Những người Nga gốc Do Thái trở thành tướng Đức Quốc xã

Lê Ngọc |

Lẽ ra những người này phải kết thúc cuộc đời trong trại tập trung nhưng họ lại chiếm được các vị trí cao trong lực lượng vũ trang của Đức Quốc xã.

Con lai

Không phải tất cả người Do Thái được gửi đến các trại tập trung ở Holocaust đều chết ở đó. Hàng chục nghìn người đã chiến đấu cho Đức trong Thế chiến II, và thậm chí còn được tặng thưởng. Những đứa con lai (như Đức Quốc xã gọi những người có gốc Do Thái lai người gốc Aryan) được phép phục vụ, nhưng chính thức bị cấm được thăng tiến. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó phụ thuộc vào việc cá nhân đó có lợi cho chế độ hay không.

Đã có hàng chục người là con lai chỉ huy các sư đoàn và quân đoàn trong quân đội. Về Nguyên soái không quân Erhard Milch, có cha là người Do Thái, Herman Goering (một trong những nhân vật quyền lực nhất của Đức Quốc xã) - người đánh giá cao Milch, nói: Tôi sẽ quyết định ai là người Do Thái và ai không.

Tình cảnh của những người con lai của Đức và Đông Âu rất khác nhau. Trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ba Lan và Liên Xô, người Đức không quan tâm đến tỷ lệ phần trăm máu của người Do Thái, tất cả những người có nguồn gốc Do Thái lai được xếp là người Do Thái, và tất cả đều chờ đợi số phận khủng khiếp như nhau. Tuy nhiên, một số người Nga gốc Do Thái không chỉ tránh được cảnh ngộ này mà còn leo được lên các vị trí cao trong quân đội Đức.

Tướng Balkan

Sau sự sụp đổ của đội quân Bạch vệ, Boris Shteifon - cựu đại tá quân đội Đế chế Nga và là cựu chiến binh Nội chiến Nga tìm được nơi ẩn náu ở Balkan - nơi ông viết hồi ký và trở thành một giáo sư khoa học quân sự. Shteifon chứng kiến việc Đức Quốc xã thôn tính Nam Tư năm 1941.

Ở tuổi 59, Shteifon không có ý định quay lại sự nghiệp quân sự của mình, nhưng sự xuất hiện của Đức Quốc xã đã làm đảo lộn các tính toán của ông. Những người cộng sản Nam Tư dưới thời Josip Broz Tito đã kiên cường kháng chiến chống quân xâm lược, nhưng khi chiến đấu với quân Đức, họ cũng thường giết cả những tàn quân Bạch vệ.

Để chống lại phong trào du kích của Tito, Đức đã lập ra Quân đoàn bảo vệ Nga (RPC), chiêu mộ những người Nga di cư sống ở Nam Tư tham gia. Với số lượng khoảng 11.000, đây là một trong những đơn vị người nước ngoài lớn nhất của quân đội Đức. Ngoài việc săn lùng những người cộng sản, quân đoàn đã bảo đảm liên lạc và thực hiện các hoạt động thanh trừng. Về sau, chính RPC đã đụng độ trực tiếp với Hồng quân đang thắng thế, như một cuộc khởi nghĩa nhỏ của Nội chiến Nga.

Shteifon được đề nghị giữ chức Tư lệnh RPC và được chấp nhận. Người Đức biết rất rõ rằng Shteifon là con trai của một người Do Thái bị đồng hóa, nhưng đã chọn cách nhắm mắt làm ngơ. Theo nhà nghiên cứu Ilya Kuksin, với các sĩ quan Đức, Shteifon là một nhà quân sự chuyên nghiệp cao cấp và có tinh thần chống cộng. Họ cho rằng, mẹ Shteifon là người Nga và chính ông đã được rửa tội, là đủ.

Trung tướng Shteifon chỉ huy RPC cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến, và chết vì một cơn đau tim vào ngày 30/4/1945. Quân đoàn đã đột nhập vào Áo và đầu hàng quân Anh. Bất chấp yêu cầu của Liên Xô, RPC đã không được bàn giao cho Moscow, vì hầu hết binh sĩ đơn vị này chưa bao giờ là công dân Liên Xô.

Làm việc cho hai cơ quan tình báo

Vị tướng tương lai của Đức Quốc xã - Boris Holmston-Smyslovsky xuất thân từ một gia đình quý tộc gốc Do Thái. Trải qua thời kỳ khó khăn của WWI và Nội chiến Nga, giống như hàng nghìn sĩ quan Nga khác, ông bị lưu đày. Nhưng trong khi đa số tàn quân Bạch vệ mong muốn trả thù những người Bolshevik chỉ đứng về phía người Đức trong chiến tranh, Holmston-Smyslovsky đã gia nhập quân đội Đức sớm hơn nhiều, trước khi Hitler lên nắm quyền.

Những người Nga gốc Do Thái trở thành tướng Đức Quốc xã - Ảnh 1.

Boris Holmston-Smyslovsky. Nguồn: rbth.com

Năm 1928-1932, Holmston-Smyslovsky được huấn luyện chuyên môn tình báo tại Tổng hành dinh Reichswehr Truppenamt. Các mối quan hệ có được đã tạo điều kiện cho Holmston-Smyslovsky với nguồn gốc Do Thái leo vào hàng ngủ chỉ huy cơ quan tình báo quân đội Đức mà không gặp vấn đề gì.

Năm 1943, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Đức - Đô đốc Wilhelm Canaris - đã đích thân can thiệp khi Holmston-Smyslovsky bị bắt vì tội phản quốc - công khai phản đối kế hoạch của người đứng đầu RPC Vlasov chiến đấu trên mặt trận phía Tây - Holmston-Smyslovsky tin rằng người Nga chỉ nên tiến hành chiến tranh chống lại những người Bolshevik.

Trong suốt chiến tranh, Holmston-Smyslovsky đã tổ chức và thực hiện các hoạt động trinh sát và phá hoại hậu phương Liên Xô, tìm và tiêu diệt các phân đội du kích. Để làm những nhiệm vụ này, Holmston-Smyslovsky được giao chỉ huy đội quân 10.000 người Nga, được đổi tên vào cuối chiến tranh là Quân đội Quốc gia Nga thứ nhất.

Vào tháng 5/1945, Holmston-Smyslovsky đã dẫn tàn quân của quân đội mình (vài trăm người) đến Liechtenstein. Chính phủ của quốc gia nhỏ bé này đã từ chối dẫn độ họ về Liên Xô, bác bỏ các cáo buộc về tội ác chiến tranh của Liên Xô do thiếu bằng chứng.

Holmston-Smyslovsky tiếp tục các hoạt động tình báo của mình, lần này là để phục vụ Mỹ. Holmston-Smyslovsky cũng là cố vấn cho Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Liên bang Đức, và cho Tổng thống Argentina Juan Peron. Holmston-Smyslovsky qua đời năm 1988, ở tuổi 90, tại Liechtenstein./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại