Trong thời buổi rối ren, vàng là thứ tài sản được các nhà đầu tư ưa chuộng nhất. Thậm chí các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã mua vào tới 650 tấn vàng để dữ trữ trong năm ngoái.
Nổi tiếng với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn, vàng hiện nay đang được các nhà đầu tư săn đón trong mùa dịch Covid-19.
Dù chế độ "bản vị vàng" (Gold Standard) đã không còn được sử dụng từ thập niên 1970 nhưng các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tích trữ vàng do tính thanh khoản mạnh của chúng.
Trên thực tế, vàng có khả năng chịu được các biến động về chính trị, kinh tế mà không mất giá, đồng thời có thể quy đổi ra tiền mặt nhanh chóng nếu cần thiết.
Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới đã tích trữ vàng nhằm sẵn sàng đối phó với các biến động có thể xảy ra. Trong năm 2019, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào 650 tấn vàng, mức cao thứ 2 trong vòng 50 năm qua. Con số này chỉ đứng sau mức mua vào 656 tấn vàng của năm 2018.
Trong nửa tháng đầu năm 2020, giá vàng thế giới đã tăng tới 16,8% và vượt mọi tài sản chủ chốt khác để trở thành một trong những kênh đầu tư có lời nhất. Tính đến 23/7/2020, giá vàng đã đạt gần 1.900 USD/ounce, mức cao nhất kể từ năm 2012.
Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, tính đến tháng 7/2020 sau đây là 10 nước có dự trữ vàng lớn nhất:
10. Hà Lan: 612,5 tấn (chiếm 70,9% tổng giá trị dự trữ ngoại hối)
Năm 2019, ngân hàng trung ương Hà Lan (DNB) nhận định vàng là biểu tượng cho sự tin tưởng và là neo an toàn cho hệ thống tài chính nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất diễn ra trong nền kinh tế.
9. Ấn Độ: 633,1 tấn (7,5%)
Trong 2 năm vừa qua, Ấn Độ đã mua vào hơn 70 tấn vàng dù quốc gia này có rất ít mỏ vàng đang khai thác. Phần lớn vàng của Ấn Độ hiện được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu trang sức và dự trữ tài sản của các hộ gia đình thay vì để trong kho dự trữ ngoại hối.
Hiện Ấn Độ là thị trường tiêu thụ vàng nhiều thứ 2 thế giới và là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến giá giao dịch loại tài sản này.
8. Nhật Bản: 765,2 tấn (3,1%)
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, Nhật Bản đã tung nhiều gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau dịch Covid-19. Hãng loạt gói cứu trợ này sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát cũng như giá đồng Yên, qua đó khiến các nhà đầu tư đổ tiền mua vàng nhiều hơn để trú ẩn.
Nhật Bản cũng có những mỏ vàng nhưng chỉ được khai thác với số lượng nhỏ trong nhiều thập kỷ qua và với những biến động kinh tế gần đây, nước này đang tích cực mua vào kim loại quý này để sẵn sàng đối phó với các rủi ro.
7. Thụy Sĩ: 1.040 tấn (6,5%)
Dù chỉ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng những nước trữ nhiều vàng nhất thế giới nhưng Thụy Sĩ lại đứng đầu nếu tính bình quân tích trữ vàng trên đầu người. Phần lớn giao dịch vàng của nước này được thực hiện tại các sàn Hong Kong hay Trung Quốc đại lục.
Vào năm 2014, chính phủ nước này đã bỏ phiếu về việc liệu có nên nâng mức dự trữ vàng từ 7% tổng giá trị kho dự trữ ngoại hối lên 20% hay không. Tuy nhiên 78% số phiếu phản đối kế hoạch trên bởi chúng sẽ càng khiến đồng Franc Thụy Sĩ lên giá, qua đó ảnh hưởng đến xuất khẩu.
6. Trung Quốc: 1.948,3 tấn (3,4%)
Trung Quốc hiện là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng thị phần khai thác kim loại quý này trên toàn cầu. Quốc gia này cũng là thị trường tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Nhu cầu vàng tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây do tầng lớp trung lưu ngày một giàu lên.
5. Nga: 2.271,2 tấn (22,6%)
Trong 7 năm qua, Ngân hàng trung ương Nga đã là người mua lớn nhất trên thị trường vàng. Nếu tính riêng trong vòng 2 năm qua, lượng vàng trong kho dự trữ ngoại hối của Nga đã tăng hơn 400 tấn.
Vào năm 2017, Nga đã mua 224 tấn vàng với nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD khi quan hệ 2 nước căng thẳng. Ngoài ra, Nga cũng có nền công nghiệp khai thác vàng trị giá hàng tỷ USD, qua đó hạn chế được việc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vàng.
4. Pháp: 2.436 tấn (65%)
Phần lớn lượng vàng trong kho dự trữ ngoại hối của Pháp được tích trữ từ thập niên 1950-1960. Cường quốc kinh tế này đã bán vài trăm tấn vàng vào đầu thế kỷ 21 do tác động từ khủng hoảng kinh tế nhưng phần lớn trữ lượng vàng của Pháp vẫn khá ổn định kể từ năm 2009 đến nay.
3. Italy: 2.451,8 tấn (70,8%)
Trái ngược với phần lớn quốc gia trên thế giới khi vàng trong kho dự trữ ngoại hối thuộc quyền sở hữu của chính phủ và được quản lý bởi ngân hàng trung ương thì tại Italy, kho dự trữ vàng lại thuộc về Banca d’Italia.
Vàng của nước này được cất trữ tại nhiều kho trên thế giới, từ Rome cho đến kho của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York hay thậm chí là tại Ngân hàng trung ương Anh.
Trong thời kỳ khó khăn về tài chính, chính phủ Italy chưa bao giờ bán ra bất kỳ một gram vàng nào dù dự trữ chúng với số lượng vô cùng lớn.
2. Đức: 3.363,6 tấn (75,2%)
Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất Liên minh Châu Âu (EU), Đức đương nhiên dự trữ một lượng vàng lớn nhằm hậu thuẫn cho thị trường của mình.
Trên thực tế chính phủ Đức đã liên tục tích trữ vàng kể từ sau Thế chiến II do lo sợ những tác động kinh tế ảnh hưởng đến đồng nội tệ, điều đã từng xảy ra trước đây với các cuộc khủng hoảng trước Thế chiến.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Đức đã phân tán vàng dự trữ của mình ra nhiều nơi như Mỹ hay Anh trước áp lực của Liên Xô. Tuy nhiên hiện nay khoảng một nửa số vàng dự trữ của nước này đã được chuyển dần về Frankfurt.
1. Mỹ: 8.133,5 tấn (78,9%)
Lượng vàng dự trữ của Mỹ gần tương đương với 3 nước xếp sau cộng lại. Tỷ lệ vàng dự trữ của nước này cũng đứng đầu thế giới. Với vị thế là nền kinh tế số 1 thế giới và là cường quốc về khoa học, quân sự, việc Mỹ dữ trữ lượng lớn vàng cũng là điều dễ hiểu.