Những phiên đấu giá cổ phần gây sốc nhất năm 2019

Thạch Lâm |

Năm 2019 đánh dấu việc có rất nhiều phiên đấu giá cổ phần gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư.

Năm 2019 khép lại, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận nhiều sự kiện, nhiều điểm nhấn đặc biệt, kể cả trên phương diện những phiên đấu giá cổ phần. Trên cả 2 sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều phiên đấu giá thành công với nhiều trăm triệu cổ phiếu được bán ra.

Theo thống kê, không kể những phiên đấu giá bị hủy do không có nhà đầu tư đăng ký mua, hoặc các lý do khác, chỉ tính riêng những phiên đấu giá thành công với việc có cổ phần được bán ra, HNX đã diễn ra 35 phiên với hơn 225 triệu cổ phiếu được đưa ra chào bán. Còn HoSE có 20 phiên với gần 100 triệu cổ phiếu được đưa ra chào bán.

Thống kê cũng cho thấy, lượng cổ phần đặt mua lớn hơn rất nhiều so với lượng cổ phần mang ra chào bán. Sở HNX các nhà đầu tư đăng ký mua hơn 358 triệu cổ phần còn tại HoSE là 247 triệu cổ phần, gấp 2,6 lần tổng số cổ phần chào bán.

Phiên đấu giá có giá trị lớn nhất năm

Phiên đấu giá có giá trị cổ phần trúng giá lớn nhất là phiên đấu giá cổ phần Tổng công ty Viglacera do Bộ xây dựng sở hữu. Có hơn 80,5 triệu cổ phần được mang ra chào bán với giá khởi điểm 23.000 đồng/cổ phần. Kết quả, có 69 triệu cổ phần được bán thành công với giá trúng bình quân 23.000 đồng/cổ phần, thu về gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy vậy thời điểm đó, việc Bộ Xây dựng không thể bán hết hơn 80 triệu cổ phần đăng ký cũng là một điểm ngạc nhiên của các nhà đầu tư bởi đó cũng là thời điểm Viglacera có nhiều biến động về cơ cấu cổ đông. Lúc đó, có 3 nhà đầu tư mua 69 triệu cổ phần Viglacera từ Bộ Xây dựng.

Trong đó Gelex ngoài mua 1 phần cổ phiếu VGC từ Bộ Xây dựng, còn gia tăng tỷ lệ sở hữu bằng cách mua lại cổ phần từ nhóm Dragon Capital. Sau đó không lâu, Gelex đã đưa người vào tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT của Viglacera.

Phiên đấu giá "hot" nhất năm

Ít ai có thể nghĩ rằng, chức quán quân của phiên đấu giá "hot" nhất năm 2019 lại thuộc về một cái tên khá xa lạ - CTCP cấp nước Thanh Hóa (THN) do UBND tỉnh Thanh Hóa sở hữu.

Có 11,05 triệu cổ phần được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần, thì nhà đầu tư đăng ký mua đến 117,2 triệu cổ phần – hơn gấp 10 lần lượng cổ phần mang ra đấu giá. Giá trúng bình quân cũng gấp 2,8 lần giá khởi điểm.

Trong khi đó hơn 1 năm nay cổ phiếu THN duy trì ngang mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và giảm về 6.000 đồng/cổ phiếu từ 3/4/2019 do có 100 cổ phiếu khớp lệnh ở giá sàn.

Thêm một điểm đáng lưu ý, thời điểm đó UBND Tỉnh Thanh Hóa nắm giữ hơn 27,87 triệu cổ phần tương ứng 84,48% vốn điều lệ Cấp nước Thanh Hóa. Số cổ phần bán ra chiếm 33,48% vốn điều lệ, và sau khi bán, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn nắm cổ phần chi phối tại Cấp nước Thanh Hóa.

Điểm hấp dẫn của phiên đấu giá có thể đến từ những lô đất rộng mà doanh nghiệp đang quản lý. Theo thống kê, công ty đang quản lý, sử dụng một danh mục gồm 20 lô đất lớn – nhỏ khác nhau với tổng diện tích lên đến 354.639m2 ở các vùng khác nhau tại Thanh Hóa.

Đấu giá cổ phần ngành nước lên ngôi

Trong năm 2019 vừa qua cũng chứng kiến nhiều phiên đấu giá cổ phần các doanh nghiệp ngành nước. Và phần lớn trong số đó đều rất thu hút nhà đầu tư.

Ví dụ như có nhà đầu tư đã chi 350 tỷ đồng mua trọn lô hơn 14 triệu cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình (NNB) do UBND tỉnh Ninh Bình chào bán. Phiên đấu giá này cũng khá "căng" khi có 4 nhà đầu tư tranh mua lô cổ phần này.

Phiên đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk cũng hút nhà đầu tư khi có hơn 18,34 triệu cổ phiều mang ra chào bán mà lượng đặt mua còn hơn gấp 4 lần, lên 73,7 triệu cổ phần. Tổng giá trị cổ phần trúng giá hơn 316 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, phiên đấu giá cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước cũng có đến 4 nhà đầu tư tranh mua, với tổng lượng cổ phần đặt mua hơn 44,4 triệu. Tổng giá trị cổ phần trúng giá hơn 231 tỷ đồng.

Trong năm qua còn có các phiên đấu giá cổ phần của cấp nước Cửa Lò, Nước Thủ Dầu Một (TDM), cấp thoát nước Cần Thơ (CTW), Cấp thoát nước Bắc Kạn...

Phiên đấu giá gây bất ngờ nhất

Bất ngờ nhất trong năm 2019 có lẽ thuộc về phiên đấu giá cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu.

Trong khi trên thị trường cổ phiếu DCI đang giao dịch quanh mức 2.800 đồng/cổ phiếu và thanh khoản hầu như không có, thì Vinachem làm điều không tưởng khi đưa 900.411 cổ phần ra bán đấu giá với giá "trên trời" 113.700 đồng/cổ phần.

Ngạc nhiên hơn, là các nhà đầu tư đăng ký mua đến hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tăng 33% so với lượng chào bán, và giá đấu thành công bình quân 113.733 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 102 tỷ đồng.

Việc Vinachem thoái vốn tại các đơn vị thành viên với giá rất cao so với giá giao dịch các cổ phiếu của doanh nghiệp đó trên thị trường không còn lạ. Tuy nhiên việc thoái vốn với giá quá cao tại Hóa chất Đà Nẵng là điều khiến nhà đầu tư ngạc nhiên. Vinachem cũng đã thoái vốn thành công tại Pin Hà Nội (PHN), tại Sơn Tổng Hợp Hà Nội, tại CTCP Tư vấn và Xây dựng Mỏ...

Nhiều bất ngờ đến từ những cái tên "lạ"

Năm 2019 gây khá nhiều bất ngờ cho các nhà đầu tư tại các phiên đấu giá cổ phần. Không phải sức hút đến từ những "ông lớn" như Viglacera, như Hóa chất Đức Giang... mà là từ những cái tên rất lạ, của những doanh nghiệp nhỏ.

Điển hình trong số đó là phiên đấu giá hơn 3,13 triệu cổ phần của CTCP Phát triển Nhà Cần Thơ với giá khởi điểm 28.000 đồng/cổ phần. Các nhà đầu tư đã đăng ký mua đến hơn 21,9 triệu cổ phần, gấp 7 lần lượng cổ phần chào bán, với giá đầu thành công 47.300 đồng/cổ phần, thu về 148 tỷ đồng.

Hay phiên đấu giá gần 2,5 triệu cổ phần Đăng kiểm Tây Ninh, nhà đầu tư đặt mua đến hơn 14,7 triệu cổ phần, gấp 6 lần lượng chào bán với giá đấu thành công gấp gần 2,6 lần. Đăng Kiểm Đắc Nông cũng hút nhà đầu tư với lượng đặt mua gấp 3 lần lượng chào bán. In tổng hợp Cần Thơ đưa hơn 10 triệu cổ phần ra chào bán thì số lượng đặt mua cũng gấp 3 lần.

Những phiên đấu giá "ế" nặng

Tuy thành công vang dội khi thoái vốn tại Hóa chất Đà Nẵng hoặc một số doanh nghiệp khác, nhưng Vinachem lại chỉ bán được 200 cổ phần trong tổng số hơn 11,45 triệu cổ phần Hóa chất Đức Giang (DGC) mang ra chào bán.

Ngoài ra, phiên đấu giá cổ phần tại Ắc quy Tia Sáng của Vinachem cũng "ế" nặng khi chỉ 200 cổ phần được bán ra trong tổng số 3,44 triệu cổ phần chào bán.

Những phiên đấu giá "ế nặng" còn có phiên đấu giá cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 (TV4) do Tập đoàn Điện lực việt Nam sở hữu. Hơn 11,33 triệu cổ phần mang ra chào bán nhưng các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 300 cổ phần.

Hay những phiên đấu giá bán được 1.800 cổ phần Sách và thiết bị trường học Đắc Nông, 31.800 cổ phần Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hưng Yên; 5.500 cổ phần XNK Đồng Nai...

Khép lại năm 2019, mở ra năm 2020

Năm 2019 khép lại, bắt đầu cho năm mới 2020. Và có vẻ sức hút của ngành nước chưa hết khi mở đầu năm, UBND tỉnh Bắc Giang đưa hơn 6,3 triệu cổ phần Nước sạch Bắc Giang (BGW) ra bán đấu giá, thì có đến 240 nhà đầu tư tranh mua. Tổng số cổ phần đặt mua hơn 7,87 triệu cổ phần, lớn hơn lượng cổ phần mang ra chào bán.

Những phiên đấu giá cổ phần năm 2020 cũng có dấu hiệu tốt khi cả phiên đấu giá cổ phần Điện tủ Biên Hòa cũng dự kiến thành công với gần 1,5 triệu cổ phần chào bán mà các nhà đầu tư đăng ký mua đến hơn 3,7 triệu cổ phần.

Một năm 2020 đầy sôi động sẽ chờ các nhà đầu tư phía trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại