Trong nhiều năm, Tây Bắc Syria là nơi sinh sống của hàng triệu người phải di tản vì chiến tranh. Ở đây đông đến nỗi hàng xóm không còn biết láng giềng. Vì vậy, khi trận động đất xảy ra vào tuần trước, những ngôi nhà biến thành đống đổ nát, nhiều người không thể nói chắc chắn ai đã được tìm thấy và ai vẫn còn mất tích.
Giờ đây, sau nỗ lực tìm kiếm những người sống sót và nạn nhân gần như đã kết thúc. Số người chết ở Syria đã tăng lên hơn 3.000. Cư dân của thị trấn al-Atarib vẫn đang lùng sục đống đổ nát để tìm kiếm tài sản cá nhân còn sót lại. Họ cay đắng nói về cảm giác bị thế giới bỏ rơi.
Người dân ở al-Atarib, Syria, tuần hành yêu cầu viện trợ quốc tế. Một người dân địa phương ngồi trên đống đổ nát của chính ngôi nhà ông hôm Chủ nhật (12/2). (Ảnh: NYTimes)
Họ cho biết trong nhiều ngày, do không có viện trợ quốc tế, đôi khi họ buộc phải dùng tay đào bới đống đổ nát trong khi những người sống sót cầu xin sự giúp đỡ.
Yazam Mousa, 17 tuổi, cho biết anh đã trở lại tòa nhà chung cư bốn tầng bị sập mà anh từng sống hàng ngày kể từ khi anh và gia đình chạy ra ngoài sau trận động đất hôm thứ Hai tuần trước (6/2).
“ Lúc 5 giờ sáng, sau trận động đất, chúng tôi đã kéo tất cả mọi người ra ngoài, những người còn sống và cả những người đã chết ”, anh nói. “Những người đã chết, xin Chúa cho linh hồn họ được yên nghỉ. Và những người bị thương, xin Chúa chữa lành cho họ” .
Nhiều người lục tung đống đổ nát ở nơi từng là nhà của họ, tìm kiếm giấy tờ tùy thân, chứng từ tài sản, ảnh cá nhân - bất cứ thứ gì họ có thể cứu vãn được để bắt đầu hàn lại cuộc đời đã tan vỡ của mình.
Người dân ở al-Atarib nói họ cảm thấy bị bỏ rơi.
Các nhân viên cứu hộ nói rằng nếu không có thêm sự giúp đỡ từ thế giới bên ngoài, họ chẳng thể làm được gì nhiều.
Ali Obeid, thành viên 28 tuổi của Mũ bảo hiểm trắng (White Helmet), nhóm dẫn đầu các nỗ lực cứu hộ ở khu vực này của Syria, nói: “Chúng tôi cảm thấy bất lực, chỉ là bất lực" . Gần đó, những người biểu tình đứng bấp bênh trên bê tông vỡ và kim loại cong vênh, giơ cao các biểu ngữ lên án Liên Hợp Quốc (LHQ).
Nhưng việc viện trợ cho vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề này của Syria thậm chí còn khó hơn là viện trợ cho nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 37.000 người chết trong trận động đất.
Trong 12 năm, Syria chìm trong cuộc nội chiến chia cắt đất nước thành nhiều khu vực tự trị khác nhau. Vùng đất nơi al-Atarib tọa lạc do lực lượng đối lập Syria quản lý, khiến tình hình ở đây càng trở nên phức tạp hơn và khiến viện trợ quốc tế giảm xuống mức nhỏ giọt trong tuần qua.
“ Chúng tôi chạy đua với thời gian và cuối cùng, công việc của chúng tôi chủ yếu được thực hiện bằng tay ”, ông Obeid nói. “ Chúng tôi đến một tòa nhà bị sập và những người bên trong vẫn còn sống. Chúng tôi có thể nói chuyện với họ, nhưng chúng tôi không có sẵn thiết bị để đưa họ ra ngoài”.
Người dân nỗ lực cứu vớt những gì còn lại trong đống đổ nát của chính ngôi nhà mình ở al-Atarib.
Trong những ngày đầu tiên sau trận động đất, không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài.
Bị bỏ rơi, các cư dân tập hợp lại với nhau, với những người hàng xóm kéo nhau ra khỏi đống đổ nát, quyên góp nhiên liệu và phương tiện cho các đội cứu hộ địa phương và biến các nhà thờ Hồi giáo thành trung tâm quyên góp.
Các quan chức LHQ cho biết, cửa khẩu biên giới duy nhất mà LHQ có thể sử dụng để chuyển hàng viện trợ đến khu vực do phe đối lập kiểm soát đã ngừng hoạt động trong hai ngày đầu tiên sau trận động đất vì những con đường dẫn đến nó đã bị phá huỷ. Chỉ đến hôm thứ Hai (13/2), LHQ mới thông báo rằng mở thêm hai cửa khẩu viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Tây Bắc Syria.
Một nạn nhân sống sót sau trận động đất được điều trị tại bệnh viện Idlib.
“ Tất cả họ đều vắng mặt khi thảm họa đến ”, Obeid, thành viên Mũ bảo hiểm trắng nói, “LHQ và tất cả các tổ chức viện trợ quốc tế” có lỗi trong sự đau khổ này của người dân khi đã không giúp đỡ. Sự thiếu hụt viện trợ bởi xung đột giữa hai vùng Syria kéo dài. Trong khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát dòng cứu trợ đến khu vực Tây Nam Syria thì phe đối lập không chấp nhận sự hỗ trợ của chính quyền.
Obeid nhớ lại ngày xảy ra trận động đất khi cùng những thành viên đoàn cứu hộ khác lái xe qua al-Atarib thì bị một người đàn ông chặn đường, chạy đến nói trong nước mắt. Người này nói gia đình ông bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Và khi Obeid nhìn thấy tòa nhà bốn tầng đổ ụp lên nhau, ông cũng bắt đầu khóc. Obeid nói ông không chắc liệu đội cứu hộ có thể cứu được họ hay không. Thật may, họ đã giải cứu thành công.
Mũ bảo hiểm trắng cho biết những lời hứa hỗ trợ ban đầu từ các quốc gia phương Tây và vùng Vịnh đã không bao giờ thành hiện thực.
Muneer Mustafa, phó trưởng nhóm Mũ bảo hiểm trắng nói: “ Chúng tôi đã gào lên hết cỡ rằng tất cả những khu vực này đều cần thiết bị cứu hộ ”. Từ văn phòng của nhóm Mũ bảo hiểm trắng, ông vừa nói vừa chỉ vào một tập giấy lớn đặt trên giá vẽ, trên đó viết tên các thị trấn bị ảnh hưởng và số lượng đội cứu hộ được cử đến.
Những ngôi mộ mới được đào lên ở al-Atarib. Ít nhất 3.000 người Syria đã thiệt mạng sau trận động đất.
Ông nói: “Chúng tôi không thể đến được 60% những nơi đó” .
Vào ngày thứ ba sau trận động đất, một đội cứu hộ và y tế gồm 20 người từ Ai Cập đến, nhưng các nhân viên cứu trợ không mang theo dụng cụ hoặc thiết bị nào. Một đội cứu hộ gồm 4 người từ Tây Ban Nha đến vào ngày thứ tư, nhưng cũng chả có bao nhiêu thiết bị.
Ông Mustafa nói: “Chúng tôi cần thiết bị hơn con người. Chúng tôi đã có người rồi” .
Phía bên kia biên giới, ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận được nhiều hỗ trợ hơn dưới hình thức các đội cứu hộ nước ngoài, thiết bị và nhà bếp di động.
Nhưng ở phía Tây Bắc Syria, nơi mật độ xây dựng ít hơn và số người chết thấp hơn, LHQ chỉ gửi đoàn xe sơ cứu vào thứ Năm (9/2). Nó đã được lên kế hoạch trước khi trận động đất xảy ra và mang theo một vài vật liệu làm nơi trú ẩn và đồ dùng vệ sinh.
Muhammad al-Omar, phát ngôn viên của phe đối lập Syria, cho biết LHQ muốn gửi các đoàn xe viện trợ không đi qua cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ mà từ các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát, một động thái không thể chấp nhận được đối với họ.
“LHQ phải biết rằng có sự từ chối phổ biến đối với bất kỳ khoản viện trợ nào đến từ các khu vực của chế độ” , ông Omar nói trong văn bản trả lời các câu hỏi.
