Những siêu bão năm Giáp Thìn

Nguyễn Đình Ánh |

Nhìn vào lịch sử những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thật là trùng hợp khi chúng đang lặp lại theo chu kỳ 60 năm.

Nhiều tỉnh thành phía Bắc thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: INT

Năm 1904 ở miền Nam

Năm Giáp Thìn 1904, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Nam, tàn phá từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận Cà Mau làm gần 10.000 chết, chỉ riêng tỉnh Định Tường và Gò Công (cũ) đã có 5.000 người chết, 900 cây cổ thụ lâu năm bật gốc, phá tan nát miền Nam. Còn theo dân gian, truyền miệng qua thơ, vè thì số người chết khoảng “một muôn hai” (tức khoảng 12.000 người).

Nam Bộ vốn là vùng đất lành, hiếm khi có bão lụt nhưng năm Giáp Thìn 1904 đã xảy ra cơn bão kinh hoàng ở vùng Gò Công xưa, dân gian thường gọi là “Năm Thìn bão lụt”. Đó là ngày 1/5/1904, tức ngày 16/3 năm Giáp Thìn, tâm bão vào ven biển Gò Công nhưng khu vực tàn phá từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến tận Rạch Giá, Cà Mau.

“Thình lình một trận bão thinh không/ Nước lụt năm rồng gặp tháng rồng/ Giông thổi trốc cây chim khiếp vía/ Đất bằng nổi sóng chúng kinh hồn…”. Đó là mấy câu thơ (trích) đăng trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, số ra ngày 9/6/1904.

Năm 1964 ở miền Trung

Năm Giáp Thìn 1964, mưa lớn kinh hoàng do bão đã nhấn chìm miền Trung, chỉ riêng Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi (cũ) đã có gần 10.000 người thiệt mạng, có những huyện chạy dọc sông Thu Bồn gần 2.500 người chết, tàn phá nặng nề miền Trung.

Trận lụt lịch sử này đã gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng cho nhân dân miền Trung. Cụ thể các xã, thôn dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia có hàng vạn nhà cửa bị cuốn trôi, hàng nghìn người chết, hàng nghìn héc ta ruộng đất bị bồi lấp và thiệt hại lớn về tài sản hoa màu. Đại Lộc, Quế Sơn (gồm cả huyện Nông Sơn hiện nay), Điện Bàn, Duy Xuyên… là những địa phương bị thiệt hại nặng nề.

Tại Đại Lộc, hơn 1.200 nhà bị trôi, 253 người chết, hơn 45.000 ang lúa, bắp và vô số của cải, gia súc bị trôi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Lộc Quý, Lộc Sơn, Lộc Phước, Lộc Hòa, Lộc Vĩnh. Tại huyện Quế Sơn, các thôn An Toàn (xã Hiệp Thuận), Bình Kiều (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), Thạch Bích bị trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa màu, 5.000 người chết và mất tích. Dọc vùng ranh và các suối lớn sâu trong núi, một số núi lở vùi lấp nhiều kho tàng và một số thôn của đồng bào.

Như vậy, 60 năm sau, vào năm 1964 - năm Giáp Thìn, đồng bào miền Trung phải hứng chịu trận lũ lịch sử, gây thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh thành từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Thảm họa này được lưu truyền trong dân gian với tên gọi “Đại họa năm Thìn”.

Năm 2024 ở miền Bắc

Năm Giáp Thìn (2024), cơn bão số 3 - bão Yagi đã gây ra sự thiệt hại nặng nề về người và của như chúng ta chứng kiến. Thiệt hại vẫn chưa dừng ở các con số. Hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đến sáng ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu đã khiến 345 người chết, mất tích (262 người chết, 83 người mất tích). Trong số đó, Lào Cai: 172 người (111 người chết, 61 người mất tích), Yên Bái: 55 người (53 người chết, 2 người mất tích), Cao Bằng: 52 người (43 người chết, 9 người mất tích), Quảng Ninh: 25 người, Phú Thọ: 11 người…

Số liệu cũng phản ánh thiệt hại về nông nghiệp rất lớn với 183.394ha lúa, 44.071ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; tập trung tại: Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Hơn 23.660 ha cây ăn quả bị hư hại; tập trung tại Bắc Giang (6.669ha), Hải Dương (4.372ha), Hà Nội (3.924ha), Hưng Yên (2.953ha), Hải Phòng (2.043ha), Thái Bình (1.385ha),… Khoảng 2.250 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; tập trung tại Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…

Như vậy có thể thấy rõ có sự trùng hợp ngẫu nhiên về ba cơn bão lớn với chu kỳ 60 năm: Năm 1904 xảy ra ở miền Nam, năm 1964 xảy ra ở miền Trung và năm 2024 xảy ra ở miền Bắc.

Việt Nam là một quốc gia có hệ thống sông ngòi chằng chịt, điều bất lợi lớn là đa số dòng sông bắt nguồn từ các nước láng giềng nên khi vào nước ta lượng nước đều rất lớn, do đó nhiệm vụ chống lụt khi có mưa lớn ở thượng nguồn mãi là vấn đề nan giải.

Mặt khác môi trường sống của phần lớn dân cư lại tập trung đông đúc ở ven các dòng sông lớn nên khi xảy ra bão lũ thiệt hại là khôn lường. Cũng bởi điều kiện địa lý đó, đa số dân cư nhiều vùng miền phải chấp nhận sống chung với lũ và chỉ luôn cố gắng chế ngự nó trong khả năng có thể.

Nhưng song hành cùng lịch sử đau thương do các cơn bão lớn, các trận lũ lụt lịch sử gây ra là sự xoa dịu nỗi đau bằng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của cả dân tộc ta. Đau thương mất mát bởi bão lũ sẽ nhanh qua đi nhờ tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau của mỗi người dân Việt.

Trong tình cảnh khốn khó, triệu triệu tấm lòng ấm áp từ muôn phương Tổ quốc đã và đang hướng về sẻ chia với khó khăn mà bà con miền Bắc đang phải gánh chịu. Đó sẽ mãi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại