Những sai lầm dẫn đến thất bại cay đắng của Mỹ trên chiến trường Syria

Hồng Anh |

Việc kéo dài sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria có thể là một trong những tính toán sai lầm khiến Mỹ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Các quan chức chính quyền Mỹ thời gian gần đây cho biết họ không vội vã rút quân ra khỏi Syria, đồng thời đe dọa tấn công quân sự nếu chính phủ Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, việc kéo dài sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria có thể là một trong những tính toán sai lầm khiến Mỹ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Chính phủ Syria và chiến thắng trong tầm tay

Cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm tại Syria đang dần đến hồi kết. Được sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga và lực lượng Iran, chính phủ Tổng thống Assad đã dần dần đánh bại nhiều nhóm phiến quân khác nhau trên khắp quốc gia này.

Thủ đô Damascus giờ đã an toàn, khi các nhóm phiến quân cuối cùng rút khỏi những khu vực ngoại ô gần đó. Chính quyền Tổng thống Assad hiện nắm quyền kiểm soát vững chắc hầu hết lãnh thổ quốc gia.

Chỉ riêng tỉnh Idlib vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng của phe đối lập và các nhóm phiến quân. Hiện giờ, lực lượng của ông Assad đang chuẩn bị chiến dịch quân sự cuối cùng giành lại khu vực này. Do có một lượng lớn dân thường ở Idlib nên có nhiều lo ngại về việc một cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ diễn ra nếu xảy ra giao tranh.

Theo các nhà quan sát, sớm hay muộn thì nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, chính phủ Syria chắc chắn sẽ giành lại quyền kiểm soát khu vực này, tiêu diệt hoặc đánh đuổi các lực lượng phiến quân, chủ yếu là những phần tử Hồi giáo cực đoan ra khỏi khu vực.

Tới giai đoạn đó, chỉ những phần lãnh thổ ở phía bắc và đông nam – nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự là nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền ông Assad.

Chính sách của Mỹ không hiệu quả

Các chính sách của Mỹ đã phản tác dụng, thậm chí không phù hợp trong suốt cuộc xung đột tại Syria. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama ban đầu ca ngợi ông Assad là “một nhà cải cách”.

Nhưng sau đó Washington lại đòi lật đổ ông. Điều này làm giảm động lực đối với chính phủ Syria và phe đối lập để tiến hành đàm phán. Khi cuộc xung đột lên một nấc thang mới, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song song với việc tìm cách lật đổ ông Assad.

Mỹ đã hỗ trợ cho lực lượng đối lập mà nước này gọi là ôn hòa thậm chí ngay cả khi lực lượng này yếu thế hơn so với các nhóm cực đoan khác. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tìm cách hợp tác với các lực lượng người Kurd tại Syria, giúp lực lượng này dẫn đầu cuộc tấn công trên mặt đất nhằm vào IS.

Tuy nhiên, Mỹ lại từ chối bảo vệ đồng minh người Kurd trước đòn tấn công vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin, nằm ở biên giới giữa hai nước. Hơn nữa, Washington còn khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh can thiệp vào cuộc xung đột tại Syria.

Song lời kêu gọi này không được hưởng ứng vì dù ủng hộ cuộc chiến chống IS, các đồng minh vùng Vịnh của Washington phần lớn đều chuyển hướng ưu tiên vào cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen hơn là IS.

Thêm một sai lầm khác là dù tránh can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Syria, nhưng Mỹ lại tiến hành các đợt không kích bằng tên lửa nhằm vào mục tiêu của quân đội Syria, với cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Giới quan sát cho rằng, phần lớn con số thương vong là kết quả của hoạt động quân sự giữa các bên liên quan. Và bom rơi đạn lạc thậm chí còn cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn là các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Nhìn chung, chính sách của Mỹ về Syria là một thất bại bởi nó không chỉ khiến cuộc chiến tại Syria kéo dài mà còn gia tăng con số thương vong. Việc Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống IS đã cho phép chính phủ các nước như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước vùng Vịnh tập trung vào kẻ thù riêng của họ (chẳng hạn như phiến quân tại Syria, lực lượng người Kurd và phiến quân Houthi).

