Những phong tục dị biệt ở vùng cao

Bảo Phượng |

Trong đời sống tâm linh, nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao vẫn quan niệm chết chưa phải là đã hết, mà con người ta chỉ bước sang một thế giới khác, có khi còn “rộn ràng, vui thú hơn trần tục”. Vì thế, phong tục ma chay của đồng bào có rất nhiều dị biệt.

Sống nhờ rừng, thác cũng nhờ rừng

Từ xa xưa, người Xơ - Đăng ở một số bản làng hẻo lánh của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã có tục “táng treo” cho người chết. Quan tài được treo, gác trên những thân cây gỗ lớn trong một khu rừng riêng biệt. 

Nơi đó được gọi là “rừng ma”, là khu vực bất khả xâm phạm, nơi chỉ dành riêng cho thế giới người chết. Nếu người trần đặt chân tới sẽ bị trừng phạt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng. 

Thế nên người dân không mấy ai dám bén mảng đến “rừng ma”, dù chỉ để chặt một cành cây. Thậm chí, người ta còn dám nhìn thẳng vào rừng, bởi họ sợ con ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình và bản làng.

Những phong tục dị biệt ở vùng cao - Ảnh 1.

Thầy mo Đinh Thế Sinh: "Tục chia của cho người chết giờ chỉ còn là hình thức"

Theo một số già làng ở Tu Mơ Rông kể lại thì tục “táng treo” có từ rất lâu đời. Xuất phát từ việc vùng này là rừng cây rậm rạp, khi chôn cất người chết bị thú rừng, nhất là mèo rừng và cọp moi xác lên ăn, người chết sẽ không bước sang sinh sống được ở một thế giới khác, đó là “thế giới của người âm”. 

Vì vậy, ngoài phong tục cho rằng nhờ cây rừng che chở linh hồn, thì do nghĩ là treo lên cây không bị thú rừng ăn thịt. Bởi, đối với người Xơ - Đăng, nếu mộ người chết bị moi lên thì đó là con ma rừng đáng sợ nhất. Nó sẽ tìm đường về làng, bắt người nhà, bắt người làng theo nó. 

Ấy là chưa kể nó sẽ quấy phá làng liên tục, làm người đau ốm, đau chết, mùa rẫy thất bát. Vì vậy ngày trước nhiều làng phải dời đi tìm nơi ở mới, tránh xa con ma rừng đáng sợ kia. Đây là lý do lớn nhất khiến đồng bào nghĩ đến cách “táng treo”.

Già làng A B’Lăng ở Măng Ry (Tu Mơ Rông, Kon Tum), kể rằng: “Xưa kia, có đêm cọp gầm rú ngoài “rừng ma”. Bởi nó đánh hơi được thịt nhưng không leo lên cây được nên gầm rú thế. Còn ban ngày, quạ bay đầy chỗ quan tài. 

Chúng nó là loài ăn thịt thối, bay quần qua lại để ăn xác chết thôi. Thế nên, khi chết, người Xơ Đăng thường được chôn dưới những tán cây rừng to như một lời cầu nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn”.

Từ xa xưa, người Xơ Đăng đã có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em họ. Quan hệ buôn làng khá đoàn kết, có tục kết nghĩa với người cùng tuổi hoặc cùng tên. 

Con cháu cùng họ không được phép kết hôn với nhau. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục, được tìm hiểu, yêu nhau. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.

Coi trọng phụ nữ là vậy, nhưng có một điều đặc biệt là ở Tu Mơ Rông, phụ nữ không được tham gia vào việc chôn cất người chết, cho dù người chết ấy có là cha, chồng hay con do chính họ sinh ra. 

Và quan trọng hơn là họ không bén mảng vào “rừng ma" trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà không có con trai, chỉ toàn phụ nữ, thì đàn ông trong dòng họ, thôn bản nhận nhiệm vụ chôn cất. 

Sau khi xong việc, ngoài những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò, ăn uống suốt mấy ngày liền để tống tiễn linh hồn của người đã chết…

Họ phải vui vẻ để người đã khuất biết người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. 

Và người chết, phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm", già làng A B’Lăng nói thêm. Và đối với họ, “con ma” trong “rừng ma” đáng sợ gấp ngàn lần con voi, con cọp…

Trong tín ngưỡng của người Xơ - Đăng thì họ luôn tin rằng, người chết có một năng lực siêu nhiên và họ có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này, kể cả việc "bắt" linh hồn của người sống đi theo. Chính vì vậy, người Xơ - Đăng không chỉ rất sợ hồn ma người đã chết mà còn xem hồn ma đó đang còn “sống” với một khả năng siêu phàm.

Mình có chôn người chết xuống đất, xây bốn bức tường kín mít thì cái hồn của nó vẫn ở trên thôi. Nó không nằm dưới đất đâu, xây kín nó cũng đi được, chỉ có mình là không đi được thôi. 

Nó giống như con mối, con mọt trong nhà mình ấy, xây nhà rồi mà nó vẫn đục tường, đục gỗ đi được, con ma cũng vậy. Mà sống chết là thuận theo quy luật tự nhiên. Con người cũng như cái cây hay con thú trong rừng, có sinh - lão - bệnh - tử. 

Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, cái nhà để ở, cái nước để uống, nên khi chết thì về với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi”, già làng A B’Lăng chia sẻ.

Khoảng chục năm trở lại đây, các cơ quan đoàn thể cùng với chính quyền địa phương ở Tu Mơ Rông đã tích cực tuyên truyền, vận động, người dân Xơ - Đăng đã bỏ tục táng treo. Tuy nhiên, người đã khuất vẫn được chôn theo phong tục vợ chồng đặt cạnh nhau. 

Và cho đến hôm nay, trong tiềm thức người Xơ - Đăng” thì người chết vẫn còn “sống”, chỉ là ở thế giới khác, thế nên dù chôn như thế nào, những người sống cũng không dám ra nghĩa địa.

Chôn của cải theo người chết

Cũng giống như người Xơ - Đăng, người Mường ở nhiều vùng đất thuộc Hòa Bình, Sơn La cũng quan niệm rằng chết chưa phải là đã hết, mà con người ta chỉ bước sang một thế giới khác, có khi còn “rộn ràng, vui thú hơn trần tục”. Và phong tục chia của cho người chết cũng bắt đầu từ suy nghĩ đó.

Thầy mo Đinh Thế Sinh (SN 1940, ở thôn Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) kể: “Ngày xưa, người Mường vẫn hay chôn của cải vật chất theo người chết. Trong nhà có đồ gì thì chia cho họ cái ấy, mỗi thứ một ít nhưng phải đầy đủ cho sinh hoạt. 

Với những gia đình nghèo, họ thường chôn theo bát, hũ, các vật dụng khác bằng sành và một ít tiền xu. Còn với những gia đình giàu có hoặc dòng dõi quan lang thì họ sẽ chôn theo người chết những đồ vật có giá trị như bát sứ, hũ men, tiền vàng, chuỗi ngọc… 

Những đồ vật này sẽ được chia theo tỉ lệ: Của cải trong nhà phải chia đôi và của cải ngoài ruộng đồng phải chia ba cho người chết và người sống. Những đồ trang sức có quý giá sẽ được bỏ vào bên trong quan tài, còn các vật dụng khác sẽ chôn bên cạnh. 

Thậm chí ở một số vùng, những người thuộc dòng dõi quan lang, khi chết họ sẽ được quyền mang theo cả con ở, người hầu để khi sang đến “cõi âm” còn có người hầu hạ”.

Cũng theo ông Sinh thì tục ma chay của người Mường khác nhiều so với các dân tộc khác. Người chết ở đây sẽ được tổ chức làm ma, các con mỗi người sẽ dâng một cỗ bánh gồm đầy đủ các loại bánh chưng, bánh giầy, bánh lá... 

Khi làm ma, thầy mo sẽ đọc những thứ trong nhà có như quần áo, khăn, tất… mà người thân vừa đốt, sau đó dặn: “cho ông/bà 15 cái áo, 15 cái khăn,… ông/bà nhớ lấy, ai mua không bán, ai mượn không cho” và khi nhập quan, cho người chết những thứ gì phải kể hết nếu không họ sẽ bị trấn lột không có đồ dùng.

 “Nhiều người trong làng, nhà có người mất, đêm nằm mơ thấy người chết về than vãn mình đói rách, không có gì cả mới đến hỏi thầy mo, tại sao cho bao nhiêu quần áo mà các cụ vẫn kêu đói rách”, ông Sinh kể.

Trong khi khâm liệm, người ta sẽ làm lễ Phạm hàm cho người chết. Trước tiên thầy mo sẽ dùng chiếc đũa cả đặt ngang miệng người quá cố, sau đó thả vào một ít gạo nếp và vàng. Nhà nào có điều kiện thì bỏ vài phân vàng, nhà ít thì bỏ vài ly. 

Làm vậy để ở thế giới nào đó, lời nói của người vừa chết sẽ có trọng lượng, như vàng như bạc vậy. Việc cho hạt gạo nếp vào miệng để miệng dẻo như cơm nếp, nói ra toàn những lời hay, ý đẹp khiến người khác phải nghe theo, phục tùng. Người Mường còn quan niệm rằng, có tổ chức được lễ Phạm hàm, thì ở dương gian con cháu mới được tươi tốt. 

Sau lễ Phạm hàm là lễ Minh y, tức trao của cải, quần áo cho người chết. Trong số những của cải ấy có đủ quần áo và đồ dùng gia đình.

Chính vì phong tục này mà trong mấy năm vừa qua, một số khu mộ cổ của người Mường bị kẻ gian đào bới tìm cổ vật. Hơn nữa, do thủ tục rườm rà lại tốn kém nên lâu dần những phong tục của người Mường đã có nhiều thay đổi. 

Những đồ vật cúng táng theo người chết được thay thế bằng đồ hàng mã. Phàm trên dương gian có gì thì sẽ đốt thứ ấy cho người chết đi. Do người Mường quan niệm, dưới âm phủ cũng có cường hào, cướp giật, trộm cắp, trấn lột nên khi cho người chết thứ gì phải nói rõ mình cho gì, cho bao nhiêu và hóa sớ danh sách những vật dụng ấy nếu không sẽ bị tịch thu. 

Quan Phụ Lâm ở âm phủ cũng giống Hải quan trên này, những thứ đốt xuống đó mà không có giấy tờ sẽ bị thu lại. Chính vì thế mới có chuyện người âm về đòi của. Ngày xưa, khi hết 3 năm, 3 tháng, 10 ngày người ta sẽ làm lễ mãn tang, bỏ mả. Nhưng bây giờ chỉ sau 3 tháng, 10 ngày, người Mường đã làm lễ mãn tang.

Có những gia đình nghèo đến nỗi chỉ có một chiếc nồi, nấu cơm chín dỡ ra rồi mới nấu canh, kho cá cũng vào chính cái nồi ấy nên người ta chẳng nỡ đem chia, mà chia rồi lấy gì cho người sống được sống tiếp. 

Lâu dần, tục chia của cũng bị lãng quên đi do không có của cải và hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhất là vào những năm 1945, nạn đói tràn lan, người chết như ngả rạ, chẳng có của để ăn huống chi nói đến việc đem chôn, tục lệ còn lại chỉ là hình thức và cũng mai một dần theo thời gian”, ông Sinh chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại