Những quốc gia muốn trở thành trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine

Minh Hạnh |

Nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mexico, đã đưa ra đề xuất hòa bình để giải quyết xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên đến nay, chưa có đề xuất nào được chấp thuận.

Brazil

Trước khi phải hủy chuyến thăm Trung Quốc vì bệnh viêm phổi, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã dự định sẽ đề xuất thành lập một “câu lạc bộ hòa bình” với Bắc Kinh để làm trung gian hòa giải nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.

Nhà lãnh đạo cánh tả của Brazil đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng ngoại giao của nước này sau sự cô lập của chính phủ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro trước đó, nhưng đã phản đối việc liên kết với các nước phương Tây gửi vũ khí tới Ukraine.

Mauro Vieira, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc thúc đẩy hoặc giúp tạo ra một số cuộc gặp gỡ có thể dẫn đến một tiến trình hòa bình. Tổng thống từng nói rằng ông đã nghe nhiều về chiến tranh nhưng rất ít về hòa bình. Ông quan tâm đến các cuộc đối thoại hòa bình.”

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Lula cho biết ông sẽ thúc đẩy ý tưởng về một nhóm các quốc gia hòa giải, nói rằng “đã đến lúc Trung Quốc phải tham gia”.

Tuy nhiên một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi. Ryan Berg, một chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Brazil là một quốc gia có khát vọng. Họ muốn được chứng tỏ bản thân trong việc góp phần giải quyết các vấn đề và đáp ứng những thách thức toàn cầu. Vấn đề là Brazil không có vị thế phù hợp để có thể tác động đến cuộc xung đột này, cũng không được nhiều người coi là trọng tài trung lập vì là thành viên của BRICS (nhóm gồm cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi)”.

Trung Quốc

Ngày 24/2, Trung Quốc đưa ra tài liệu 12 điểm về “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Kế hoạch của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của Nga, và thậm chí của cả một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hungary.

Trong cuộc gặp tại Mátxcơva với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi đề xuất của Bắc Kinh, nói rằng: “Chúng tôi tin nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với lập trường của Nga và có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa quan sát thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía họ."

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về xung đột Ukraine và duy trì lập trường cân bằng. Ông Tập cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và quay trở lại đàm phán để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Có thông tin cho rằng Chủ tịch Trung Quốc sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chuyến thăm Nga. Nhưng đến nay, vẫn chưa có cuộc đối thoại nào được thực hiện.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP được công bố ngày 29/3, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông sẵn sàng đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nước này .

“Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ông ấy ở đây. Tôi muốn nói chuyện với ông ấy. Tôi từng nói chuyện với ông ấy trước khi xung đột bùng phát. Nhưng trong suốt hơn một năm nay, tôi không liên lạc”, Tổng thống Zelensky nói.

Khi được hỏi về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được lời mời của ông Zelensky chưa, và liệu ông Tập có ý định thăm Ukraine hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết bà không thể cung cấp thông tin gì.

“Đối với vấn đề Ukraine, Trung Quốc duy trì liên lạc với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Ukraine. Về câu hỏi của bạn, tôi không thể cung cấp thông tin gì.”

Trước đó, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak cho biết cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đang được lên kế hoạch nhưng có một số trở ngại nhất định, bao gồm cả lập trường của Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần trước, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình Ukraine.

Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan “cám ơn Tổng thống Putin vì lập trường tích cực của ông trong việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen”, và “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức xung đột Ukraine thông qua các cuộc đàm phán hòa bình”.

Trước đó, ông Erdogan từng nhiều lần điện đàm và gặp trực tiếp Tổng thống Nga Putin kể từ khi xung đột bùng phát. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đăng cai tổ chức một vòng đàm phán hòa bình Nga – Ukraine, và cùng Liên Hợp Quốc làm trung gian đàm phán thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa hai nước.

Những quốc gia muốn trở thành trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Mexico

Mexico cuối năm ngoái đã đưa ra một đề xuất hòa bình, trong đó vạch ra một kế hoạch bao gồm việc thành lập một "ủy ban hòa giải" để giải quyết các xung đột trên toàn thế giới, do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Giáo hoàng Francis đứng đầu.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết ủy ban sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để đạt được "một thỏa thuận ngừng bắn ít nhất 5 năm".

Tuy nhiên, đề xuất của Mexico đã vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine. Một cố vấn của ông Zelensky, Mykhailo Podolyak, đã gọi đó là "kế hoạch của Nga" và sẽ "cho Nga thời gian để tăng cường dự trữ trước cuộc tiến công tiếp theo”.

Iran

Tehran hồi tháng 8/2022 đã gửi cái gọi là “sáng kiến hòa bình” đến Nga.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tiết lộ sáng kiến này đã được một lãnh đạo châu Âu trao cho Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ông không nêu tên nhà lãnh đạo châu Âu đứng sau sáng kiến này hoặc tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào, nhưng cho biết đề xuất bao gồm các điểm về nhà máy hạt nhân Zaporozhye và các tù nhân chiến tranh.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Iran đã nhiều lần làm trung gian truyền tải thông điệp giữa Mátxcơva và Kiev, nhưng đây là trường hợp công khai đầu tiên về việc Tehran gửi thông điệp từ châu Âu.

Iran đã nhiều lần khẳng định giao tranh phải dừng lại thông qua đối thoại và từ chối lên án Mátxcơva. Tehran cho rằng sự mở rộng của NATO là gốc rễ của vấn đề.

Theo FT, Reuters, Al Jazeera

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại