Trong khi internet định hình lại cách chúng ta tìm kiếm, chia sẻ thông tin, giao tiếp không giới hạn thì iPhone lại thay đổi hoàn toàn mối liên hệ giữa con người và công nghệ, biến chiếc smartphone từ mặt hàng xa xỉ trở thành món đồ mà ai cũng phải có.
Đó là hai trong số những phát minh góp phần giúp công nghệ hiện diện ở mọi nơi trên thế giới. Mọi thứ trôi qua nhanh như chớp, chỉ trong 20 năm nhưng đã có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ tỷ USD như dịch vụ gọi xe Uber, xem phim Netflix,... Tất cả đều tồn tại trên nền tảng thành công trước đó của internet và smartphone.
Sau đây là những phát minh quan trọng nhất của giới công nghệ trong 30 năm qua.
1. Internet (1990)
Sự ra đời của internet (hay world wide web) đã thay đổi hàng tỷ con người với khả năng truy cập vào nguồn thông tin vô hạn. Bằng cách cho phép mọi người dù ở bất kỳ đâu đều có thể liên lạc ngay lập tức, internet cũng hoàn toàn thay đổi cách chúng ta giao tiếp, làm quen với người khác.
2. Photoshop (1990)
Photoshop là công cụ chỉnh sửa ảnh, phần mềm thiết yếu cho mọi loại hình kinh doanh. Theo Business Insider, sự linh hoạt của Photoshop giúp mọi đối tượng từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều có thể tạo hoặc chỉnh sửa ảnh theo đúng mong muốn của họ.
Với sự bùng nổ của internet và sau này là mạng xã hội, Photoshop cũng khiến chúng ta hoài nghi hơn về những thứ nhìn thấy trên mạng.
3. Máy GPS di động (1990)
Hệ thống định vị toàn cầu (Global positioning system, GPS) ban đầu được phát triển cho mục đích sử dụng của quân đội Mỹ, nhưng sau đó được triển khai cho mọi người trên toàn thế giới. Những thiết bị GPS đầu tiên cho người dùng xuất hiện từ đầu những năm 90.
Kể từ đó, sự phát triển của internet và smartphone giúp chúng ta không còn bỡ ngỡ khi di chuyển với ứng dụng bản đồ trên chiếc điện thoại nhỏ xinh.
4. Nhân bản vô tính (1996)
Cừu Dolly là con vật có vú đầu tiên trên thế giới được nhân bản vô tính từ một tế bào trưởng thành vào năm 1996. Tháng 2/2003, Dolly qua đời sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi. Cô được trưng bày công khai tại Bảo tàng Scotland.
Nhân bản vô tính vẫn là chủ đề gây tranh cãi về đạo đức trong giới khoa học, hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ này để "hồi sinh" các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
5. Email và SMS (1992)
Một số công ty đã có hệ thống gửi tin nhắn nội bộ từ những năm 70 và 80, thế nhưng sự ra đời của internet đã biến email trở thành hình thức giao tiếp tiêu chuẩn cho mọi người trên khắp thế giới.
Tin nhắn văn bản (SMS) ban đầu được thiết kế để gửi và nhận bằng điện thoại, và sự bùng nổ của điện thoại cũng giúp SMS trở nên phổ biến.
6. Netflix (1997)
Trước khi trở thành dịch vụ stream phim theo yêu cầu số 1, khởi đầu của Netflix lại khiêm tốn hơn nhiều.
Khi mới thành lập, Netflix chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê đĩa DVD bằng cách gửi thư tay chứ không hề có ứng dụng xem ngay lập tức như bây giờ.
Năm 2007, Netflix bắt đầu stream phim qua mạng. Kể từ đó, gần như mọi hãng truyền thông lớn đều ra mắt dịch vụ stream video trực tuyến của riêng họ.
Thành công của Netflix cũng ảnh hưởng đến các "ông lớn" như Apple hay Amazon với các dịch vụ như Apple TV+, Amazon Instant Video.
7. Máy bay không người lái (1994)
Từ "drone" được dùng để chỉ những chiếc máy bay cỡ nhỏ có thể điều khiển từ xa. Drone lần đầu được chú ý khi sử dụng trong các cuộc giao chiến trong Chiến tranh chống khủng bố năm 2001.
Khi smartphone và kết nối không dây ngày một tiên tiến, các loại drone cho người dùng từ đó được nhiều người biết đến hơn. Rất nhiều công ty như Amazon có kế hoạch sử dụng drone để giao hàng và thực hiện những mục đích khác.
8. Mobile Broadband (1991)
Công nghệ băng thông rộng di động (Mobile boardband) đã đưa không gian rộng lớn của internet lên những chiếc điện thoại nhỏ gọn. Tuy phải mất một thời gian để cải thiện trải nghiệm internet trên di động, nhưng sự tiện lợi khi có thể xem các thông tin quan trọng như email, bản đồ đã trở thành nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người trên thế giới.
9. Xe hơi lai (1997)
Khi thế giới ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu, các phương tiện giao thông cũng cần thay đổi để thải ra môi trường ít nhiên liệu hơn. Một số nhà sản xuất đã phát triển những chiếc "xe hơi lai" chạy bằng điện và xăng.
Hiện nay, các công ty như Tesla vẫn đang nghiên cứu giúp xe hơi điện trở nên khả thi, hữu dụng và đặc biệt là giá cả phù hợp với hầu bao của nhiều người, có thế mới giúp xe hơi điện trở nên phổ biến.
10. Màn hình phẳng (1997)
Không chỉ đẹp mà TV phẳng còn tiết kiệm điện hơn nhiều so với TV CRT những năm 90. Công nghệ kỹ thuật số trên TV phẳng cũng thay đổi tỉ lệ hình ảnh phổ biến, mang đến hình ảnh sắc nét, chất lượng cao bất kể kích thước màn hình là bao nhiêu.
11. Máy nghe nhạc MP3 (1997)
Máy MP3 cho phép người dùng nghe những bản nhạc kỹ thuật số yêu thích ở bất kỳ đâu. Khác với đĩa than, băng hay CD, nhạc MP3 không bị hư hại về mặt vật lý (tất nhiên còn tùy vào ổ cứng chứa nó nữa).
Trang bị thẻ nhớ ngoài, người dùng còn có thể tăng không gian lưu trữ cho máy MP3 mà không cần mua máy mới.
12. Google Search (1997)
Khoảng 2/3 người dùng internet sử dụng Google Search thường xuyên, biến nó trở thành nguồn tìm kiếm thông tin cực kỳ quan trọng.
13. Trạm vũ trụ quốc tế (1998)
Trạm vũ trụ quốc tế (International Space Station) là nỗ lực của 5 cơ quan vũ trụ đến từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Châu Âu và Canada. Trạm này được mở rộng vào năm 1998 và chào đón những "vị khách" định cư lâu dài từ 2000. Đến nay, hơn 200 người từ 18 quốc gia đã có cơ hội bước lên trạm cho mục đích nghiên cứu khoa học và giáo dục.
14. Đĩa DVD (1998)
DVD (digital versatile disc) ra đời để thay cho băng VHS, thiết bị lưu trữ video cho các gia đình vào những năm 90. Do thuộc dạng kỹ thuật số nên nội dung lưu trong DVD ít bị giảm chất lượng theo thời gian, miễn là đĩa không bị hỏng. Khả năng lưu trữ của DVD cũng vượt trội hơn nhiều so với băng VHS.
15. Facebook (2004)
Tuy không phải mạng xã hội đầu tiên trên internet nhưng Facebook chính là nền tảng thống trị thế giới và là nơi truy cập của hàng trăm triệu người. Ban đầu được thiết kế để giúp bạn bè liên lạc với nhau, theo thời gian Facebook nhanh chóng trở thành nền tảng kinh doanh kết hợp cùng nhiều dịch vụ khác.
16. YouTube (2005)
Ý tưởng của YouTube cực kỳ đơn giản: một nơi dành cho bất kỳ ai muốn xem video và muốn đăng video. Nhưng đây cũng là một sản phẩm của thời đại internet, trở thành nơi giúp hàng triệu người bày tỏ quan điểm của mình, thậm chí là kiếm thêm thu nhập. Với lượng người xem đến từ khắp nơi trên thế giới, YouTube đã xây dựng một nền văn hóa thực sự mới mẻ và độc đáo.
17. iPhone (2007)
iPhone chính là một trong những thiết bị biểu tượng của 30 năm qua, không chỉ vì tính năng mà còn bởi nền tảng phần mềm và các công cụ mà nó mang lại.
iPhone và những smartphone theo sau đã trở thành thiết bị cung cấp thông tin cho hàng trăm triệu người dùng, họ thay đổi hoàn toàn cách giao tiếp với người khác, thay đổi cách giải trí trên di động và rất nhiều thứ khác nữa.
18. Bitcoin (2009)
Giới thiệu vào năm 2009, Bitcoin lần đầu tiên trình diễn cho thế giới ý tưởng về một loại tiền dựa trên điện tử. Bitcoin sử dụng những đoạn mã phức tạp để tạo và xác nhận tiền cho việc giao dịch và mua hàng. Hiện nay giá trị một bitcoin vào khoảng 7.000 USD.
19. Xe tự lái (2012)
Xe tự lái tận dụng những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) và GPS. Dù hầu hết vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng tiềm năng của xe tự lái thì rất lớn như giao hàng tận nơi, sử dụng cho các phương tiện công cộng và đơn giản hóa các thao tác điều khiển xe của con người.