Trước đó, ngày 17.10, sau 4 ngày thẩm vấn, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang xác định, ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng khảo thí) và Vũ Trọng Lương (nguyên phó phòng khảo thí) đã bàn bạc, thống nhất để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh.
Ông Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương. Trong danh sách có con trai của ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang); 13 thí sinh do bà Triệu Thị Chính (nguyên phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) nhờ nâng điểm, xem điểm cho người quen, thân.
Ngoài danh sách Hoài đưa, bị cáo Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình bị cáo Lương thao tác trên máy tính để sửa kết quả bài làm của thí sinh.
Ông Lương đã sửa kết quả bài làm của 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh, điểm thấp nhất 2,2, còn người nâng điểm nhiều nhất là 29,95 điểm.
VKS đã đề nghị tuyên phạt bà Chính 2-2 năm 6 tháng tù Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; ông Khuông 1-1 năm 6 tháng tù treo tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; ông Hoài 8-9 năm, Lương 7-8 năm cùng tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bà Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang) từ 2-2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Những nút thắt chưa được mở trong vụ án
Cùng với đề nghị mức án, VKS nêu quan điểm, có hay không nhận tiền, tài sản, tại cơ quan điều tra và tại tòa, hai bị cáo Hoài và Lương cũng như phụ huynh, người thân thí sinh đều khai việc nhờ nâng điểm do quen biết thân thiết, không có lợi ích vật chất gì để sửa điểm. Do đó, VKS nhận thấy: "Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi".
Song dư luận cho rằng, việc nâng điểm có đơn thuần như bị cáo Hoài trình bày do "tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm", không hề nhận vật chất hay thỏa thuận, trao đổi hứa hẹn nào khác và chỉ được "cho bánh kẹo, hoa quả"...
Việc bà Dung, khai nhờ ông Hoài nâng điểm "chỉ để tạo phúc" cũng được dư luận đặt dấu chấm hỏi.
Ngoài ra, cũng cần xem xét những người có liên quan, nhân chứng của vụ án khi họ trả lời Hội đồng xét xử rằng không có việc nhờ vả nâng điểm cho con, cháu, em mình, mà chỉ là "nhờ xem điểm".
Bởi ngay Chủ tọa phiên tòa Vương Thị Thu Hà lúc đó cũng phải thốt lên: "Nhờ xem điểm sao kết quả lại nâng điểm? Điều đó có vô lý không? Không quà cáp gì mà bao nhiêu người nhờ để bị cáo phải vào vòng lao lý như thế? Các ông, bà suy nghĩ thế nào mà khẳng định không nhờ nhưng kết quả lại thành nâng điểm, trong khi các bị cáo đều là những người ở cương vị lãnh đạo?".
Thực tế, nhiều thí sinh được nâng điểm, đã vào các trường đại học, cao đẳng và đứng "tốp đầu".
Ngoài ra, theo hồ sơ vụ án, tại phiên tòa, kiểm sát viên đã công bố nội dung tin nhắn giữa bà Nguyễn Thị Nga (vợ chủ tịch tỉnh Hà Giang) nhờ bà Chính nâng điểm cho cháu. Tuy nhiên, bà Nga không nằm trong danh sách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án.
Về việc này, ông Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm, vi phạm nguyên tắc công bằng giữa các chủ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo dõi phiên tòa qua các phương tiện thông tin, ông Thiệp thấy, bà Chính khai có nhận tin nhắn của nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương nhờ xem điểm thí sinh, gồm ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT, nhờ xem điểm cho 3 thí sinh), bà Chúng Thị Chiên (Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang), bà Lại Thị Hương (Phó chánh văn phòng UBND tỉnh) cùng nhiều cán bộ sở, ngành.
Theo luật sư, những người trực tiếp hay gián tiếp nhờ các bị cáo nâng điểm cho thí sinh đã có hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, hoặc Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Họ phải bị xử lý như nhau.
Ngay ông Hoàng Văn Hướng, luật sư bào chữa cho bà Chính, trong phần tranh luận cũng nêu kiến nghị điều tra toàn diện những người liên quan đến vụ án này.