Nếu theo dõi sự phát triển của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn những năm gần đây, có thể thấy, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự lực cho đến nay đã đạt được những thành công nhất định. Hiện tại, Trung Quốc đã đầu tư nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào ngành công nghiệp bán dẫn. Con số 143 tỷ USD hỗ trợ mà Trung Quốc chưa chính thức công bố cũng được kỳ vọng tạo ra cú hích mới cho việc làm chủ công nghệ bán dẫn.
Đây là xe ô tô tự lái của công ty Uisee, một công ty khởi nghiệp nhận danh hiệu "người khổng lồ tí hon'' của chính phủ Trung Quốc. Danh hiệu này được trao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và robot.
Xe ô tô tự lái của Uisee (Ảnh:China Daily)
Ông Xu Zhaoyuan - Phòng Nghiên cứu linh tế và công nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu phát triển Trung Quốc - cho biết: "Với những nỗ lực và đầu tư không ngừng, Trung Quốc đã có một nền tảng công nghiệp vững chắc cho sự phát triển kinh tế của mình, với niềm tin kinh doanh được nâng cao và cung cấp đủ động lực phát triển. Công nghiệp công nghệ cao trở thành lực lượng quan trọng dẫn dắt chuyển đổi, nâng cấp nền kinh tế và phát triển chất lượng cao".
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo động lực để Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các chiến lược tự chủ công nghệ. Điểm yếu của Trung Quốc đã lộ ra khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa tập đoàn công nghệ Huawei và tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC vào "danh sách đen". Điều đó đã ngăn các công ty này mua các linh kiện của Mỹ như chip và phần mềm công nghiệp.
Trong khi đó, những công ty công nghệ nhỏ, ít được chú ý lại không ngừng bành trướng và ngày càng nhận nhiều ưu đãi trong chính sách. Các công ty này sẵn sàng trở thành "gã khổng lồ tí hon" trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Đây là thế hệ start-up mới được chọn lựa bởi một chương trình đầy tham vọng của giới chức đại lục, với hy vọng chúng có thể trở thành ''vũ khí mới'' giúp nước này cạnh tranh trực tiếp với các Big Tech của Thung lũng Silicon.
Nhà báo Peter Elstrom của hãng tin Bloomberg cho rằng: "Ở Trung Quốc, đặc biệt là trong năm qua, chính phủ đã tích cực hơn nhiều trong việc hướng dẫn nguồn tài nguyên đi đâu, nguồn tài chính và cả nguồn nhân lực. Và bây giờ, Bắc Kinh đang hướng tiền và sự chú ý đến những công nghệ cốt lõi mà họ nghĩ là quan trọng về mặt chiến lược đối với họ".
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chương trình "người khổng lồ tí hon" này trong hơn 10 năm qua. Chương trình này là trọng tâm trong chiến lược tham vọng nhằm xây dựng vị thế toàn cầu của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quy mô chương trình ra hàng nghìn doanh nghiệp, gần 9.000 doanh nghiệp đã nhận danh hiệu "người khổng lồ tí hon'', đạt 90% mục tiêu tạo ra 10.000 "người khổng lồ tí hon'' vào năm 2025.