Nói đến sự xinh đẹp, thân hình hoàn hảo, nhiều người nghĩ ngay tới sinh viên trường múa. Điều này hoàn toàn chính xác khi ngay từ đầu vào, các sinh viên đều được chọn lựa kỹ lưỡng.
Và không ít người vẫn mặc định là những học viên, sinh viên trường múa khá nhàn nhã. Mỗi lớp học chỉ 10-15 người và… múa hát suốt ngày.
Thực tế không phải như vậy. Để có thể theo được nghiệp múa, người học không chỉ cần có đam mê mà còn phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức.
Sẽ không phải quá lời khi nói rằng nghệ sĩ múa là những người lao động nghệ thuật 1 cách nhọc nhằn nhất nhưng lại ít vinh quang nhất.
Phóng sự ảnh theo chân 1 nữ sinh trường Cao đẳng Múa Việt Nam sẽ giúp chúng ta thấy được những nhọc nhằn không phải ai cũng biết.
Nguyễn Thị Phương Nhung sinh năm 1998, hiện đang là sinh viên năm 2 của trường Cao đẳng Múa Việt Nam.
Đã 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, Phương Nhung có 4 môn học múa trong 1 ngày, mỗi ngày khoảng 4-6 tiết múa.
Trong suốt 2 năm học, không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của các học viên đã đổ xuống mỗi sàn tập.
Hằng ngày, Nhung tới trường từ 6h30, 7h sáng cô sẽ có tiết học đầu tiên. Suốt 2 năm liền, Phương Nhung làm quen với 4 bộ môn múa: Ba lê, Dân gian, Cổ điển Việt Nam và Đương đại.
Bước chân vào khuôn viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam, nhiều người sẽ thích thú hoặc ngạc nhiên bởi các nữ sinh, nam sinh trong trường đều sở hữu vóc dáng khá mảnh mai và chiều cao tương đối nổi bật.
Quy định tuyển sinh của trường là các học viên phải cao ít nhất từ 1m6. Còn về cân nặng ít có học viên nữ nào vượt quá 45kg.
Nhung chia sẻ: "Nhìn vóc dáng của chúng em, có lẽ nhiều người cho rằng chúng em phải ăn kiêng dữ lắm. Thật ra thì chúng em không có kiêng khem gì trong ăn uống. Trái lại, em phải ăn nhiều, ăn đủ chất thì mới có thể tập luyện được".
"Các thầy cô thường nói, nghề múa là 1 nghề nhọc nhằn nên chúng em phải ăn đủ chất và lượng để có năng lượng mà tập luyện".
"Nhưng chúng em cũng không được ăn quá nhiều, vì nếu tăng cân nhiều thì cũng không thể múa được".
Tiết học múa Ba-lê của Phương Nhung.
9h30, sau giờ học múa Ba-lê, Nhung trống 2 tiết nên cô tranh thủ thay đồ, về nhà để nghỉ ngơi.
Lúc này, Phương Nhung và các bạn mới có thời gian ăn sáng.
Để tiện cho việc học tập, Nhung và 1 bạn cùng lớp thuê 1 căn phòng nhỏ ở khu tập thể gần trường.
Có những ngày cô phải thay tới 3-4 chiếc áo. Vì sau mỗi tiết học, chiếc áo của Nhung và các bạn khác ướt đẫm mồ hôi.
Phương Nhung tranh thủ nghỉ ngơi, vì đến 10h30 cô sẽ tiếp tục lên lớp.
Từ nhà trọ của Nhung đến trường chỉ mất khoảng 5 phút đi bộ. 10h30, sau khi thay đồ và chuẩn bị đạo cụ tập múa, Nhung tiếp tục lên lớp.
Nhung tâm sự: "Thời gian đầu, khi mọi người phải ép dẻo là khoảng thời gian khó khăn và dễ khiến người ta bỏ cuộc nhất".
"Những lúc xuống tấn và xoạc ngang là những giây phút "kinh hoàng" nhất của các học viên mới. Bởi cơ và xương sẽ rất đau. Có những lúc, em có cảm giác như đau đến mức không thể khóc được, không thể đi lại được".
"Nhưng rồi sau tất cả, chúng em vẫn lên lớp, vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình".
"Múa đòi hỏi diễn viên phải có độ dẻo nhất định, nên các bạn học viên trong trường thường có độ tuổi khá nhỏ. Nhỏ nhất trong lớp em là 1 bạn sinh năm 2003. Càng nhỏ thì việc ép dẻo càng dễ dàng hơn".