Yazam Mousa, phải, trở lại toà nhà nơi anh từng sống và bây giờ sụp đổ vì trận động đất.
Ở al-Atarib, bà Amna Akoosh, 65 tuổi, đứng cùng 7 đứa cháu của mình theo dõi việc dọn dẹp đống đổ nát của tòa nhà mà họ từng sống. “Họ nói không ai bị bỏ lại bên dưới”, bà nói, giọng có vẻ không chắc chắn.
Bà Akoosh kể lại rằng có khoảng 20 người sống trong tòa nhà đến từ những nơi khác nhau ở Syria, đều là chạy trốn chiến tranh. Gia đình bà không biết rõ từng người trong số họ. Bây giờ bà tự hỏi liệu tất cả bọn họ đã thực sự được đưa ra - bất kể sống hay chết - từ bên dưới đống đổ nát hay chưa.
Ngôi nhà tầng hai của gia đình bà và mặt tiền cửa hàng mà họ thuê đều bị phá hủy. Họ tạm thời chuyển đến một trang trại ở một ngôi làng gần đó, nhưng dự định sẽ quay lại và xây dựng lại.
“ Những ngôi nhà sẽ trở lại nhưng mất mát về con người thì không ”, bà Akoosh nói, một hình xăm nhỏ đã mờ trang trí môi dưới của bà theo một phong tục không còn phổ biến của phụ nữ sống trong các bộ lạc ở Syria.
Khi giai đoạn tìm kiếm cứu nạn kết thúc, phần lớn công việc đang được thực hiện trên khắp vùng Tây Bắc Syria là dọn dẹp đống đổ nát, mở lại đường và giúp người dân xây dựng lại cuộc sống.
Một người đơn độc bước đi trên đống đổ nát ở Sarmada, tỉnh Idlib hôm Chủ nhật (12/2).
Nhưng ngay cả trong giai đoạn mới này, người dân vẫn cần những thiết bị mà họ đã cầu xin từ những giờ đầu tiên sau trận động đất.
Mặc dù có rất ít viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, nhưng hơn 1.200 thi thể người tị nạn Syria thiệt mạng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất vẫn đi qua biên giới tuần trước.
Tại nghĩa trang thị trấn ở al-Atarib, một ngôi mộ tập thể đã được đào lên, dành cho cả những người Syria đã chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và những người còn đang được tìm kiếm ở quê nhà. Không có bia mộ, chỉ có những khối bê tông vỡ được viết lên họ của người quá cố, hoặc đôi khi chỉ là tên của thành phố mà người đó đã bỏ đi. Cả gia đình được chôn cất cùng nhau.
Tahir ibn Muhammad, 53 tuổi, mất mẹ và con gái trong trận động đất, đang đứng ở cửa một xưởng mộc đối diện với nơi từng là tòa nhà chung cư của ông và dọn dẹp đống đổ nát.
“ Có rất nhiều ngôi nhà bị phá hủy, họ không thể xử lý hết” , ông nói về Mũ bảo hiểm trắng. “ Các quốc gia bị tê liệt trong việc ứng phó với một thảm họa như thế này. Vậy còn chúng ta thì sao? ”
Ông quan sát các con trai của mình mạo hiểm lên tầng hai gần như nguyên vẹn của tòa nhà, giờ chỉ cách mặt đất vài chục phân, và một lúc sau mang lò ga ra. Chẳng mấy chốc, họ lôi ra một cái giá phơi đầy bát đĩa, lọ ô liu và dưa chua.
Những người hàng xóm đã giúp họ chạy thoát trước khi tòa nhà của họ bị sập, nhưng vài phút sau ông ta lại mạo hiểm trèo vào trong để lấy chiếc cặp giữ tất cả các tài liệu quan trọng của gia đình, bao gồm cả bằng cấp ba và đại học của các con ông ta.
Ông không cảm thấy quá tức giận về việc thiếu sự giúp đỡ từ nước ngoài. Vốn ông không mong đợi nhiều từ cộng đồng quốc tế, nhưng lại cảm thấy rất an ủi bởi những phản ứng của địa phương.
Ông nói: “ Xã hội này đoàn kết với nhau là đủ rồi. Điều đó quan trọng hơn tất cả viện trợ quốc tế ”.