“Vì mọi người, ở mọi nơi”
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số cá nhân, gia đình trên địa bàn xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp về nhiều mặt.
Thấu hiểu và chia sẻ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Minh Trần Văn Thức đã khởi xướng đợt vận động quyên góp, ủng hộ và nhận được sự chung tay của nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm.
“Thấy rõ những việc làm thiết thực của ông Trần Văn Thức và các cán bộ, hội viên chữ thập đỏ, thời gian qua, gia đình tôi đã chung tay ủng hộ lương thực cho hộ nghèo trên địa bàn xã Phú Minh”, bà Phùng Thị Minh Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Lỗ A, huyện Sóc Sơn cho hay.
Từ các nguồn ủng hộ, chỉ trong một thời gian ngắn, Hội Chữ thập đỏ xã Phú Minh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trao tặng gần 150 suất quà, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng đến những hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn xã.
Đón nhận sự hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đoài, xã Phú Minh xúc động: “Tôi không may bị mắc bệnh trọng, tiêu tốn nhiều tiền để điều trị, nên cuộc sống thiếu thốn nhiều bề, nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra.
Do đó, những suất quà cùng lời thăm hỏi, động viên ân cần đến từ Hội Chữ thập đỏ xã Phú Minh cũng như các cơ quan chức năng đã giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn, tiếp thêm động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”.
Không riêng trong đợt cao điểm của dịch Covid-19, ông Thức luôn lăn lộn với các phong trào, hoạt động chữ thập đỏ, qua đó huy động được nhiều nguồn lực ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và người dân gặp thiên tai, dịch bệnh ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc…
Cũng như ông Thức, đau đáu, xót xa trước những hoàn cảnh khó khăn, nhiều cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ khác trên địa bàn thành phố không quản ngại vất vả, thường xuyên đến từng nhà, vận động từng người tham gia, ủng hộ nhân đạo.
Có thể kể đến bà Thành Thị Hoàn, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ 12, Hội Chữ thập đỏ phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) đã thành lập “Câu lạc bộ Đan len” làm nơi gắn kết những người phụ nữ thương người như thể thương thân.
Nhờ đó, Chi hội Chữ thập đỏ 12 đã đan hơn 3.000 áo, mũ, khăn len để dành tặng người nghèo. Trong khi đó, thông qua mô hình “Hũ gạo tình thương” do bà Đỗ Thị Minh Tuyền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) khởi xướng, từ tháng 7-2019 đến nay, một số người có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Thái Hòa hằng tháng được tặng gạo miễn phí, như bà Chu Thị Chắn, Chu Thị Chài già yếu, đơn thân, không có khả năng lao động, chị Trần Thị Lan thuộc hộ nghèo, một mình nuôi mẹ già, con nhỏ…
Theo ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, mỗi tấm lòng, mỗi hành động của các hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ được ví như một hạt mầm nhân ái, gieo hạt càng nhiều, vườn nhân ái càng nảy nở, tốt tươi, góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Trong những năm gần đây, mỗi năm đội ngũ gần 200.000 hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ Thủ đô đã vận động các nguồn lực ủng hộ đạt tổng trị giá 200-300 tỷ đồng, góp phần trợ giúp kịp thời cho hàng triệu lượt người.
Năm 2020, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phấn đấu vận động nguồn lực trợ giúp đạt tối thiểu 250 tỷ đồng.
“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”
Cũng thông qua các phong trào, hoạt động chữ thập đỏ, trên địa bàn thành phố xuất hiện ngày càng nhiều những người sẵn sàng hưởng ứng thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, thông qua việc hiến máu, vận động hiến máu tình nguyện.
Liên hệ với ông Nguyễn Thế Lục, hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, lời đầu tiên phóng viên Báo Hànộimới nghe được là câu hỏi: “Chị liên hệ với tôi từ cơ sở y tế nào, có bệnh nhân đang cần nhóm máu B+ của tôi không?”.
Khi biết chúng tôi muốn viết về việc làm tốt đẹp của mình với 40 lần hiến máu tình nguyện, ông Lục khiêm tốn nói: “Tôi chỉ làm những việc thấy cần làm, nên làm.
Hiến máu đúng số lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Do vậy, bất cứ khi nào người bệnh cần đến, tôi luôn sẵn sàng hiến máu”.
Từng chứng kiến em trai bị ung thư tủy xương, liên tục phải truyền máu trong quá trình điều trị, em Hà Thị Thanh Tuyền, sinh viên Trường Đại học Hà Nội, đồng thời là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của gia đình các bệnh nhân khi thiếu máu điều trị.
Để hỗ trợ người bệnh trong bối cảnh khan hiếm máu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Tuyền vừa tham gia hiến máu, vừa vận động từng người quen đến hiến máu tại điểm cố định.
Không những thế, với vai trò phụ trách hoạt động tình nguyện tại điểm hiến máu cố định 132 Quan Nhân (quận Thanh Xuân), Tuyền thường xuyên có mặt tại đây để tiếp đón những người đến hiến máu. Tuyền bảo: “Em không sợ khó sợ khổ, mà chỉ lo người bệnh không được cứu sống kịp thời”.
Những cá nhân hiến máu tiêu biểu như kể trên đã thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Bệnh nhân H., đến từ huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho hay:
“Tôi được chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu, cần truyền tiểu cầu liên tục. Trong khi đó, nhóm máu của tôi là AB-, thuộc nhóm máu hiếm. May mắn thay, nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng nhóm máu hiếm ở Hà Nội, tôi đã được truyền nhiều đơn vị tiểu cầu, sức khỏe chuyển biến tích cực”.
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đánh giá, nhờ sự lớn mạnh của phong trào hiến máu tình nguyện ở Thủ đô - trong đó lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ giữ vai trò nòng cốt, riêng tháng 4-2020, viện đã tiếp nhận hơn 25.000 đơn vị máu.
Số máu này đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu máu trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bác sĩ Bạch Quốc Khánh tin tưởng, mục tiêu vận động 2,7% dân số tham gia hiến máu, thu về tối thiểu 230.000 đơn vị máu trong năm 2020 của thành phố Hà Nội sẽ trở thành hiện thực.