"Cả gia đình em không có ai làm nghệ thuật. Khi nghe em trình bày là em muốn học múa, bố mẹ cũng ngăn cản dữ lắm. Vì bố mẹ bảo, nghề múa vất vả".
"Nhưng em thích, và em lựa chọn nên một thời gian sau, bố mẹ cũng chấp nhận và còn động viên em nữa".
"Em không trực tiếp thi vào trường múa. Ban đầu, em thi đậu vào 1 đoàn văn công, rồi đoàn gửi em sang trường Múa để học tập".
"Lúc đầu, cũng nhiều người nghĩ rằng em chỉ thích thế thôi, rồi sẽ nhanh chóng từ bỏ. Nhưng qua 1 thời gian, múa đã trở thành niềm đam mê thực sự của em".
Việc phải vận động liên tục với cường độ cao khiến các học viên mất sức rất nhanh.
Sau mỗi bài múa, các học viên chỉ được nghỉ khoảng 2 phút để... thở hoặc để chuẩn bị đạo cụ rồi lại tiếp tục tập luyện.
Múa không chỉ đòi hỏi các diễn viên phải phô diễn hình thể mà việc "diễn mặt" - thể hiện cảm xúc trên gương mặt - cũng rất được chú trọng.
12h15, Phương Nhung kết thúc 2 môn học buổi sáng và trở về phòng trọ.
Cô sẽ có khoảng 1 tiếng để vừa nghỉ ngơi, vừa ăn trưa rồi trở lại lớp học để tiếp tục các tiết học buổi chiều.
13h20, Phương Nhung cùng các bạn bước vào tiết học đầu tiên của buổi chiều với môn Múa cổ điển Việt Nam.
Khi bắt đầu tập, các học viên được bám vào khung để giữ thăng bằng. Sau khi đã thành thạo 1 động tác, họ sẽ rời khung để thể hiện toàn bộ động tác.
Bài múa này yêu cầu các học viên phải miết chân trên sàn rất nhiều lần nên Nhung và các bạn sẽ mang giày múa để tập luyện, tránh bị trầy xước đôi bàn chân.
"Những năm sau này, chúng em sẽ phải học thêm một số bộ môn khác. Chuyện gãy chân, gãy tay hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình tập luyện".
Chỉ sau khoảng 5 phút tập luyện, những giọt mồ hôi đã lăn dài trên gương mặt và thấm đẫm chiếc áo của Phương Nhung.
2 phút nghỉ sau mỗi đợt tập luyện là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với các học viên trường múa.
Tranh thủ trong lúc nghỉ giải lao, Phương Nhung và các bạn lại tập uốn dẻo.
Mùa đông cũng như mùa hè, những chiếc quạt ở các sàn tập của trường Cao đẳng Múa Việt Nam liên tục chạy hết công suất. Và những chiếc áo của các cô hot girl trường Múa cũng chẳng lúc nào thôi đẫm mồ hôi.
14h30, tiết học múa Cổ điển Việt Nam đã hoàn thành. Vì thời gian nghỉ khá ít, lại thêm thời tiết nắng nóng nên Nhung và các bạn ở lại trường, chờ tới giờ học tiếp theo.
Quán cóc vỉa hè ngay bên cạnh cổng trường Múa chính là điểm đến quen thuộc của các học viên sau mỗi giờ tập luyện. Những cốc chè giải nhiệt, những món đồ uống lạnh luôn là thứ bán chạy nhất.
Nhung và các bạn trong lớp sẽ có khoảng 45 phút nghỉ ngơi trước khi bắt đầu vào học môn Múa hiện đại.
Đối với môn học này, việc trang bị đồ bảo hộ đầu gối và mũi bàn chân là việc không thể thiếu.
Lớp Nhung có khoảng 12 học viên. Tất cả đều là "hạt giống" của các đoàn văn công. Sau khi kết thúc việc học ở trường Múa, họ sẽ trở về đoàn và công tác tại đó.
15h15, cả lớp Nhung bước vào tập luyện môn Múa hiện đại. 17h, Nhung kết thúc buổi học và trở về phòng trọ. Ngay mai, cô sẽ lại có 1 lịch trình tương tự như hôm nay.
"Chúng em chỉ có duy nhất 1 mong muốn, là được đứng trên sân khấu, được múa cho khán giả xem. Những tràng pháo tay của khán giả và ánh đèn sân khấu chính là vinh quang lớn nhất mà nghề múa chúng em có được".