Hơn nữa, Mỹ còn “mang tiếng xấu là một quốc gia bất cẩn và vô trách nhiệm” vì can dự vào tình hình nước khác mà không cần quan tâm đến hậu quả. Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar Assad lại đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Syria.

Tổng thống Donald Trump từng phản đối việc duy trì lực lượng Mỹ tại Syria, nhưng giờ đây chính sách của ông lại bắt đầu chuyển hướng và có phần giống với chính phủ tiền nhiệm.

Mặc dù tổ chức khủng bố phần lớn đã bị đánh bại, nhưng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chuyển giao trách nhiệm cho Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan hay các nước vùng Vịnh – những bên quan tâm đến việc xóa sổ tàn dư cuối cùng của IS. Trong bối cảnh chiến dịch giải phóng Idlib sắp bắt đầu, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa có hành động quân sự nếu chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Và xa hơn, Mỹ có kế hoạch tái củng cố sự hiện diện của nước này ở phía đông nam, gần biên giới Iraq để gây sức ép lên tuyến đường tiếp vận của Iran. Washington cũng hy vọng rằng, sự hợp tác của các lực lượng Mỹ với phe nổi dậy người Kurd tại phía bắc có thể ngăn cản Iran tiếp cận phần còn lại của Syria và khiến chính phủ Syria không thể tiếp cận được với người dân cũng như các nguồn tài nguyên, đặc biệt là các mỏ dầu trong khu vực đó.

Theo nhà phân tích Doug Bandow, những hành động nêu trên là không phù hợp theo cả luật Mỹ lẫn luật pháp quốc tế. Quốc hội Mỹ chưa bao giờ chấp thuận việc can thiệp vào Syria để lật đổ chính phủ hợp pháp của nước này, đồng thời không phê chuẩn cho hành động ngăn cản sự hợp tác giữa chính phủ Syria với các chính phủ hợp pháp khác, trong đó có Iran. Do đó thật khó tưởng tượng làm thế nào để Mỹ có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhắc đến cuộc chiến tại Syria cũng không thể lờ đi yếu tố Nga. Nga đã phải đánh đổi rất nhiều để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad trụ vững và củng cố vị thế. Vì thế, ông Putin sẽ không mạo hiểm từ bỏ những gì đã đạt được để làm hài lòng Mỹ, nhằm đạt được sự nhượng bộ của Mỹ, chẳng hạn như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Mỹ, với ảnh hưởng hạn chế tại Syria, muốn tác động đến tương lai của Syria và kiềm chế hoặc loại bỏ các nước có lợi ích lớn hơn Mỹ. Nhưng theo nhà phân tích Doug Bandow, “các nhà hoạch định chích sách Mỹ đang mơ mộng.

Thậm chí ngay cả khi các mục tiêu là thực tế thì Mỹ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó. Dường như cả chính quyền Tổng thống Obama và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang sống trong một thế giới ảo tưởng khi bước chân tới Syria”.

Nguy cơ nhãn tiền

Nguy cơ lớn nhất từ việc Mỹ kéo dài can thiệp vào tình hình Syria là bùng phát một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn. Chẳng hạn như khi tấn công vào các đồng minh người Kurd của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ từng đe dọa tiến đến những khu vực có binh sỹ Mỹ đồn trú.

Hơn nữa, nếu Mỹ ra lệnh tấn công các đơn vị quân đội Syria bằng bất cứ lý do gì, Nga có thể đáp trả để bảo vệ đồng minh hoặc Nga cũng có thể nhằm vào những đồng minh của Mỹ trong khu vực. Còn Syria, là một quốc gia có chủ quyền, sẽ sẵn sàng mạo hiểm đối đầu để bảo vệ quyền lợi của nước này, trong khi Iran cũng sẽ không dễ nhắm mắt làm ngơ.

Tình hình tại Syria luôn vượt xa tầm kiểm soát của Mỹ. Bất cứ điều gì Mỹ hy vọng khi cuộc xung đột tại Syria bắt đầu từ năm 2011 thì đến nay đều không thành sự thật.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như rơi vào tình trạng tuyệt vọng, không có đòn bẩy cũng không có đủ ảnh hưởng để thay đổi chiến cuộc Syria. Do đang là bên yếu thế tại Syria nên nếu không tính toán cẩn trọng, Mỹ sẽ phải trả giá đắt./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại