đang mở ra những cơ hội mới, bao gồm sứ mệnh của con người lên sao Hỏa, thậm chí là xa hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Những sứ mệnh ngoài không gian - Ảnh 3.

Dự án JUICE có nhiệm vụ khám phá các Mặt trăng của sao Mộc.

Tiến vào Hệ Mặt trời

Những hành trình mới tới các điểm khác trong Hệ Mặt trời cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong năm 2023. Tháng 4 năm sau, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sẽ khởi động dự án JUICE với nhiệm vụ khám phá Mặt trăng băng giá của sao Mộc.

Dự kiến tiến vào quỹ đạo sao Mộc năm 2031, tàu vũ trụ sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết về các Mặt trăng Ganymede, Callisto và Europa. Tất cả đều được cho là có các đại dương chứa sự sống bên dưới bề mặt băng giá.

Ông Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về khoa học và thám hiểm tại ESA, cho biết: “Đây là sứ mệnh đầu tiên tập trung vào các Mặt trăng băng giá. Giờ đây, chúng tôi có thể biết được những Mặt trăng băng giá này có các đại dương nước rất sâu và chúng có thể có các điều kiện để sự sống phát triển”.

JUICE sẽ lập bản đồ các đại dương này bằng các thiết bị radar, tìm kiếm các dấu hiệu sinh học có thể có trên bề mặt băng của Europa.

Cuối năm 2023, ESA dự kiến thực hiện một sứ mệnh quan trọng khác là phóng kính thiên văn vũ trụ Euclid. Kính sẽ thăm dò vật chất tối và năng lượng tối trong vũ trụ thông qua việc quan sát hàng tỷ thiên hà trên 1/3 bầu trời.

Vào tháng 10, NASA sẽ khởi động sứ mệnh khoa học quan trọng là khám phá 16 Psyche, tiểu hành tinh giàu kim loại nằm trong Vành đai Tiểu hành tinh. 16 Psyche chiếm tới 1% khối lượng của toàn bộ vành đai và có thể là lõi của một hành tinh cổ đại.

Sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA dự kiến quay trở lại Trái đất vào tháng 9/2023 với các mẫu vật từ tiểu hành Bennu. Hay Amazon đặt mục tiêu gửi các vệ tinh đầu tiên cho Dự án Kuiper vào đầu năm 2023, khởi đầu của mạng liên lạc quỹ đạo 3.000 vệ tinh được hy vọng có thể cạnh tranh với dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại